Phóng to |
Dây chuyền sản xuất sản phẩm balô, túi xách tại Công ty TNHH LilaMiti, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Sản xuất túi xách hơn 10 năm qua nhưng ông Nguyễn Trí Kiên - giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến (TP.HCM) - cho biết ông phải nhập ít nhất 70% nguyên liệu để may hoàn chỉnh từng chiếc túi xách, balô. “Có những thứ tôi nghĩ trong nước có thể sản xuất đại trà như khoen móc nhựa, dây kéo, vải lót simili nhưng rốt cuộc phải nhập vì muốn mua trong nước cũng khó, mà chất lượng lại không đồng nhất” - ông Kiên cho hay.
Việc tỉ trọng nguyên liệu nhập khẩu chiếm quá nhiều trong cơ cấu thành phẩm, theo ông Kiên, “đương nhiên sẽ làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp khi giá thành sản phẩm vẫn không thể kéo xuống mức thấp nhất như doanh nghiệp mong muốn”. Hệ quả là trên thị trường hiện nay ngành túi xách, balô sản xuất trong nước đang phải “hết hơi’ chống đỡ hàng Trung Quốc nhập từ nhiều đường khác nhau với giá thấp hơn 15-20%.
Ông Vũ Đình Phương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quạt VN (Asia), cho biết để sản xuất ra chiếc quạt máy hiện nay, Asia phải nhập toàn bộ nguyên liệu nhựa PP và ABS để làm bộ khung và thân quạt. Tỉ trọng nguyên liệu nhựa này chiếm đến 50% giá trị sản phẩm “và trong nước hiện nay vẫn chưa sản xuất được loại nguyên liệu nhựa này” - ông Phương nói.
Hai ngành xuất khẩu chủ lực mang lại rất nhiều ngoại tệ cho VN hiện nay là dệt may và da giày vẫn không nằm ngoài dòng chảy này. Bà Trương Thúy Liên, giám đốc Công ty TNHH nguyên phụ liệu Liên Anh (Bình Dương), cho biết hiện các doanh nghiệp sản xuất giày đang phải nhập hơn 70% nguyên phụ liệu là da, các loại phụ kiện, đế, keo dán... “Tỉ trọng nguyên liệu nhập khẩu gần như sẽ là 100% nếu doanh nghiệp chỉ đơn thuần làm gia công vì nguyên liệu sẽ do nơi đặt hàng cung cấp” - bà Liên băn khoăn.
Theo ông Kiên, để khắc phục điểm yếu trên cần xây dựng cụm công nghiệp nguyên phụ liệu. “Tôi đi Trung Quốc và thấy bên đó làm gì họ cũng hình thành theo cụm, khu công nghiệp với số lượng doanh nghiệp rất nhiều. Ví dụ làm ra sản phẩm balô, túi xách như chúng tôi, doanh nghiệp của họ chỉ cần đi quanh một vòng với nhau là được cung cấp đầy đủ, không thiếu món gì” - ông Kiên nói.
Thế nhưng, việc tìm được một khu vực có diện tích phù hợp để hình thành các cụm, khu công nghiệp như vậy cho đến nay vẫn chưa có tỉnh hay địa phương nào tạo ra được. “Đất không có là một lẽ, mà địa phương nào cũng từ chối khéo bởi sản xuất các loại nguyên phụ liệu thường đi đôi với vấn đề ô nhiễm môi trường” - ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, nhận định.
Theo các chuyên gia của lĩnh vực nguyên liệu, đầu tư vào ngành nguyên phụ liệu luôn là một thách thức rất lớn đối với tất cả doanh nghiệp của tất cả mọi ngành chứ không riêng ngành nào. “Vì chi phí đầu tư quá lớn, thời gian khấu hao lâu, rủi ro nhiều, trong khi chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp lại thiếu và hoàn toàn không hấp dẫn nên đã gây trở ngại không ít cho vấn đề thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn trong nước” - ông Lê Quang Hùng khẳng định.
Nhập khẩu nguyên liệu tăng dần Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9-2013 đã nhập khẩu 4,24 tỉ USD nguyên liệu nhựa, 6 tỉ USD vải các loại, 1,12 tỉ USD xơ, sợi dệt, khoảng 2,72 tỉ USD nguyên phụ liệu dệt, may, da giày... Những nguyên liệu nhập khẩu nói trên đều đang giữ các vai trò xuất khẩu chủ lực hiện nay trong cán cân thương mại của nền kinh tế VN, và đều có xu hướng tăng dần theo mỗi năm. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Xuất khẩu phụ thuộc doanh nghiệp ngoạiTPP: Cuộc chơi hồi hộp của dệt may Việt Nam?Nguyên liệu dệt may, da giày vẫn phụ thuộc Trung Quốc Ngành dệt may: Chỉ sợ thiếu vốnDệt may trở thành "anh cả”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận