12/09/2021 07:58 GMT+7

Vắc xin COVID-19 giảm nguy cơ tử vong 11 lần

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Các nghiên cứu mới công bố của CDC Mỹ càng củng cố niềm tin vắc xin COVID-19 giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm cũng như chuyển nặng khi mắc bệnh.

Vắc xin COVID-19 giảm nguy cơ tử vong 11 lần - Ảnh 1.

Bà Judith Miles (92 tuổi), một trong những người đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19 tại Tasmania, bang hải đảo của Úc - Ảnh: ABC NEWS

Ngày 10-9, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố ba nghiên cứu cho thấy mức độ hiệu quả cụ thể của vắc xin COVID-19 trong ngăn ngừa lây nhiễm, nhập viện và tử vong vì COVID-19.

Giảm nguy cơ tử vong 11 lần

Trong ba nghiên cứu của CDC Mỹ, có một nghiên cứu thực hiện với hơn 600.000 ca bệnh COVID-19 tại 13 bang chiếm khoảng 1/4 dân số Mỹ, trong thời gian từ tháng 4 tới tháng 7 năm nay. Kết quả cho thấy người chưa tiêm vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn 4,5 lần, nguy cơ nhập viện cao hơn 10 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 11 lần so với người đã tiêm đủ liều.

"Việc tiêm vắc xin vẫn có tác dụng. Điểm mấu chốt chính là chúng ta có các công cụ khoa học cần thiết để vượt qua đại dịch này" - bác sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC Mỹ, nhận định trong cuộc họp báo của Nhà Trắng ngày 10-9.

Vắc xin được đánh giá vẫn hiệu quả trong ngăn ngừa ca nhập viện và tử vong do COVID-19 ngay cả khi Delta đang là biến thể thống trị tại Mỹ, song hiệu quả phòng bệnh cũng đã giảm từ 91% xuống 78%.

Hai nghiên cứu còn lại cũng cho thấy hiệu quả ngăn nhập viện của vắc xin đã giảm bớt ở độ tuổi cao hơn. Chẳng hạn trong một nghiên cứu, hiệu quả này ở nhóm người từ 18 - 64 tuổi là 95%, nhưng ở những người từ 65 tuổi trở lên chỉ còn 80%. Các kết quả nghiên cứu này có thể giúp xác định các nhóm dân số nào cần tiêm liều bổ sung.

Hiện vẫn còn nhiều trường hợp chưa tiêm vắc xin tại Mỹ, trong đó có hàng triệu trẻ dưới 12 tuổi chưa được phép tiêm. "Điều tôi muốn nhắc lại là vẫn còn hơn 90% những người phải nhập viện vì COVID-19 hiện nay là các trường hợp chưa tiêm vắc xin" - bà Rochelle Walensky cảnh báo.

Hiệu quả với cả Delta

Tới nay đã có nhiều nghiên cứu chứng minh các vắc xin COVID-19 được cấp phép sử dụng trên thế giới có hiệu quả ngăn ngừa đáng kể số ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19.

Nghiên cứu mới của CDC Mỹ cho thấy hiệu quả của vắc xin Moderna trong ngăn ngừa nhập viện do COVID-19 là 95%, của Pfizer-BioNTech là 80% và của Johnson & Johnson là 60%. Đây là ba loại vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt ở Mỹ.

"Vắc xin COVID-19 vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa những gì chúng ta lo ngại nhất: bệnh nặng, nhập viện và tử vong" - bác sĩ Richard Besser, chủ tịch Quỹ Robert Wood Johnson (Mỹ), nhận định.

Trong khi đó, ngày 10-9, báo The Jerusalem Post đưa tin Bahrain hợp tác với Đại học Columbia (Mỹ) vừa tiến hành nghiên cứu về bốn loại vắc xin COVID-19, gồm vắc xin của Hãng Pfizer-BioNTech, Sputnik V, AstraZeneca và Sinopharm.

Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu của 1.003.960 người đã tiêm vắc xin ở Bahrain trong giai đoạn từ tháng 12-2020 tới tháng 7-2021 và 245.876 người chưa tiêm vắc xin.

Theo đó, khoảng 82,2% trong số 10.447 người nhập viện do mắc COVID-19 ở quốc gia vùng Vịnh là những người chưa tiêm vắc xin. Còn lại, 16,1% bệnh nhân nhập viện đã tiêm vắc xin Sinopharm, 0,7% đã tiêm Sputnik V, 0,43% đã tiêm AstraZeneca và 0,38% đã tiêm Pfizer- BioNTech.

Trong số 1.451 người phải vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), có 1.309 người (chiếm 90,2%) chưa tiêm vắc xin, 138 người đã tiêm Sinopharm, 3 người đã tiêm AstraZeneca và 1 người đã tiêm Pfizer-BioNTech. Không có trường hợp đã tiêm Sputnik V phải vào ICU.

Trong số 976 người chết do COVID-19, có 857 người (chiếm 87,8%) chưa tiêm vắc xin, 112 ca tử vong đã tiêm Sinopharm, 3 người đã tiêm Sputnik V, 3 người đã tiêm Pfizer và 1 người đã tiêm AstraZeneca.

"Ngay từ đầu chúng tôi đã tin vắc xin COVID-19 giúp hạn chế sự lây lan của virus, nhưng mục tiêu chính của việc tiêm vắc xin là giảm các biến chứng trong trường hợp nhiễm bệnh và giảm ca nhập viện, tử vong" - bác sĩ Manaf AlQahtani, một trong các tác giả của nghiên cứu và là thành viên của đội y tế quốc gia xử lý COVID-19 của Bahrain, cho biết.

Chuyên gia này nói thêm: "Nghiên cứu này góp phần định hình các chính sách tương lai trong vấn đề tiêm vắc xin trên toàn cầu, và Bahrain đã tạo được dấu ấn lớn trong cộng đồng khoa học khi cung cấp loại dữ liệu này".

Đâu là yếu tố nguy cơ bệnh nặng dù tiêm đủ vắc xin?

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale (Mỹ) vừa công bố nghiên cứu thực hiện với khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19 nhập viện tại Hệ thống y tế Yale New Haven từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay. Trong đó chỉ có 54 ca đã tiêm vắc xin đủ liều. Trong số này có 14 ca bị bệnh nặng, độ tuổi trung bình là 80 và nhìn chung đều có bệnh nền như tim mạch, thừa cân, tiểu đường và một số bệnh về phổi.

Ông Hyung Chun, tác giả nghiên cứu, cho biết đại đa số bệnh nhân COVID-19 đã tiêm vắc xin đầy đủ đều có triệu chứng nhẹ. Theo ông Chun, nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu được những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 ở những người đã tiêm đủ liều.

Dư luận Mỹ tranh cãi về việc bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 Dư luận Mỹ tranh cãi về việc bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19

TTO - Đảng Cộng hòa tấn công trực diện vào yêu cầu tiêm vắc xin bắt buộc của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong khi các công đoàn nửa ủng hộ, nửa dè dặt với yêu cầu này. Họ cũng chất vấn về khả năng thực thi yêu cầu đó.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên