Hungary, hoàn lại tối đa 50% chi phí đầu tư
Theo dữ liệu của BloombergNEF, chỉ trong vài năm nữa Hungary sẽ trở thành nhà sản xuất pin lớn thứ tư trên toàn cầu, sau Trung Quốc, Mỹ và Đức.
Hiện có 6 nhà máy pin đang trong quá trình sản xuất hoặc xây dựng. Ngoài ra, khoảng 20 công ty khác nằm trong chuỗi sản xuất cũng đã mở phân xưởng.
Không một nơi nào trên thế giới thúc đẩy sản xuất pin nhanh hơn Hungary, theo Bloomberg. Hiện tại Hungary đang tiếp tục củng cố hệ sinh thái công nghiệp của mình bằng cách hấp thụ ngành công nghiệp pin đã qua sử dụng.
Đây được coi là ngành chiến lược trọng điểm để giảm phát thải cacbon, kích thích kinh tế tuần hoàn và được dự đoán sẽ có giá trị hơn 454 tỉ USD vào năm 2050.
Gần cuối năm 2023, Tập đoàn CATL (Ninh Đức Thời Đại) bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện tại Hungary có công suất sản xuất theo kế hoạch là 100GWh. Dự án này có vốn đầu tư là 7,34 tỉ euro và là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay trong toàn Liên minh châu Âu (EU).
Được biết, tính đến cuối năm 2023, các dự án sản xuất pin của Hungary đã nhận được tổng vốn đầu tư 14,2 tỉ euro, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 sau Hàn Quốc.
Trên thực tế, hiện nay các công ty tại Hàn Quốc đang đổ xô đầu tư vào Hungary. Tổng vốn FDI của các công ty Hàn Quốc tại Hungary là 6,8 tỉ USD, đưa Hungary trở thành quốc gia nhận đầu tư lớn nhất từ Hàn Quốc trong năm 2019 và 2021.
Các chính sách ưu đãi đầu tư tích cực của Hungary được coi là lý do đằng sau sự nổi lên của quốc gia này như một cứ điểm sản xuất pin vững mạnh tại châu Âu.
Hiện tại, Hungary hoàn lại tới 50% khoản đầu tư của nhà đầu tư bằng tiền mặt và các lợi ích khác về thuế.
Ngoài ra, các yếu tố khác như thuế suất doanh nghiệp thấp ở mức 9%; chi phí nhân công và thuê đất thấp, chuỗi cung ứng có thể cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô thành phẩm (OEM - nhà sản xuất phụ tùng gốc); chính sách trung hòa carbon và tạo việc làm của Chính phủ… càng làm gia tăng sức hấp dẫn của thị trường Hungary.
Tính đến năm 2021, quy mô các khoản trợ cấp đạt khoảng 707 triệu euro trên tổng số vốn FDI thu hút được là 5,3 tỉ euro. Điều này tương đương với khoảng 13% số tiền ưu đãi đầu tư được trả bằng tiền mặt và lợi ích về thuế.
Israel thu hút đầu tư khổng lồ ngay trong xung đột
Những ngày cuối năm 2023, Intel công bố khoản đầu tư khổng lồ lên tới 25 tỉ USD vào Israel để xây dựng nhà máy sản xuất chip. Đây là khoản đầu tư lớn nhất từng được thực hiện bởi một công ty ở Israel và đặc biệt hơn khi khoản đầu tư này lại được quyết định ngay cả trong bối cảnh xung đột đang leo thang tại quốc gia Trung Đông này.
Bộ Tài chính và Kinh tế Israel cho biết khoản đầu tư của Intel, đặc biệt trong giai đoạn này và trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực chip, đã khẳng định sự tin tưởng của Intel vào nền kinh tế Israel.
Đối với Intel, Israel luôn được coi là cứ điểm chiến lược. Intel đã thiết lập sự hiện diện ở Israel từ năm 1974, cho đến nay đã đầu tư hơn 50 tỉ USD, là nhà xuất khẩu lớn nhất cũng như nhà tuyển dụng địa phương lớn nhất với hơn 12.000 người lao động tại chỗ.
Do Intel đã trở thành trụ cột của ngành công nghệ của Israel nên những lợi ích mà công ty này nhận được từ Chính phủ Israel là rất đáng kể. Thuế suất doanh nghiệp tiêu chuẩn của Israel là 23%, nhưng chỉ áp dụng 5% đối với Intel.
Số tiền trợ cấp lớn mà Intel nhận được mỗi khi thực hiện đầu tư cũng đóng một vai trò nhất định. Khi Intel quyết định đầu tư 25 tỉ USD cho nhà máy sản xuất chip nói trên, Chính phủ Israel đã đồng ý cung cấp khoản trợ cấp 3,2 tỉ USD, tương đương 12,8% số tiền này.
Theo Bộ Tài chính và Kinh tế Israel, khoản đầu tư của Intel sẽ mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho nước này và lợi ích đó sẽ lớn hơn rất nhiều so với khoản hỗ trợ mà nước này bỏ ra. Đó là những lợi ích đến từ việc kiến tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động Israel và kích thích sự phát triển của hệ thống các nhà cung cấp của Israel.
Quỹ hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam sẽ tạo nên kỳ tích?
Câu chuyện thu hút đầu tư của Hungary hay Israel là minh chứng cho sự hiệu quả của các chính sách ưu đãi đầu tư đột phá. Với chiến lược phát triển đường dài, các quốc gia đều nhận thức rõ ràng rằng dù hiện tại có đưa nhiều ưu đãi thu hút đầu tư thì những lợi ích và hiệu quả kinh tế mang lại trong tương lai sẽ lớn hơn rất nhiều từ việc tạo việc làm cho lao động địa phương, gia tăng thu thuế, thúc đẩy phát triển công nghệ...
Tại Việt Nam, thu hút đầu tư nước ngoài hiện là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2023 với 36,61 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022, và con số kỷ lục 23,18 tỉ USD vốn đầu tư được giải ngân, tăng 3,5% so với năm 2022.
Tuy nhiên, trong năm 2024, thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài mà Việt Nam phải đối mặt vẫn hiện hữu rõ ràng.
Nhiều nước nằm trong nhóm những nguồn FDI lớn nhất của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước trong EU đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, những quốc gia nhận đầu tư từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… lại không ngừng đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những điều này đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình.
Đặc biệt, kể từ ngày 1-1-2024, Việt Nam sẽ chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu. Vì thế, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách thu hút, giữ chân nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn như: Samsung, Intel, LG… đang rót vốn cho các lĩnh vực công nghệ cao mới như AI, chip bán dẫn…
Trong thời gian này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, với mục tiêu thu hút và giữ chân các nhà đầu tư chiến lược, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Sáng kiến về Quỹ hỗ trợ đầu tư trong bối cảnh này là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, và ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết việc xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần phải đảm bảo nhiều mục tiêu và yêu cầu, trong đó cần có tính chọn lọc, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và phát triển ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận