04/03/2009 09:01 GMT+7

Ước mơ từ cột cờ Lũng Cú...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Đất nước được định vị bởi cõi bờ mà ta gọi là biên giới. Đất nước chiến tranh, tất cả những người lính cùng ra trận. Đất nước im súng bom, có những người lính không lui về hậu phương mà vẫn chắc tay súng nơi miền biên ải - họ là lính biên phòng!

Và chính những người lính biên phòng hiểu hơn ai hết sứ mệnh bảo vệ bờ cõi đất nước, bảo vệ đường biên giới ấy. Từ đỉnh Lũng Cú, nơi địa đầu cực Bắc, người lính biên phòng ở đó ngày đêm gìn giữ cho lá cờ Tổ quốc đỏ thắm kiêu hãnh tung bay như một biểu tượng chủ quyền. Và không chỉ có Lũng Cú, cực Bắc. Đó còn là lá cờ ở đất Mũi cực Nam, lá cờ trên A Pa Chải cực Tây, những lá cờ trên quần đảo Trường Sa ngoài Thái Bình Dương…

Riêng với lá cờ Lũng Cú lại mang một sứ mệnh thiêng liêng rất khó cắt nghĩa, nơi biên ải mây mù gió bấc ấy, lịch sử dựng nước và giữ nước đã khởi đi từ cột mốc 4.000 năm. Ở Lũng Cú, trên cao nguyên Đồng Văn này người dân phải cõng từng gùi đất đổ vào các hốc trên núi đá tai mèo để gieo vào những hạt ngô, cõng từng gùi nước để tưới tắm. Hình ảnh “gùi đất - cõng nước” ấy cho chúng ta một cái nhìn cận cảnh hơn về đất và nước. Không ở đâu hiếm đất như ở đây, không ở đâu nước quý như ở đây. Và vì sự quý hiếm ấy, người ta hiểu giá trị hai chữ đất - nước một cách bình dị mà sâu sắc, cụ thể mà thâm hậu, không cần phải nhiều lời.

Chiều dài biên giới phía Bắc vừa được phân định bằng lễ hoàn thành việc cắm mốc hôm 23-2-2009 ở Lạng Sơn. Nhưng hoàn thành việc cắm mốc không có nghĩa là nhiệm vụ người lính biên phòng từ đây sẽ nhẹ nhàng hơn. Biên giới vẫn còn những kẻ buôn người thậm thụt cướp bán trẻ em và phụ nữ. Những cái chết trắng vẫn ám ảnh nhiều bản làng. Cuộc sống khó khăn, ốm đau, tật bệnh, đói chữ, đói cơm của người dân vùng biên vẫn là một gánh nặng trên vai người lính biên phòng.

Và như thế, hướng về người lính biên phòng, hướng về người dân biên cương phải chăng cần có những việc làm cụ thể. Hãy coi Bản Giốc, A Pa Chải, Lũng Cú, Trà Cổ, Chi Lăng... mỗi tấc đất biên cương đều là đất thiêng cho những cuộc hành hương. Đến đó và chung tay cùng người lính biên phòng để xây cho người dân biên ải những mái nhà tình nghĩa, trao cho người dân những bộ quần áo ấm mùa đông, xây những bể nước treo trên đá cho mùa hạn, sách vở cho em thơ đến trường…

Những cuộc hành hương ấy chắc chắn sẽ làm ấm hơn bầu trời biên cương phía Bắc vốn chịu nhiều mây mù gió bấc. Và chợt mơ ước rằng mỗi độ xuân về, khi biên cương nở rực hồng hoa đào và tinh khôi hoa mận, người Việt sẽ có những chuyến hành hương lên đỉnh cao cực Bắc này. Tháng 3 âm lịch có ngày giỗ Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ (không xa Hà Giang là bao). Tháng 3 có ngày truyền thống của bộ đội biên phòng.

Tháng 3 với ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - tháng hành động của những người trẻ.

Nên chăng hằng năm vào dịp này hãy có những tuần lễ gọi tên là “Tuần hướng về biên cương” để mọi người hành hương lên với Lũng Cú và những vùng đất địa đầu đất nước. Khách hành hương về đây, trong hành trang mang theo nên có thêm nắm đất quê hương, người Cà Mau mang theo về đây vốc phù sa đất Mũi, người Bình Định mang về nắm đất miền thượng võ Tây Sơn, người Quảng Trị mang vốc đất lấy từ thành cổ, người Quảng Bình mang vốc cát trắng bên bờ Nhật Lệ... Và cũng đừng quên mang theo những bình nước mang từ những dòng sông quê hương, từ Cửu Long, Đồng Nai, Sài Gòn hùng tráng đến dòng sông Hương thơ mộng, sông Mã anh hùng...

Đất và nước mang về nơi đỉnh cao cực Bắc này sẽ được đắp bồi tưới tắm cho một vườn đào biên cương được trồng ở ngay Lũng Cú mà mỗi cây đào sẽ gắn biển tên một tỉnh thành trong cả nước.

Sẽ ấm lòng biết bao khi biết rằng cả “đất, nước” mọi miền đang hòa vào mây núi, đang kề vai sát cánh với biên cương.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên