31/03/2016 07:11 GMT+7

Vạ lây vì lẩn tránh thuế

QUỲNH KHÔI (tranvunghi@tuoitre.com.vn)
QUỲNH KHÔI (tranvunghi@tuoitre.com.vn)

TTO - Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lại vừa nhận thêm phán quyết cuối cùng của Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ về việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Tại sao?

Chưa kịp “tiêu hóa” các phán quyết áp thuế của hàng chục vụ kiện trong lĩnh vực phòng vệ thương mại từ các nước, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lại vừa nhận thêm phán quyết cuối cùng của Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ về việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội nhập khẩu từ VN, mức thuế lên đến 25,27%.

Thông tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sở dĩ VN phải “gánh” cuộc điều tra nói trên là do nước này nghi ngờ có tình trạng hàng lẩn tránh thuế từ Trung Quốc chuyển sang. Theo đó, sản phẩm ống thép của Trung Quốc đang bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá, trong khi VN lại xuất khẩu sản phẩm này với sản lượng tăng đột biến.

Đặc biệt, các doanh nghiệp VN đã không hợp tác, không trả lời đầy đủ các thông tin nên Thổ Nhĩ Kỳ lấy luôn mức thuế đang áp cho Trung Quốc là 25,27% để áp cho các sản phẩm VN. Ngoài ống thép hàn, một số sản phẩm khác của VN như đá granite, gỗ dán... cũng bị Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế, hiện đang trong giai đoạn chờ phán quyết cuối cùng.

“Các vụ kiện liên quan đến lẩn tránh thuế hầu như VN ít thoát được do phần lớn doanh nghiệp liên quan đến vụ kiện đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ yếu đến từ Trung Quốc, Đài Loan. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước không quan tâm vì cho rằng mình không xuất hàng sang thị trường này nên chẳng việc gì phải trả lời các câu hỏi” - một chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia này, hầu hết các thông báo khởi kiện lẩn tránh thuế đều có liên quan đến Trung Quốc hoặc Đài Loan.

“Các quyết định khởi kiện với sản phẩm nhập từ VN thường trùng hợp với thời gian áp thuế đối với Trung Quốc, Đài Loan sắp hết hạn. Thậm chí, một số mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt chưa từng xuất khẩu sang các thị trường này lại bất ngờ tăng đột biến về lượng xuất, khiến các nước nhập khẩu nghi ngờ về xuất xứ hàng hóa (C/O) đang được sử dụng để xuất đi từ VN” - vị này nói.

Các chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho rằng dù cơ quan chức năng đã thấy hết các hiện tượng nói trên nhưng việc quản lý vẫn chưa hiệu quả.

Một cán bộ có thẩm quyền trong lĩnh vực cấp C/O từng đề xuất ngoài việc kiểm tra khâu tiền cấp giấy phép đầu tư, cần phải tăng cường khâu hậu kiểm sản phẩm cuối cùng nhằm ngăn chặn tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài - chủ yếu là các quốc gia đang bị “trừng phạt” thuế tại các nước nhập khẩu - vào VN thuê nhà xưởng, làm những công đoạn cuối hết sức đơn giản sau đó xin C/O để xuất đi, khiến VN bị vạ lây.

Bà Trần Thị Thu Hương, giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI), cho rằng nhiều doanh nghiệp FDI thường tận dụng quy định chuyển đổi mã số HS hàng hóa để xin cấp C/O, do đó cần hậu kiểm chặt khâu này.

Chẳng hạn, mã số HS của nguyên liệu nhập khẩu và mã số HS của thành phẩm xuất khẩu phải khác nhau về mặt tính năng, công dụng thì mới được cấp C/O. “Quy định này đã có nhưng do không được kiểm tra chặt khiến VN mất thị trường, doanh nghiệp Việt mất cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cùng loại” - bà Hương nói.

Thổ Nhĩ Kỳ thẩm tra tại chỗ doanh nghiệp gỗ VN

Ngày 30-3, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA-Bộ Công thương) cho biết Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vừa gửi thông báo về việc sẽ thẩm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp lẩn tránh thuế chống bán phá giá liên quan tới sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ VN, bắt đầu từ ngày 4 đến 7-4-2016.

VCA khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ dán của VN tham gia thẩm tra cần phối hợp đầy đủ và chặt chẽ với cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện tốt công tác chuẩn bị, cũng như cung cấp đầy đủ các tài liệu được yêu cầu.

QUỲNH KHÔI (tranvunghi@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên