25/12/2018 09:45 GMT+7

Văn học tuổi 20 lần 6 viết từ sức sống trẻ trung

PHAN HỒN NHIÊN
PHAN HỒN NHIÊN

TTO - Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 vừa khép lại với lễ trao giải vào ngày 23-12. Nhìn lại mùa giải này với những tín hiệu cần ghi nhận, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của nhà văn Phan Hồn Nhiên - thành viên ban giám khảo cuộc thi.

Văn học tuổi 20 lần 6 viết từ sức sống trẻ trung - Ảnh 1.

Các gương mặt giải 4 của Văn học tuổi 20 lần VI: (từ trái sang) Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đặng Hằng, Nguyễn Đinh Khoa - Ảnh: ĐỨC TRUNG

Hoạt động văn học, nhìn chung, luôn cần một số cột mốc để ghi nhận sự xuất hiện các nhân tố mới cũng như chỉ dấu báo hiệu những thay đổi bên trong dòng chảy.

Ở Việt Nam, cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 được theo dõi và chờ đợi cả từ công chúng lẫn giới chuyên môn chính bởi tính chất đặc biệt này.

Tư duy mở

Từ mục tiêu ban đầu phát hiện những cây bút tiềm năng, cho đến mùa giải lần thứ sáu, xóa mờ các đường biên về độ tuổi, kinh nghiệm làm việc hay mức độ thành danh, Văn học tuổi 20 đã trở thành cuộc tập hợp tranh tài giữa những người cầm bút sung sức và giàu khát vọng văn chương.

Dĩ nhiên, với một cuộc thi mà tính "trẻ" là điểm nhấn, độc giả của văn chương vẫn hi vọng tìm thấy giọng điệu mới lạ, khác biệt cho văn đàn.

Trong 20 tác phẩm vào chung khảo và 9 tác phẩm được giải, phần lớn các tác giả đều thuộc thế hệ Y - những người trẻ sinh sau 1982.

Sự khác biệt quan trọng của thế hệ người viết này chính là tư duy mở. Nếu thế hệ 7X trở về trước khá hoài nghi, thận trọng và giàu thương cảm, thế hệ Y dễ dàng tiếp nhận thế giới bên ngoài, tự do trong bày tỏ cá tính và góc nhìn, mỗi cá nhân đều có giọng điệu riêng biệt.

Bóng dáng các nhà văn đi trước không tác động nhiều lên trang viết của họ khi từng cây bút đều khá vững vàng cùng thể loại đã chọn, thể hiện sở trường một cách nhuần nhuyễn. Và từ nền tảng này, các bạn bắt đầu khai thác khía cạnh quan trọng mà công việc viết đặt ra: nhận diện, truy vấn và tìm lại mối liên hệ với chính mình.

Dù đề tài, thể loại và giọng điệu khác biệt nhưng hai tác giả Mai Thảo Yên và Maik Cây gặp nhau ở chính giao điểm trên. Các nhân vật của họ không ngừng chuyển động, tìm cách kết nối, một khi còn mong muốn được ghi nhận như một cá nhân đang hiện diện.

Từ kẻ đánh mất động lực sống, nhân vật chính trong Wittgenstein của thiên đường đen đã tìm lại nỗ lực sinh tồn, kích hoạt những giấc mơ của một con người.

Còn nhân vật An của Người lạ không chỉ bóc tách, khám phá từng cá nhân xung quanh, cô phải đối diện, định vị lại chính mình để tiếp tục bước đi trong thế giới học thuật quyến rũ mà khắc nghiệt, nơi người ta cần đến sự thức tỉnh và niềm tin vào bản thân hơn bất kỳ điều gì khác.

Và bước đi mới của người trẻ

Thế giới trong Chuyến tàu nhật thực hay Cửa sổ phía đông là thế giới mà sự hòa hợp giữa các lớp không gian và thời gian đòi hỏi cảm quan và hình thức thể hiện tinh tế.

Là hai cây bút đã có ít nhiều kinh nghiệm, với việc dự thi lần này, Đinh Phương và Nguyễn Thị Kim Hòa dường như tự tạo cơ hội để thay đổi, thể nghiệm bút pháp và có được hình thức thể hiện mới mẻ hơn.

Như các phản chiếu về cuộc sống ngày hôm nay, nơi các thế giới thực và ảo song song tồn tại, Yagon - Những kẻ vô cảm của Phạm Bá Diệp, Nhân gian nằm nghiêng của Đặng Hằng, Độc hành của Nguyễn Đinh Khoa, hay Thỏ rơi từ mặt trăng của Nguyễn Dương Quỳnh... đưa ra các cách nhìn khác về nơi chốn chúng ta đang sống, cách thức chúng ta giao tiếp và những vấn đề chúng ta bận tâm.

Có lẽ đã đến lúc cần ghi nhận bước đi mới trong thể loại văn hư cấu của thế hệ người viết trẻ, nơi thái độ mới cũng như phương pháp sáng tác mới được thể hiện đầy sức sống, điềm tĩnh và thực sự trưởng thành.

Có một số bạn viết nằm ngoài giải thưởng nhưng rất nên được dõi theo, như Nguyễn Dương Quỳnh, Phát Dương, Bùi Tiểu Quyên hay Vũ Tùng Lâm...

Tính cạnh tranh giữa những cây bút thực lực, sự đa dạng thể loại và sự đa thanh trong giọng điệu luôn mang đến sức hút đặc biệt. Với Văn học tuổi 20, một lần nữa có thể tin rằng, viết từ sức sống trẻ trung chính là cách chinh phục độc giả hấp dẫn, dù với các bạn viết, đây có thể mới là quyển sách đầu tay.

Không khí văn chương thuần khiết

Có lẽ vì sự lớn mạnh của dòng văn học kỳ ảo với các nhánh hậu tận thế, xuyên không, nên các tập truyện ngắn trong mùa giải này dường như bị thu hẹp tầm ảnh hưởng.

Nhưng, với Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, người yêu văn chương có thể nuôi hi vọng.

Với sở trường của người kể chuyện, sự tinh tế trong các phép ẩn dụ như một nhà thơ, cách nắm bắt sắc màu và đường nét như một họa sĩ, Hiền Trang mang đến một không khí văn chương tự nhiên và thuần khiết, điều đang rất thiếu trong văn học những năm gần đây.

Văn học tuổi 20 lần thứ 6: Người trẻ trên đường "Tôi đi tìm tôi" Văn học tuổi 20 lần thứ 6: Người trẻ trên đường 'Tôi đi tìm tôi'

TTO - Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 đã khép lại vào ngày 23-12, kết thúc hành trình 3 năm tìm những cây bút trẻ sắc nét trên văn đàn Việt Nam.

PHAN HỒN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên