Sở dĩ ông Vinh nhấn mạnh điều này vì muốn qua báo chí, một bộ phận người dân và cả các cán bộ nhà nước, đặc biệt là quan chức địa phương, có thể từ bỏ tâm lý ỷ lại vào viện trợ như vậy. “Tôi dám chắc có một tỉ lệ không nhỏ cán bộ nhà nước, nhân dân và lãnh đạo địa phương hiểu ODA (viện trợ phát triển) là cho không” - ông Vinh nói.
VN đã có 20 năm kinh nghiệm nhận và thực hiện ODA, thế nhưng tâm lý này vẫn còn tồn tại và được phản ánh qua nhiều “dự án xa xỉ” mà báo chí vẫn thi thoảng điểm mặt. Xa xỉ bởi vì dùng tiền đi vay mà như xài “tiền chùa”; nhiều địa phương vẫn còn tâm lý “có dự án là có tiền, còn lại Chính phủ lo”, nên vốn vay đã không được sử dụng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.
Từng có kinh nghiệm 34 năm lãnh đạo ở các tỉnh miền núi, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích chính vì có quá nhiều ưu đãi, cho không cho các đối tượng nghèo nên mới phát sinh “hội chứng nguy hiểm” là không ai muốn thoát nghèo.
Trong giai đoạn tiếp theo, khi các khoản cho vay ưu đãi và không hoàn lại ngày càng giảm và các khoản vay thương mại gia tăng, những tư duy như vậy sẽ không được phép tồn tại, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang ngày càng tiến dần tới trần nợ công 65% GDP mà Quốc hội đề ra. Do đó, nguồn vốn ODA trong thời gian tới sẽ theo định hướng kết hợp cả vốn vay ưu đãi và không hoàn lại lẫn các khoản vay thương mại với nhiều điều kiện ràng buộc hơn, đòi hỏi sự chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn từ phía đối tượng thụ hưởng.
Điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Bằng chứng mà ông Vinh viện dẫn là 90% của hàng chục ngàn tỉ đồng cho sinh viên vay đã được hoàn trả đúng hạn, nghiêm túc; hàng trăm kilômet đường giao thông nông thôn được hoàn thiện và bảo dưỡng tốt nhờ sự góp công góp của từ cộng đồng địa phương. Ông nói: “Ở Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang... dự án cho ximăng, sắt thép, tài trợ thuốc nổ, còn bà con tự thi công, hiến đất... Nhiều người còn ngỡ ngàng vì họ đóng góp nhiều hơn cả đồng bằng sông Hồng”.
Đó cũng là các lý do mà từ VDPF năm nay (thay thế cho hội nghị nhóm các nhà tư vấn - CG từ 1993-2012), sẽ không có các con số cam kết ODA nào dành cho VN được giật tít lớn trên trang nhất các báo nữa. Tuy các khoản ODA vẫn giữ vai trò quan trọng và nhiều đối tác tiếp tục cam kết giữ nguyên, thậm chí là tăng, ODA cho VN trong thời gian trước mắt, nhưng cái cần câu quan trọng và then chốt chính là các tư vấn chính sách, hướng dẫn kỹ thuật mà cộng đồng quốc tế sẵn lòng chia sẻ với VN.
Tất nhiên, việc có tận dụng được các cần câu đó hay không lại phụ thuộc những người sử dụng và tiếp nhận ODA ở VN chứ không phải các nhà tài trợ.
Sẽ không công bố cam kết ODA Ngày 2-12, Bộ Kế hoạch - đầu tư họp báo về Diễn đàn đối tác phát triển VN 2013 (VDPF 2013) sẽ diễn ra ngày 5-12 tại Hà Nội để thay thế cho hội nghị nhóm các nhà tư vấn (CG) kể từ năm nay. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết một trong các thay đổi cơ bản là VDPF sẽ không công bố và thảo luận cam kết vốn ODA như các hội nghị CG trước đây, mặc dù đây vẫn là nguồn vốn quan trọng với sự phát triển của VN. Các cam kết này sẽ được thông báo trong các cuộc thảo luận riêng rẽ giữa VN và các đối tác phát triển khác nhau. “Trong giai đoạn hiện nay, tư vấn chính sách mới cực kỳ quan trọng”. - bộ trưởng nói. Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản Hideo Suzuki cũng cho biết thông qua VDPF, các nhà tài trợ “sẵn sàng chia sẻ các cần câu cho VN”. Một thay đổi khác là diễn đàn sẽ mở rộng cho đại diện các cơ quan chính phủ trung ương và địa phương, các nhà tài trợ, tổ chức xã hội nhân dân, khu vực tư nhân và cơ quan nghiên cứu. Các chủ đề sẽ được thảo luận tại diễn đàn là kinh tế vĩ mô của VN, khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào cung cấp dịch vụ công, quản lý môi trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận