14/07/2008 08:15 GMT+7

Ngành dệt may: Chỉ sợ thiếu vốn

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TT - Để kiềm chế nhập siêu, một trong những giải pháp quan trọng là tăng xuất khẩu. Thế nhưng một trong những "đầu tàu" xuất khẩu chính hiện nay là dệt may đang chật vật trong việc thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu năm 2008. Hai khó khăn ngành này đang gặp phải là thiếu vốn và biến động lao động.

dCIepnd1.jpgPhóng to
Các doanh nghiệp dệt may đang bị áp lực biến động lao động - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
TT - Để kiềm chế nhập siêu, một trong những giải pháp quan trọng là tăng xuất khẩu. Thế nhưng một trong những "đầu tàu" xuất khẩu chính hiện nay là dệt may đang chật vật trong việc thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu năm 2008. Hai khó khăn ngành này đang gặp phải là thiếu vốn và biến động lao động.

Sáu tháng đầu năm 2008, dệt may mới thực hiện được gần 45% mục tiêu xuất khẩu. Sáu tháng cuối năm, ngành dệt may phải thực hiện thêm 5,3 tỉ USD mới đạt mục tiêu cả năm 9,5 tỉ USD.

Thiếu vốn, thiếu công nhân

"Chúng tôi không lo thiếu đơn hàng, nhiều khó khăn ngành đang gặp phải lại nằm ở khả năng giải quyết của doanh nghiệp" - ông Vũ Đức Giang, tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp dệt may VN (Vinatex), thừa nhận. Dù tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ngành dệt may đang phải đối phó với hàng loạt khó khăn như lãi suất vay vốn tăng cao, giá nguyên phụ liệu và lương nhân công đội lên 30-40%, nguy cơ thiếu thợ luôn rình rập.

Mặt hàng dệt may, nhóm có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai sau dầu thô, tuy có một số thuận lợi như nhiều khách hàng lớn đã gia tăng đơn hàng, đơn giá cũng tăng lên, nhưng do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhập khẩu nguyên liệu không theo kịp sản xuất, chi phí sản xuất tăng… nên các biện pháp khuyến khích sản xuất, xuất khẩu phải được thực hiện quyết liệt mới đảm bảo kim ngạch 9,5 tỉ USD, tăng 23% so với năm 2007.

Theo ông Phạm Xuân Hồng - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), có hợp đồng nhưng vẫn lo khi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp làm hàng FOB, phải chạy vốn để nhập nguyên liệu. Lãi suất cao nhưng vẫn khó vay. Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp cổ phần may thuộc loại lớn cho biết vừa ký hợp đồng xuất khẩu 300.000 áo jacket cho hai quí cuối năm.

Tính khoản tiền phải vay ngân hàng để nhập nguyên phụ liệu lên đến gần 2,4 triệu USD. Công ty gõ cửa ba ngân hàng thì nơi nào cũng nói đang xem xét, trong khi hợp đồng phải bảo đảm giao hàng đúng hạn. Tương tự, giám đốc Công ty TNHH may T cho biết đang cần vay 150.000 USD nhập nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu quần tây sang Nhật nhưng ngân hàng chỉ cho vay tối đa 30% nhu cầu của công ty.

Tình trạng công nhân bỏ việc, nhảy cóc sang công ty khác khiến các doanh nghiệp luôn đối mặt nguy cơ đền hợp đồng do giao hàng không đúng thời hạn. Dù rất nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh tiền lương cho công nhân, tăng tiền suất ăn giữa ca với mức tăng 10-15% so với trước nhưng vẫn chưa hạn chế được tình trạng này. "Công ty chúng tôi đã tăng thêm 20% lương cho công nhân, cũng đã cố gắng cải thiện đời sống công nhân nhưng vẫn chưa dám chắc có ổn định được lao động" - ông Phùng Đình Ngọ, giám đốc Công ty may Bình Hòa (TP.HCM), nói.

Gỡ khó, cần nhiều giải pháp

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kịp thời cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu đối với các tổ chức tín dụng để tăng khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 và tạo điều kiện cho việc phát triển ổn định của nền kinh tế những năm tiếp theo.

"Doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, cần được hỗ trợ để có thể vượt qua những khó khăn" - ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Vitas, nói.

Theo ông Ân, với riêng ngành dệt may, nếu không gỡ khó, đặc biệt là về vốn, khả năng không hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của cả năm rất có thể xảy ra. "Với lãi vay VND khoảng 18%, ngoại tệ 9-10% như hiện nay thì khó có doanh nghiệp dệt may nào sống được, trong khi cạnh tranh ngày càng gay gắt, lợi nhuận sụt giảm" - ông Ân nói.

Vitas cũng có kiến nghị giảm lãi vay VND còn 15%, ngoại tệ còn 8% hoặc thấp hơn và bảo đảm nguồn cung tài chính cho các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu nhằm duy trì và ổn định sản xuất. Để gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may, ông Vũ Đức Giang kiến nghị hạ mức thuế nhập khẩu xơ từ 3% xuống còn 0% do nguồn cung ứng trong nước không đáp ứng được nhu cầu.

Bản thân các doanh nghiệp dệt may cũng đang xoay xở để giữ chân người lao động, Theo ông Ân, doanh nghiệp phải xem việc cải thiện đời sống của người lao động như là một chính sách phát triển dài hạn. Cần tăng cường đối thoại để nắm thật rõ tâm tư, nguyện vọng người lao động. Vitas đang xây dựng đề án "Thỏa ước lao động tập thể" để chuẩn bị triển khai cho các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội trong thời gian tới, "chậm nhất là đầu quí 4 sẽ xong" - ông Ân cho biết.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên