Nhiều cư dân ở chung cư đặt mua thang dây thoát hiểm để phòng khi xảy ra hỏa hoạn - Ảnh: Tự Trung |
Đó là thực tế từ khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ về mức độ quan tâm đối với công tác PCCC ở chung cư, được thực hiện với 50 người dân sống tại các chung cư, căn hộ cao cấp và 20 người làm công tác quản lý ở đây.
Khảo sát được tiến hành khi hai vụ hỏa hoạn ở tòa nhà cao tầng mới xảy ra tại Hà Nội đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cháy nổ tại các chung cư, tòa nhà cao tầng.
Người mua không hỏi, người bán chẳng nói
Khi được hỏi trước khi quyết định mua căn hộ ở chung cư, người dân có hỏi chủ đầu tư về công tác PCCC hoặc các văn bản nghiệm thu về PCCC của tòa nhà không, có đến 31/50 người đang ở chung cư trả lời là “không” (chiếm 62%). Tỉ lệ này còn cao hơn nữa theo đánh giá của những người làm công tác quản lý ở các chung cư: là 75%.
Có nhiều lý do khiến người mua lẫn người bán “quên” đi vấn đề này. Như chia sẻ của anh Nguyễn Minh Hùng (ngụ ở chung cư An Lộc, Q.Gò Vấp): “Khi mua chung cư tôi chỉ quan tâm giá 1m2 bao nhiêu, cơ sở hạ tầng thế nào, vị trí có gần chỗ làm, trường học, bệnh viện, siêu thị... hay không. Tôi không nghĩ đến nguy cơ cháy nổ ở chung cư nên không hỏi”.
Còn chị Nguyễn Thị Xuân (ngụ chung cư Ngô Tất Tố) thì cho rằng: “Tôi cũng không hỏi vì tôi nghĩ trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ thuộc về chủ đầu tư, tiền bảo hiểm này đã được tính trong giá bán nhà rồi. Chắc là có nằm trong hợp đồng hết”.
Tuy nhiên, một quản lý chung cư ở Q.Tân Phú cho biết: “Chủ đầu tư tòa nhà chỉ mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho phần khung của tòa nhà, còn phần diện tích trong căn hộ người dân phải tự mua”.
Bà P.T.T. (ban quản trị một chung cư ở Q.Gò Vấp) cũng nói rằng: “Khi bán căn hộ, phía chủ đầu tư chỉ quảng cáo diện tích, tiện ích và giá cả. Những buổi thuyết trình về căn hộ hầu như không nói về an toàn PCCC hay phương án thoát hiểm khi có sự cố. Vấn đề này trong hợp đồng cũng không nói tới. Mặt khác, trong hợp đồng có bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhưng cư dân không mua thì cũng không làm gì được”.
Không chỉ thiếu sự quan tâm ngay từ lúc quyết định mua nhà ở chung cư, căn hộ cao cấp mà ngay cả khi đã dọn vào ở, nhiều người vẫn thờ ơ với công tác PCCC.
Cụ thể, trong 70 người trả lời khảo sát về mức độ tham gia của cư dân vào các buổi tập huấn PCCC thì chỉ có 14,3% người cho biết tham gia đầy đủ, 38,6% thỉnh thoảng tham gia với điều kiện “nếu có thời gian” và 47,1% không bao giờ tham gia.
Theo một số cư dân, lý do chính khiến họ không tham gia là vì các buổi tập huấn PCCC thường được tổ chức vào buổi sáng trong tuần là lúc họ khó sắp xếp thời gian. Một số khác cho biết rất muốn và sẽ tham gia tập huấn nhưng “rất tiếc, ban quản lý ở đây không tổ chức” - chị Lý Phụng Nhi (ở một chung cư thuộc Q.Thủ Đức) kể.
Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Tăng cường ý thức phòng cháy
“Dễ cháy, khó chạy” - đó là chia sẻ rất thực tế của chị Chế Thanh Vân (chung cư Mỹ Phước, Q.Bình Thạnh) về hiểm họa cháy và mức độ nguy hiểm của nó khi ở chung cư.
Chị Vân nói: “Sống ở nhà phố hay chung cư đều phải đối mặt với nguy cơ cháy nổ nhưng cháy ở chung cư khó thoát thân. Khi cháy đi thang máy không được, chạy thang bộ cũng không xong vì khói xông lên mù mịt”.
Để chỉ ra đâu là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ ở chung cư là điều không dễ vì mỗi vụ cháy lại có một nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ đang rình rập ở mỗi khu chung cư, mỗi tòa nhà cao tầng là điều hoàn toàn có thật và cũng có thể nhận diện.
Theo những người trả lời khảo sát, nguy cơ được đề cập hàng đầu là hệ thống điện thiếu an toàn (75,7% ý kiến), kế tiếp là hàng loạt nguy cơ từ ý thức kém của người dân như hút thuốc ở những khu vực cấm như hầm để xe (67,1% ý kiến), bỏ các vật dụng dễ cháy (tàn thuốc, vàng mã đang cháy dở dang...) vào gen rác (44,3%), tự ý phá hệ thống báo cháy để được nấu nướng thoải mái (27,1%)...
Thế cho nên, đi vào giải pháp để PCCC hiệu quả ở các chung cư, những người trả lời khảo sát tập trung vào hướng đề cao việc cẩn thận trong sinh hoạt (đun nấu, thắp nhang, hút thuốc, kiểm tra hệ thống điện...) để phòng cháy nổ (77,1% ý kiến).
Kế tiếp đó là giải pháp nâng cao ý thức của người dân (75,7% ý kiến) và vận động người dân tham gia các đợt tập huấn PCCC (61,4%). “Sống ở chung cư, mọi sinh hoạt đều phải cẩn thận vì lỡ có chuyện gì là ảnh hưởng biết bao nhiêu người” - chị Chế Thanh Vân bày tỏ.
Giải pháp xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm hoặc tăng mức độ giám sát của ban quản lý, quản trị cũng được đề cập nhưng được ít người đồng thuận hơn.
Điều này có thể do khi phát hiện những nguy cơ có thể gây cháy, nổ, có đến 46/50 người trả lời khảo sát cho biết đã chọn phương án báo cho ban quản lý chung cư biết, tuy nhiên nhiều người nói rằng có vẻ như không phải lúc nào ban quản trị cũng lắng nghe các cảnh báo.
Có đến 42,9% ý kiến cho rằng việc chủ đầu tư, ban quản trị thiếu quan tâm đến công tác PCCC như: bố trí thiết bị chữa cháy ít, không sâu sát trong kiểm tra hệ thống điện, chậm phản hồi các cảnh báo cháy nổ của cư dân... cũng là điều cần phải chú ý liên quan đến việc PCCC ở các chung cư.
* Ông Nguyễn Văn Sau (chung cư 76 Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh): “Cần nâng cao ý thức người dân hơn nữa bởi thật sự họ rất thờ ơ. Lần gần đây nhất khi ban quản lý thông báo các hộ dân mang bình chữa cháy xuống sạc, cả ba block mà chỉ mang xuống có 13 bình xịt”. * Ông Nguyễn Sơn Trường (chung cư Phạm Viết Chánh, Q.Bình Thạnh): “Ở địa phương hay tòa nhà tổ chức các buổi tập huấn PCCC, tôi sẽ cố gắng sắp xếp đi, rồi khuyến khích những người mình biết xung quanh tham gia để biết cách PCCC hoặc rủi có xảy ra cháy nổ mình cũng biết cách ứng phó”. * Ông Nguyễn Viết Lọng (bảo vệ tòa nhà PN Techcons, Q.Phú Nhuận): “Phần lớn người dân chưa biết sử dụng bình chữa cháy cho dù đã mua để ở nhà. Cháy nổ là điều không ai muốn nhưng người dân nên học cách sử dụng thiết bị PCCC, kỹ năng thoát hiểm, tham gia các buổi tập huấn PCCC thay vì chỉ đứng nhìn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận