10/04/2016 10:40 GMT+7

Ước mong nhỏ bé của gia đình liệt sĩ Gạc Ma

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Ngày cụ Trần Quyến trút hơi thở cuối cùng đã trăng trối với các con là phải kiếm một nơi thờ tự đàng hoàng, ấm cúng cho con trai - liệt sĩ Trần Văn Quyết.

Bàn thờ của liệt sĩ Trần Văn Quyết mấy chục năm qua được đặt tạm trên chiếc sập đựng lúa - Ảnh: Q.Nam
Bàn thờ của liệt sĩ Trần Văn Quyết mấy chục năm qua được đặt tạm trên chiếc sập đựng lúa - Ảnh: Q.Nam

Nhà của liệt sĩ Trần Văn Quyết nằm sâu trong một con ngõ thuộc thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Mẹ liệt sĩ Quyết, cụ Hồ Thị Tuyết, qua đời năm 2007. Bố anh, cụ Trần Quyến, qua đời một năm sau đó. 

Lời trăng trối dài tám năm

Tám năm trôi qua, lời trăng trối ấy của cụ Quyến vẫn chưa thể thành hiện thực. Tấm di ảnh cùng chiếc ly hương của người liệt sĩ Gạc Ma này vẫn được đặt tạm trên chiếc sập thường dùng đựng lúa để giữa nhà. Ngôi nhà trước đây của liệt sĩ Quyết xiêu vẹo vì đã quá nhiều tuổi.

Quảng Bình là tỉnh có nhiều liệt sĩ hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma 1988 nhất. Cả 13 liệt sĩ Gạc Ma tại đây đều xuất thân từ nông dân.

Ngôi nhà thờ của liệt sĩ Quyết mấy hôm nay ấm cúng hơn vì có nhiều người biết chuyện tới hương khói. Nhưng chiếc bàn thờ vẫn thế. “Mới Tết Nguyên đán vừa rồi thôi, tui phải nhờ người lấy bạt che bên dưới cái mái kẻo mưa dột ướt bàn thờ em tui” - ông Trần Quang Phú, anh trai liệt sĩ Quyết, kể.

Ông Phú cố lê bước chân khó nhọc ra phía bàn thờ để thắp nén hương cho liệt sĩ. Ông Phú bị tai biến vừa chết đi sống lại. May còn lê bước chân đi lại được. Từ khi bị bệnh trở dậy, ông chăm lo luôn phần hương khói cho em trai.

Ông Phú kể liệt sĩ Quyết còn có sáu anh em nhưng đều là dân bần nông và nghèo khó như nhau. Anh cả của liệt sĩ Quyết cũng từng là một người lính tham gia chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.

Ngôi nhà này trước đây bố mẹ liệt sĩ Quyết dựng lên. Năm 1988, trong trận hải chiến Gạc Ma, liệt sĩ Quyết cùng 63 đồng đội bị quân Trung Quốc xả súng giết hại. Nhà nhỏ quá, lại nghèo nên cụ Trần Quyến buộc lòng phải dọn cái sập đựng lúa lên đặt ngay chính giữa nhà rồi đặt di ảnh của con lên đó.

Cái sập đựng lúa từ đó được dùng như cái bàn thờ cho đến nay. “Trước khi qua đời, bố tui chỉ trăng trối có cái bàn thờ đàng hoàng để thờ cho con. Mà tám năm trôi qua rồi mấy anh em tui cũng không làm nổi” - ông Phú ray rứt.

Tại thôn Cửa Thôn, xã miền biển Hải Ninh mấy hôm nay anh Trương Văn Hoành, em trai liệt sĩ Trương Văn Hướng, cũng loay hoay chạy đến mấy xưởng mộc trong thôn xin mấy thanh gỗ về sửa lại bàn thờ cho liệt sĩ Hướng.

Bàn thờ của liệt sĩ Hướng được gia đình đặt riêng một bên gian thờ chính để tiện hương khói. Đó là một tấm gỗ rộng và dài mỗi phía khoảng hai gang tay, bằng gỗ tràm đã xỉn màu, bạc thếch.

“Cái bàn thờ này được làm từ ngày anh Hướng hi sinh tại Gạc Ma tới giờ. Cũng đã gần 30 năm rồi nên mấy thanh gỗ hai bên đã bị mối mọt ăn hết” - anh Hoành kể rồi cho biết vợ chồng anh đã có kế hoạch chắt bóp thay cái bàn thờ cho mẹ và anh Hướng mà chưa có điều kiện.

“Cho tui đổi cái tivi”

Quảng Bình có 13 liệt sĩ hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma 1988, trong đó, chỉ có hai người đã có gia đình riêng là liệt sĩ Trần Văn Phương và liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong. Hai liệt sĩ này hi sinh khi chưa tròn 30 tuổi.

Sau khi họ hi sinh, gánh nặng gia đình được đặt hoàn toàn lên vai những người vợ. Thật khó có thể kể hết những gian truân vất vả mà những người vợ liệt sĩ đã phải gánh vác khi mất đi trụ cột gia đình khi còn quá trẻ.

Hai sào ruộng là “cần câu cơm” duy nhất của chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, suốt gần 30 năm sau ngày diễn ra trận hải chiến Gạc Ma. Liệt sĩ Phong nằm lại với biển khơi, một mình chị Liễu phải một tay cáng đáng toàn bộ chuyện gia đình và nuôi hai đứa con.

Chị Liễu thời trẻ cũng là bộ đội thuộc binh đoàn 12 đi xây dựng tuyến đường Trường Sơn. Khi đứa con thứ hai là Nguyễn Tiến Xuân chào đời được hơn ba tháng thì anh Phong hi sinh. Mấy chục năm liền chị lăn lộn đi phụ hồ theo các nhóm thợ trong làng khắp các vùng của tỉnh Quảng Bình.

Chị nói nếu không đi thì không thể có cách chi nuôi hai con được.

Ngôi nhà chị Liễu đang ở gồm ba phần. Phần mới nhất là một gian ở phía tây được làm ba năm trước, để con trai đầu cưới vợ. Phần thứ hai là gian giữa được làm khoảng chục năm sau khi liệt sĩ Phong hi sinh, để có nơi thờ cho liệt sĩ. Phần lâu năm nhất là gian bếp.

Đó là gian nhà đã ố vàng, nứt nẻ ngang dọc. Mái nhà đen đặc màu bồ hóng từ khói bếp. Đối với chị Liễu, đây là gian nhà kỷ niệm của hai vợ chồng. Sau khi cưới nhau, hai vợ chồng chị cùng nhau gánh từng gánh vôi vữa về trộn với sợi cây tóc tiên giã nhuyễn để đắp nên gian nhà này.

Ngôi nhà đến nay đã hơn 30 năm tuổi. Nhà quá chật khi tết đến hai con đều về. Đây là nơi chị Liễu ngủ.

Hỏi mơ ước gì thì chị nói thiết tha: “Tui ưng sửa cái nhà lắm. Nhưng chừ sửa cái mái nhà thì sẽ phát sinh nhiều cái khác nên cho tui đổi cái tivi. Cái tivi của tui đã mua từ 13 năm trước. Giờ màu đã chuyển thành đen trắng. Mỗi khi tivi chiếu chương trình về Gạc Ma, tui ưng coi cho rõ cũng không được”.

Đại diện báo Tuổi Trẻ trao quà của bạn đọc tặng các gia đình liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá
Đại diện báo Tuổi Trẻ trao quà của bạn đọc tặng các gia đình liệt sĩ Gạc Ma ở Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Khá

20 phần quà đến với thân nhân liệt sĩ Gạc Ma

Sáng 9-4, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức cuộc gặp gỡ, thăm hỏi và trao 20 phần quà (mỗi suất quà là sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng) cho thân nhân các liệt sĩ ở Đà Nẵng, Nghệ An và Hà Tĩnh hi sinh tại Gạc Ma trong cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Trong dịp này, báo Tuổi Trẻ và bạn đọc đã tổ chức trao tiền hỗ trợ cho 64 liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma tại 16 tỉnh thành trên cả nước với tổng số tiền 1,280 tỉ đồng.

Tại buổi gặp mặt, mẹ Huỳnh Thị Kế (83 tuổi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, hiện ở tại P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) nói: “Tôi có hai mặt con nhưng con trai đã hi sinh, con gái đi lấy chồng nên tuổi già phải sống một mình hiu quạnh lắm. Tôi đau ốm thường xuyên nên năm ba bữa con gái phải chạy về chăm sóc.

Giờ tuổi xế chiều sống cô quạnh tôi càng nhớ con da diết nhưng nghĩ lại thấy con mình hi sinh cho Tổ quốc thì cũng tự hào. Cuộc sống của tôi lúc này còn khó nhưng tôi thấy cả xã hội đang hướng về các gia đình có con hi sinh ở Gạc Ma nên tôi thấy ấm áp”.

Nhiều thân nhân là cha mẹ các liệt sĩ khi nghe ban tổ chức nhắc đến tên con mình đã bật khóc. Mẹ Nguyễn Thị Trước (mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Lợi) nói: “Tui nhớ thằng Lợi lắm. Lợi nó mạnh khỏe thì hi sinh mất rồi, còn em nó ốm đau giờ nằm một chỗ. Mẹ vô cùng cảm ơn các con đã hỗ trợ số tiền này, mẹ có để lo thuốc men, cơm cháo cho thằng út”.

Bà Trần Thị Ninh, 54 tuổi, vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn, quê xã Diễn Nguyên, H.Diễn Châu, Nghệ An, nói: “Chồng tôi hi sinh ở đảo Gạc Ma khi con gái tôi chưa chào đời, đứa con trai đầu lại bị thiểu năng trí tuệ. Những năm qua, với sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, cuộc sống gia đình tôi cũng đã đỡ chật vật hơn.

Với số tiền hỗ trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ lần này, tôi sẽ trả nợ ngân hàng sửa nhà năm ngoái, chút còn lại tôi sẽ mua thêm con heo để nuôi, phát triển kinh tế gia đình”.

Đến dự buổi lễ, cựu binh Lê Hữu Thảo, 51 tuổi, quê H.Hương Khê, Hà Tĩnh, trưởng ban liên lạc Gạc Ma, phát biểu: “Gần 30 năm sau trận hải chiến ở Gạc Ma, nhiều đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, mặc dù nhận được sự quan tâm của chính quyền, các đoàn thể, đơn vị, các nhà hảo tâm nhưng thân nhân gia đình các liệt sĩ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hôm nay chúng tôi vô cùng xúc động với tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã luôn đồng hành giúp đỡ, hỗ trợ thân nhân gia đình các liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma” - ông Thảo nói.

Ông Lê Đức Cường - phó chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An - bày tỏ cảm ơn bạn đọc Tuổi Trẻ đã quan tâm đặc biệt tới gia đình thân nhân các liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma. Ông Cường cũng mong muốn gia đình thân nhân các liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma tích cực tham gia phát triển kinh tế để xây dựng quê hương giàu mạnh.

HỮU KHÁ - DOÃN HÒA - HỒ VĂN

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên