19/11/2014 09:39 GMT+7

Vẫn diễn chiêu lừa rớt tiền

NGUYÊN PHƯƠNG (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
NGUYÊN PHƯƠNG (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

TT - Lại chiêu lừa rớt tiền diễn ra trên đoạn đường từ Cộng Hòa về ngã tư Phú Nhuận (TP.HCM).

Rất may, "người trong cuộc" đã từng đọc câu chuyện tương tự trên Tuổi Trẻ và đã cảnh giác.

Khoảng 10g sáng 10-11, tôi chạy xe trên đường từ Cộng Hòa về ngã tư Phú Nhuận (TP.HCM). Vừa qua khỏi cầu vượt Hoàng Văn Thụ, một người đàn ông đi xe tay ga vọt qua tôi, nói lớn: “Rớt tiền kìa!”. 

Đường khá đông, tôi vẫn tiếp tục chạy xe vì nghĩ chắc ông ấy nhắc người khác. Lúc đấy tôi đeo balô sau lưng, trên xe treo nhiều đồ đạc khác.

Vừa chạy thêm một đoạn ngắn, một người đàn ông khác chạy ngang qua, ngoái lại chỉ vào bịch đồ treo trên xe tôi và nói: “Rơi đồ kìa”. Tưởng thật, tôi giảm tốc độ để chỉnh lại túi đồ của mình.

Lúc này, người đàn ông đi xe tay ga (người đầu tiên) chạy song song với tôi, trên tay trái có một xấp tiền gấp đôi lại, với rất nhiều tờ 500.000 đồng. Ông ta cặp sát vào xe tôi hỏi: “Rớt tiền sao kêu hoài không nghe. Tấp vô lề chú đưa tiền cho”.

Biết không phải tiền của mình, tôi tiếp tục chạy xe nhưng ông ta chạy ép xe tôi vào sát lề, tôi buộc phải dừng xe.

“Mở balô kiểm tra lại đi, chú thấy cái này rơi từ balô của con đó” - ông ta giục. Vì đeo balô sau lưng, tôi cũng nghi ngại không biết balô có bị mở khóa rơi đồ đạc hay không nên lấy balô chuẩn bị mở ra kiểm tra.

Vừa lúc ấy, một người đàn ông khác chạy đến, tỏ ra hoảng hốt: “Anh ơi! Anh có lượm được xấp tiền tui làm rơi không? Trong đó còn có tới mấy cây vàng của tui nữa”. Người đàn ông đầu tiên lật xấp tiền ra, và ở giữa đúng là có vàng.

Lúc này tôi thấy balô của mình không hở khóa nên đeo balô lên vai và mau miệng: “Đúng rồi, không phải tiền của cháu. Chắc của chú ấy rồi”.

Bất ngờ người đàn ông đầu tiên nói: “Lúc đầu tưởng tiền của cô này. Nếu đúng là của anh tui sẽ trả lại anh. Nhưng cô này thật thà, tui nghĩ là nên cho cô này 10 triệu”.

Lúc này, tôi sực nhớ tới một bài viết cảnh giác trên báo Tuổi Trẻ cách đây không lâu, rằng một nữ sinh lớp 11 cũng suýt bị lừa bởi chiêu rớt tiền của hai người đàn ông. Vội vàng, tôi lách xe ra rồi chạy đi...

Tôi vẫn nhớ cả hai người đàn ông này, tầm ngoài 40 tuổi, đi xe tay ga, mặc đồ tây rất lịch sự. Việc dựng ra tình huống rớt tiền của họ cũng tương tự cách thức lừa với em nữ sinh trong câu chuyện trên báo Tuổi Trẻ.

Kịch bản kế tiếp có thể là nếu tôi mở ví ra kiểm tra, không chừng đã bị giật tiền.

Hoặc sau đề nghị cho tôi 10 triệu đồng, người đàn ông thứ hai sẽ diễn màn không đồng ý, rồi cả hai sẽ cự nhau rằng chưa chắc là tiền của người thứ hai, sau đó nhờ tôi cùng tới đồn công an làm chứng, và tới quãng đường vắng họ sẽ giở trò cướp tiền, cướp xe.

Tôi thấy chiêu lừa này hình như chỉ nhắm vào những nữ sinh (tôi cũng là một sinh viên nữ). Các bạn sinh viên và các em học sinh hãy cảnh giác khi bỗng dưng có người lạ nói sẽ cho tiền (để đánh vào lòng tham của mình) hoặc nhờ vả đi theo làm chứng (khơi gợi lòng thương hại của mình), cũng như các tình huống yêu cầu mình xem lại ví tiền, balô với lý do khóa bị mở...

NGUYÊN PHƯƠNG (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên