24/12/2018 18:47 GMT+7

Văn học tuổi 20 lần thứ 6: Người trẻ trên đường 'Tôi đi tìm tôi'

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 đã khép lại vào ngày 23-12, kết thúc hành trình 3 năm tìm những cây bút trẻ sắc nét trên văn đàn Việt Nam.

Văn học tuổi 20 lần thứ 6: Người trẻ trên đường Tôi đi tìm tôi - Ảnh 1.

Ông Dương Thành Truyền - trưởng ban tổ chức cuộc thi Văn học tuổi 20, nhà văn - giám khảo Nguyễn Ngọc Tư và 9 tác giả đoạt giải cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 - Ảnh: ĐỨC TRUNG

10 tác phẩm được trao giải với độ tuổi trung bình của các tác giả trẻ nhất trong lịch sử cuộc thi: 24,5 tuổi. Văn chương của họ không khoa trương, cũng chẳng ồn ào mà thăm thẳm nỗi lòng của những người trẻ vừa bước vào đời.

Những trăn trở khôn nguôi

Được phát động từ ngày 24-12-2015 đến tháng 5-2018, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 458 tác phẩm dự thi, gồm 347 truyện dài và 111 tập truyện ngắn, đa số các thí sinh dự thi là sinh viên, biên tập viên, biên kịch...

Với chủ đề "Viết về cuộc sống, với những suy nghĩ, ước mơ, hành động của giới trẻ hiện nay", chương trình đã quy tụ sự tham gia của nhiều cây bút trẻ lẫn một số nhà văn chuyên nghiệp trên cả nước.

Chia sẻ trong lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần 6 diễn ra tại NXB Trẻ, TP.HCM, ông Dương Thành Truyền - trưởng ban tổ chức - đánh giá cuộc thi lần này thể hiện những góc nhìn mạnh mẽ và thẳng thắn của người trẻ trên con đường tìm kiếm chính mình.

Điều này có thể được nhìn thấy rõ nét trong hai tác phẩm đồng giải nhì: Wittgenstein của thiên đường đen (tác giả Maik Cây) và Người lạ (tác giả Mai Thảo Yên).

Văn học tuổi 20 lần thứ 6: Người trẻ trên đường Tôi đi tìm tôi - Ảnh 2.

Nếu cây bút Maik Cây nỗ lực khẳng định bản thân trong quá trình phác họa các nhân vật ở bối cảnh một thành phố giả tưởng thì tác giả Mai Thảo Yên lại đối thoại với những lựa chọn của mình trong thân phận một người trẻ Sài Gòn du học ở đất nước Thụy Điển xa xôi.

Không chỉ ở hai tác phẩm đoạt giải nhì - giải cao nhất (năm nay cuộc thi không trao giải nhất), người đọc mới thấy các tác giả trẻ chất vấn về bản ngã mà còn ở hầu hết các tập sách khác như: Sau những ngày mưa (Phạm Thu Hà - giải 3), Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa (Hiền Trang - giải 3), Chuyến tàu nhật thực (Đinh Phương - giải 4), Cửa sổ phía đông (Nguyễn Thị Kim Hòa - giải 4), Nhân gian nằm nghiêng (Đặng Hằng - giải 4), Độc hành (Nguyễn Đinh Khoa - giải 4), Cánh đồng ngựa (Nguyên Nguyên - tác phẩm được yêu thích nhất do bạn đọc bình chọn).

Đặc biệt, dù đoạt giải 3 nhưng tác phẩm Yagon - Những kẻ vô cảm của cây bút Phạm Bá Diệp cho thấy sự đột phá khi kết hợp yếu tố truyền kỳ giả tưởng và lịch sử trong việc tái khám phá đạo Mẫu và tạo nên những xung đột giữa con người và tôn giáo, giữa truyền thống và tính cá nhân.

Văn học tuổi 20 lần thứ 6: Người trẻ trên đường Tôi đi tìm tôi - Ảnh 3.

Tác phẩm đoạt giải 3 văn học tuổi 20 lần thứ 6

Vẽ lại những đường biên văn chương

Theo ông Dương Thành Truyền, Văn học tuổi 20 lần thứ VI là một tín hiệu đáng mừng cho nền văn học khi phát hiện ra một lớp người viết mới có 3 xu hướng nổi bật: xê dịch, tri thức và phá cách.

Với xu hướng xê dịch, những cây bút trẻ lựa chọn bước ra bên ngoài, sẵn sàng đối mặt, hòa nhập với xã hội khác, thế giới khác và phản ảnh những giằng xé xung đột giữa các nền văn hóa, lối sống.

"Những cây bút trẻ cũng chọn tri thức làm sức mạnh sáng tác bằng cách nghiên cứu, hệ thống hóa mọi thứ có liên quan đến đề tài mà mình ấp ủ để tác phẩm hàm chứa lượng kiến thức vừa phong phú vừa tinh tế" - ông Dương Thành Truyền nhận định.

Bên cạnh đó, cuộc thi lần này cũng ghi nhận nhiều tác giả sẵn sàng vượt qua "đường biên thể loại", vận dụng trí tưởng tượng kỳ ảo để tạo nên những tập sách xen lẫn giữa thực và ảo, xuyên không - giả tưởng.

Đại diện ban giám khảo cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Thành Thi đánh giá những yếu tố sáng tạo kỳ ảo, phiêu lưu của các tác phẩm truyện dài, truyện ngắn trong Văn học tuổi 20 lần VI đều nằm trong sự cho phép của dòng văn chương hư cấu.

Bên cạnh đó, các tác phẩm đoạt giải cho thấy cái tôi rõ nét của tác giả hiện đại với lối hành văn hàm súc, lôi cuốn nhưng cũng giàu tính kỹ thuật.

Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 do Nhà xuất bản Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Ban giám khảo gồm nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, PGS.TS Nguyễn Thành Thi, nhà văn Phan Hồn Nhiên và nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Ban tổ chức Văn học tuổi 20 đã quyết định kể từ lần thứ 7, chương trình sẽ được đổi tên thành Giải thưởng định kỳ Văn học tuổi 20 và được phát động từ tháng 1-2019 đến tháng 12-2021.

Người trẻ không tìm cách hiểu cuộc đời, họ tìm cách hiểu mình Người trẻ không tìm cách hiểu cuộc đời, họ tìm cách hiểu mình

TTO - Đó là chắt lọc đằng sau những gì đọng lại của Văn học tuổi 20 lần thứ 6 mà tiêu biểu là ở hai tác phẩm đồng giải nhì: Người lạ và Wittgenstein của thiên đường đen.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên