05/06/2018 16:19 GMT+7

Vắc xin và những ngộ nhận thường gặp

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Tiêm chủng vẫn là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, góp phần đáng kể trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Vắc xin và những ngộ nhận thường gặp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: healthline.com

Cho đến nay, tiêm chủng vẫn là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, góp phần đáng kể trong việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.  

Từ khi nhà khoa học Edward Jenner phát minh ra vắc xin vào năm 1796, đây được xem là một thành tựu khoa học vĩ đại của nhân loại. Con người lúc này đã có trong tay một vũ khí sắc bén để chủ động phòng chống bệnh tật nguy hiểm cho bản thân mình. Đến nay, thế giới đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào các chương trình tiêm chủng quốc gia để sử dụng phổ biến cho người dân. Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Mặc dù tiêm chủng đã có từ lâu, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng và có những ngộ nhận sai lầm. Dưới đây là những ngộ nhận thường gặp.

1. Tiêm vắc xin buổi sáng tốt hơn buổi chiều

Sự thật là buổi nào cũng như nhau. Chỉ khác ở chỗ, nếu sau tiêm xuất hiện phản ứng phụ thì tiêm buổi sáng sẽ xuất hiện sớm hơn. Nhưng vì phản ứng sau tiêm vắc xin thường xuất hiện trong vòng 24h đầu đến trong vòng 07 ngày đầu sau tiêm hoặc muộn hơn. Vì vậy, việc chọn buổi tiêm chủng là không cần thiết.

2. Mỗi lần chỉ có thể chủng ngừa 1 loại vắc xin

Điều này là không đúng. Trừ một số vắc xin sống giảm độc lực được khuyến cáo tiêm cách nhau tối thiểu 1 tháng, còn lại đa số có thể tiêm phối hợp một lần nhiều loại vắc xin khác nhau. Nếu cơ thể bạn bị phản ứng với 1 loại vắc xin nào đó thì dù bạn tiêm vắc xin đó đơn lẻ hay phối hợp thì mức độ phản ứng cũng sẽ như nhau, không vì chuyện kết hợp tiêm cùng lần mà tăng nguy cơ phản ứng lên. 

Nhược điểm duy nhất là khi xảy ra phản ứng sau tiêm, khá khó khăn để khẳng định chính xác phản ứng đó do việc tiêm vắc xin nào tạo ra. Tuy nhiên việc phối hợp tiêm vắc xin là được khuyến khích, đặc biệt với những vắc xin uống kết hợp vắc xin tiêm hay những vắc xin được xem là hiếm gặp tác dụng phụ.

3. Hiệu quả của vắc xin

Không một nhà sản xuất vắc xin nào dám khẳng định rằng vắc xin có hiệu quả bảo vệ 100%. Vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ bạn khỏi nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhưng để biết chắc chắn mình được bảo vệ hay không, bạn nên xét nghiệm kiểm tra kháng thể tương ứng với loại vắc xin bạn được tiêm. Đa số vắc xin đang lưu hành đều có tỷ lệ bảo vệ khá cao nên bạn không cần quá lo lắng.

4. Độ tuổi tiêm vắc xin

Nhiều bậc phụ huynh có con sinh non hoặc thậm chí bình thường, đã đến tuổi tiêm chủng nhưng vẫn muốn để thêm vài tháng nữa mới tiêm với suy nghĩ con sẽ ít bị phản ứng phụ hơn. Sự thật là, độ tuổi chủng ngừa vắc xin do nhà sản xuất khuyến cáo được tính từ lúc con bạn sinh ra chứ không phải tuổi hiệu chỉnh. 

Trẻ sinh non vẫn có khả năng thích ứng tốt với vắc xin, mặt khác trẻ sinh non nếu mắc các bệnh truyền nhiễm thì mức độ nặng của bệnh thường cao hơn so với trẻ sinh ra đủ tháng. Vì vậy, trừ trường hợp trẻ mắc các bệnh lý bẩm sinh cần theo dõi hoặc các bệnh lý cấp tính, yếu tố nguy cơ cao cần phải hoãn, hãy cho con em mình chủng ngừa đúng lịch để bảo vệ bé được sớm và đầy đủ.

Phản ứng phụ xuất hiện sau tiêm vắc xin phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố cơ địa của người được tiêm, chứ không có sự phân biệt về độ tuổi chủng ngừa. Mặt khác, với một số ít vắc xin như ho gà, theo nhiều nghiên cứu, nếu tiêm ở độ tuổi càng lớn thì nguy cơ phản ứng sẽ càng tăng lên. Ví dụ như một đứa trẻ tiêm mũi vắc xin 5 trong 1 hay 6 trong 1 lần đầu tiên khi 7 tháng tuổi thì xác suất trẻ xuất hiện phản ứng sau tiêm sẽ cao hơn khi trẻ tiêm lúc 2 hay 3 tháng tuổi.

5. Phản ứng sau tiêm

Một số bậc cha mẹ cho rằng, sau khi tiêm vắc xin A xuất hiện phản ứng nặng, vì thế sẽ không cho trẻ tiêm các loại vắc xin khác nữa vì lo sợ tình trạng phản ứng phụ sẽ tái diễn. Sự thật là, con bạn tiêm vắc xin A bị phản ứng không có nghĩa là cháu sẽ phản ứng với các loại vắc xin khác không cùng thành phần. Vì vậy đừng vì quá lo lắng mà đánh mất đi cơ hội để bảo vệ con mình khỏi những căn bệnh có thể phòng được bằng vắc xin.

6. Huyết thanh kháng uốn ván

Nhiều người khi có vết thương do động vật cắn, ngã xe, dẫm phải đinh... liền đi tiêm vắc xin kháng uốn ván. Thực tế, mỗi liều huyết thanh kháng uốn ván chỉ có tác dụng bảo vệ bạn từ vài tuần đến vài tháng. Nếu để ý, bạn sẽ thấy trước đó cán bộ y tế cần phải kiểm tra liệu bạn có nguy cơ phản ứng với huyết thanh không? 

Tiêm càng nhiều lần huyết thanh kháng uốn ván thì nguy cơ xuất hiện phản ứng lần sau sẽ cao hơn lần trước, vì vậy lạm dụng việc tiêm ngừa huyết thanh là không nên. Lời khuyên là sau khi được bảo vệ bằng huyết thanh kháng uốn ván, bạn nên nhờ các bác sĩ tư vấn việc tiêm chủng vắc xin ngừa uốn ván để dự phòng suốt đời.

7. Tiêm vắc xin dại sẽ bị ảnh hưởng đến trí nhớ, trí tuệ sau này

Có rất nhiều sai lầm trong vấn đề xử trí sau khi bị chó, mèo cắn như: Bôi ớt, chanh lên vết thương, lấy dao liếc, nặn máu… nhưng có lẽ đáng lo nhất vẫn là việc đưa đến "thầy lang" để cào, hút nọc để xem có bị dại hay không và chữa trị. Tại các trung tâm y tế dự phòng, các bác sĩ đã ghi nhận không ít những trường hợp như thế, vì tin vào lời thầy phán mà không chủng ngừa, để rồi đến khi phát bệnh dại là vô phương cứu chữa. 

Vắc xin dại cũng như bất kỳ vắc xin nào khác đều có thể xuất hiện tác dụng phụ sau tiêm, nhưng tỷ lệ phản ứng nhìn chung rất thấp, thường gặp như: mệt mỏi thoáng qua, cảm giác nóng trong người, sốt nhẹ. Chưa có báo cáo nào nói rằng vắc xin dại sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ, trí tuệ của người được tiêm về sau. 

Vì vậy, ngay khi bị chó mèo cào, cắn cần phải sơ cứu vết thương và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhận được lời khuyên của bác sĩ và chủng ngừa nếu cần thiết. Tuyệt đối đừng vì những lời đồn làm cho lo lắng mà trả giá bằng sinh mạng của bản thân hay người thân.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên