10/06/2021 10:48 GMT+7

Vắng khách do dịch COVID-19, hàng không xoay xở bằng chở hàng hóa

C.TRUNG
C.TRUNG

TTO - Thay vì đích nhắm là chở khách, giờ đây nhiều hãng bay trong nước đang nỗ lực nâng tỉ trọng của mảng vận tải hàng hóa (cargo) như một phương án vượt khó thời đại dịch, để đảm bảo hàng hóa lưu thông trong nước và xuất khẩu.

Vắng khách do dịch COVID-19, hàng không xoay xở bằng chở hàng hóa - Ảnh 1.

Hàng không ưu tiên dùng máy bay lớn để vận chuyển hàng trăm tấn vải thiều từ Hà Nội đến TP.HCM - Ảnh: VNA

Các hãng bay cho biết hiện nay số lượng chuyến bay sụt giảm, máy bay phải nằm đất do dịch COVID-19 khiến lượng khách đi máy bay giảm mạnh. Để tăng thêm doanh thu, các hãng bay đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa nhằm duy trì hoạt động khai thác. 

Đại diện Vietnam Airlines cho biết vải thiều Bắc Giang năm nay được mùa, với sản lượng tăng hơn chục nghìn tấn so với năm trước. Tuy nhiên, dịch COVID-19 làm khó cho việc tiêu thụ nông sản thế mạnh này của tỉnh Bắc Giang. 

Trong đó, khâu vận chuyển hàng hóa cần phải rất nhanh chóng, với khả năng bảo quản tốt để vải thiều đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng tươi mới. Trước yêu cầu này, đường hàng không đã được huy động tối đa để thực hiện nhiệm vụ. 

Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đã vận chuyển hàng trăm tấn vải thiều Bắc Giang bằng máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 đi đến TP.HCM, Nhật Bản. 

Thậm chí để tăng trọng tải, ngoài khoang hành lý, hãng đã sắp xếp đưa 40 tấn vải thiều từ Hà Nội vào TP.HCM trên khoang hành khách. Đây cũng là lần đầu tiên hãng bố trí một siêu máy bay Boeing 787-9 chỉ để chở vải thiều. 

Chỉ tính riêng trong ngày 8-6, hãng đã vận chuyển hơn 100 tấn vải thiều từ Hà Nội đến TP.HCM. Trước đó, những lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang đã đến Nhật Bản trên các máy bay thân rộng của Vietnam Airlines.

“Đây là những nỗ lực mới nhất của Vietnam Airlines cùng tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan nhằm sát cánh cùng bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều” - đại diện hãng bay này nhấn mạnh.

Theo các hãng bay, trong bối cảnh nhiều đường bay nội địa và quốc tế buộc phải tạm dừng để tránh sự lây lan của dịch COVID-19, các hãng hàng không Việt Nam chuyển hướng sang dùng máy bay chở khách bằng cách tháo ghế trên khoang hành khách để chở hàng, "vớt vát" doanh thu vốn đang sụt giảm nghiêm trọng. 

Bình thường, một chuyến bay vừa chở khách vừa chở hàng trong bụng máy bay có thể chở trung bình khoảng 2 tấn hàng với máy bay A321, 15 tấn với máy bay A350/787. 

Nếu chuyến bay không chở khách, kết hợp chở hàng trong bụng và trên ghế hành khách máy bay, con số tăng lên lần lượt là 8 - 9 tấn và 35 - 40 tấn hàng. Đối với máy bay A321 sau khi tháo ghế khoang hành khách để tăng chở hàng, máy bay chở tối đa được 14 tấn hàng. 

Như vậy, những thay đổi cải biến khoang hành khách giúp nâng gấp 2 đến gần 7 lần tải trọng hàng hóa của máy bay so với việc chỉ chở hàng trong bụng máy bay, qua đó tối ưu hóa chi phí và doanh thu của từng chuyến bay chở hàng. 

Đơn cử, Vietjet Air đã bắt tay cùng Tập đoàn UPS cải thiện mảng vận chuyển hàng hóa giữa thị trường Mỹ và khu vực châu Á (nhất là đến Việt Nam và Thái Lan).

Dù vậy, hiện nay các hãng hàng không Việt Nam chưa có hãng nào có máy bay chuyên vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp. 

Nắm bắt được nhu cầu trên, ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn - chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - đã xin thành lập hãng bay riêng chuyên chở hàng hóa (cargo) là IPP Air Cargo, đánh dấu mốc mới cho “cuộc đua” thị trường vận tải hàng hóa bằng đường không, vốn phần lớn đang nằm trong tay hãng bay ngoại. 

Hãng bay mới có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác. 

Nếu được cấp phép, năm đầu tiên IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD.

Ngưng chở khách, hàng không tăng vận chuyển hàng hóa Ngưng chở khách, hàng không tăng vận chuyển hàng hóa

TTO - Sau khi giảm các đường bay, tạm dừng vận chuyển hành khách, các hãng hàng không đã chuyển sang chở hàng hóa nhằm có doanh thu duy trì hoạt động trong bối cảnh ngành hàng không bị thiệt hại nặng do dịch bệnh.

C.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên