20/08/2024 11:28 GMT+7

Va chạm trên đường: 'Ăn thua đủ' hay nhường nhịn cho qua?

Khi có mâu thuẫn, va chạm trên đường, một số người sẵn sàng lao vào ẩu đả. Nhưng nhiều người biết kiềm chế, tìm cách dằn cơn giận thì mọi chuyện êm xuôi.


Va chạm trên đường: Một sự nhịn chín sự lành - Ảnh 1.

Đường sá nơi thành phố đông đúc, mỗi người cần giữ cái đầu lạnh khi ra đường để tránh cãi vã, đánh nhau vì chuyện không đáng - Ảnh: MÂY TRẮNG

Mới đây tại TP.HCM, một người đàn ông say xỉn, sau khi cãi vã với một cô gái trên đường đã lái ô tô hất cô gái này lên nắp ca pô chạy một đoạn dài. Công an đã bắt giữ người đàn ông này vì hành vi gây rối trật tự công cộng.

Trước đó ít ngày, một người đàn ông ở Bình Dương cho rằng bị cản trở giao thông nên đã đuổi theo và dùng xương bò đập vỡ kính ô tô và đe dọa nạn nhân. Cơ quan chức năng đã tạm giữ người đàn ông này và đang điều tra thêm về các hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản và làm nhục người khác.

Không riêng gì hai vụ việc trên, hễ khi có mâu thuẫn, va chạm trên đường, một số người sẵn sàng lao vào chửi bới, hành hung người khác.

Xin nhường đường, bị ăn chửi

Chị Cẩm Tiên (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) kể câu chuyện vừa xảy ra trong mùa mưa này. Làm việc ở quận 1, giờ tan tầm chị thường chọn đi đường Tôn Đức Thắng ra Nguyễn Hữu Cảnh về nhà.

Chỉ trong buổi chiều, chị chứng kiến hai vụ mắng chửi, cãi cọ nhau trên phố, dù trời đang mưa.

Vụ thứ nhất, người đàn ông lớn tuổi chạy phía trong, còn cô gái chạy phía ngoài làn xe hơi. Khi gần đến dốc cầu vượt dẫn lên cầu Thủ Thiêm 2, người đàn ông ra tín hiệu xin đường, chạy ra phía ngoài để lên cầu về phía TP Thủ Đức.

Nhiều người chủ động chạy chậm lại để nhường đường, còn cô gái không biết vô tình hay cố ý mà chẳng chịu nhường.

Lúc đó đường đang ùn tắc, hễ xe trước vừa nhích tới, chưa chừa được một khoảng đủ rộng để người đàn ông kia chạy qua thì cô gái này cứ lấn tới. Chừng bốn năm lần như vậy, ông bực quá dừng xe lại hét to giận dữ: "Đi đứng kiểu gì kỳ vậy, nhường người ta một chút đi!".

Bất ngờ, cô gái dừng xe, cãi tay đôi với người đàn ông kia: "Tại sao không chịu đi làn ngoài, đi làn trong làm gì rồi bây giờ xin ra".

Vụ thứ hai là khi đến dạ cầu Thủ Thiêm 2, người và xe dồn cục chỉ vì hơn chục người đang dừng xe trú mưa. Lúc này có một anh chàng cỡ 30 tuổi vì quá bực mình đã chỉ vào nhóm người trú mưa nhắc nhở gì đó.

Bất ngờ có một ông chú trung niên văng tục đáp trả. Anh chàng dừng xe, ông chú đòi sấn tới. May mà mọi người can ngăn.

Chị Tiên ngán ngẩm nói: "Dạ cầu đâu phải chỗ trú mưa. Anh thanh niên đã nhắc nhở để không bị kẹt xe kéo dài, vậy mà còn bị chửi".

Cũng rơi vào cảnh "bỗng dưng bị ăn chửi", cách đây hai ngày, chị Thanh Vy (28 tuổi, ngụ quận 12) đang băng qua ngã tư thì một người đàn ông quẹo xe theo rồi bị tắt máy.

Đang trớn nên chị dừng để người đàn ông đề máy xe chạy tiếp thì ông này quay qua chửi ngang: "Muốn chết hả". Chị Vy chỉ biết ôm cục tức, ấm ức trong lòng.

Va chạm trên đường: 'Ăn thua đủ' hay nhường nhịn cho qua?  - Ảnh 2.

Miếng ốp pô xe bằng nhựa bị hai thanh niên quẹt bể, anh Thế Ngọc vẫn chưa thay mới - Ảnh: MÂY TRẮNG

Một câu nhịn, chín câu lành

Chiều một ngày đầu tháng 7, anh Thế Ngọc (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chạy xe máy trên xa lộ Hà Nội (đoạn gần khu công nghệ cao) về nhà.

"Trời mưa rất to, nước tuôn xối xả. Tầm nhìn chỉ chừng 1-2m. Tôi chủ động chạy sát lề đường phía trong để đảm bảo an toàn. Vậy mà có hai thanh niên bất chấp phóng thật nhanh, làm tạt nước hết cả lên người tôi", anh Ngọc nhớ lại.

Chạy được một quãng, hai thanh niên này dừng xe lại rồi bất ngờ chạy thật nhanh. Đến khúc cua ngay cầu vượt, không làm chủ tay lái do đường trơn trượt, xe của họ tông mạnh vào đuôi xe anh Ngọc làm bể miếng ốp pô xe anh.

Anh bực mình, định quay lại mắng hai thanh niên kia. Nhưng thấy họ ngã ra đường, đằng sau hai ba người trờ tới cũng không né kịp, ngã theo.

"Khi đó bỗng dưng mọi cơn giận, bực tức đều lắng xuống. Tôi chủ động giúp những người bị té và hai thanh niên đem xe vào lề - anh Ngọc kể - Bất ngờ là hai thanh niên xin lỗi ríu rít. Họ còn hỏi tôi số điện thoại để đền tiền miếng nhựa ốp pô bị bể. Tôi chỉ dặn họ đi cẩn thận hơn, không cần đền".

Anh chia sẻ nhờ dằn được cơn giận mà bản thân anh tránh được cuộc cãi vã và nhận lại cách hành xử đàng hoàng của hai thanh niên trên.

Tuy nhiên, anh Thế Ngọc cho rằng việc nhẫn nhịn không có nghĩa là ta phải chấp nhận mọi sự bất công khi lỡ va chạm trên đường.

Khi quyền lợi bản thân bị xâm phạm nghiêm trọng, việc lên tiếng bảo vệ mình là hoàn toàn chính đáng.

Vậy làm thế nào để có cách ứng xử phù hợp? Anh Ngọc cho rằng điều quan trọng là phải bình tĩnh, đánh giá đúng tình hình.

"Nếu đối phương ôn hòa và sẵn sàng đối thoại, ta nên cố gắng tìm giải pháp hòa hoãn. Ngược lại, nếu họ quá khích, đe dọa, ta không nên đối đầu trực tiếp mà tìm sự giúp đỡ từ cơ quan chức năng, người đi đường…", anh nói.

Va chạm trên đường: Một sự nhịn chín sự lành - Ảnh 2.Va quẹt xe, ứng xử sao cho hợp lý?

Tài xế nói gì về văn hóa giao thông cãi nhau sau va quẹt trên đường? Hiểu đúng về giữ nguyên hiện trường để đảm bảo quyền lợi từ công ty bảo hiểm?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên