12/10/2017 15:57 GMT+7

Ước mơ làm báo cháy bỏng của người khiếm thị

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Chàng thanh niên khiếm thị Hoàng Văn Lý đã chạm tay vào giấc mơ và giờ đây Lý đang tiếp thêm động lực cho những bạn trẻ không may bị mất đi ánh sáng của đôi mắt tìm thấy thứ ánh sáng khác.

Ước mơ làm báo cháy bỏng của người khiếm thị - Ảnh 1.

Anh Hoàng Văn Lý - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Câu lạc bộ báo chí Tương Lai được mở cho những học sinh khiếm thị yêu nghề báo và người truyền lại cho các bạn những bài học vỡ lòng về nghề chính là Lý - cộng tác viên của kênh VOV. Cuộc đối thoại của Tuổi Trẻ với Hoàng Văn Lý và Vũ Hải Anh, học sinh trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, cho thấy những người khiếm thị hoàn toàn có thể vươn tới những ước mơ.

Ánh sáng mới của những đom đóm

* Câu lạc bộ báo chí được hình thành từ chính mong mỏi của các học sinh?

Hoàng Văn Lý: Có thể nói như thế. Trong nhóm làm nội san cho trường tôi trước đây có bạn Đào Thu Hương. Hương cũng như tôi, hoàn toàn không còn thị lực, nhưng bạn ấy rất giỏi, là thủ khoa đầu ra của ĐH Sư phạm, đi du học ở Úc và hiện quay về tham gia một dự án hướng nghiệp cho người khiếm thị, trong đó có Câu lạc bộ báo chí Tương Lai. Chúng tôi gặp lại nhau trong công việc chung.

Khi làm điều phối viên khóa học hướng nghiệp cho học sinh khiếm thị ở hai trường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Văn Tố, Hương đã kết nối với một số em khao khát trở thành nhà báo. Hương bàn với tôi cùng các em tổ chức câu lạc bộ này và tôi sẽ làm một trong những người thầy đầu tiên của các em.

Vũ Hải Anh: Trong một lần truy cập vào trang kỹ năng tìm việc của người khiếm thị, em thấy bạn Đức Nghị (một thành viên câu lạc bộ) đăng câu hỏi "Có ai mơ ước trở thành nhà báo không?" Em chú ý đến Nghị từ khi đó vì em cũng có một ước mơ thầm kín như vậy.

Sau này khi chia sẻ với chị Hương (Đào Thu Hương), em như tìm thấy ánh sáng khác.

* Các bạn đã bàn với nhau những gì trong cuộc gặp đó?

Vũ Hải Anh: Theo gợi ý của các anh chị, chúng em bắt đầu đi tìm những người có cùng mơ ước. Ban đầu chúng em còn nghĩ sẽ lập ngay một trang trên Facebook nhưng rồi lại nghĩ phải có câu lạc bộ hoạt động hiệu quả. Anh Lý cũng gợi ý nếu có thể em kết nối thêm với các nhà báo, nhờ họ hỗ trợ đào tạo về nghề. Và em đã chủ động liên hệ.

Ước mơ làm báo cháy bỏng của người khiếm thị - Ảnh 2.

Các bạn trẻ khiếm thị sinh hoạt trong Câu lạc bộ báo chí Tương Lai - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Phải cố gắng gấp 20 lần

* Nghề báo khá vất vả và đòi hỏi nhiều kỹ năng trong quá trình làm việc, nhất là tác nghiệp ngoài hiện trường với các tình huống khác nhau. Thật khó tin những người khiếm thị có thể đảm nhiệm được công việc này.

Hoàng Văn Lý: Nhiều người nghĩ như vậy. Mọi thứ đều rất khó khăn với người khiếm thị. Nên giấc mơ về nghề báo thật sự là quá xa vời.

Nhưng bây giờ giấc mơ đó tôi đã chạm tay vào. Tôi tốt nghiệp ngành báo chí ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), là cộng tác viên chương trình VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam và hiện đang cộng tác ở một chương trình khác của đài.

* Đối với phóng viên khiếm thị, tạo được niềm tin cho người mình cần phỏng vấn và niềm tin với người giao việc cho mình có phải là điều khó nhất không?

Hoàng Văn Lý: Người ta nghĩ người khiếm thị khó có thể làm được việc cũng phải thôi, thậm chí đôi khi chúng tôi phải nhận sự coi thường, kỳ thị. Nhưng thay vào việc ngồi chờ một sự thay đổi về đánh giá của người khác thì mình nên khẳng định bằng việc làm cụ thể. 

Trong các công việc được giao, tôi luôn cố gắng làm tốt nhất có thể và không muốn bàn giao một công việc không trọn vẹn chỉ vì mình là người khiếm thị. Vì thế để làm một công việc cụ thể, có khi tôi mất thời gian, công sức gấp nhiều lần so với người khác.

ndnghi

"Xã hội cùng một bộ phận người khuyết tật có suy nghĩ sai lầm rằng 'người mù chỉ làm được tẩm quất, tăm tre'. Em muốn thay đổi suy nghĩ đó" - Nguyễn Đức Nghị

* Có khi nào bạn bị từ chối phỏng vấn vì là người khuyết tật?

Hoàng Văn Lý: Cũng có chứ. Nhiều người sẽ không tin một phóng viên như tôi. Nhưng để bù lại khiếm khuyết là đôi mắt, tôi thường tìm hiểu rất kỹ về người tôi chọn phỏng vấn. Thái độ nghiêm túc đó của tôi khiến nhân vật tôi chọn thay đổi suy nghĩ.

* Các em ở câu lạc bộ của bạn thế nào? Liệu các em có thể vượt qua được những khó khăn như bạn không?

Hoàng Văn Lý: Điều đầu tiên tôi thấy là các em có đam mê và rất nghiêm túc khi tôi giao bài tập. Một số em có năng khiếu viết, có tố chất tốt trong giao tiếp, trình bày... Dĩ nhiên các em chưa được học bất kỳ một kỹ năng nào về nghề. 

Tôi không đặt ra yêu cầu, kỳ vọng gì mà chỉ chia sẻ những gì tôi đã trải qua. Tôi muốn các em hiểu được với người khiếm thị đam mê nghề báo, sự cố gắng phải gấp 20 lần. Tác nghiệp khó gấp 10 lần bình thường, cộng thêm 10 lần nữa để khiến được người ta tin chúng tôi.

Đừng bỏ qua cơ hội

* Nhiều học sinh ở câu lạc bộ báo chí đang nhìn Lý như ước mơ. Có thể ai đó sẽ cho rằng bạn đã cố nuôi những ảo tưởng cho những bạn trẻ thiệt thòi?

Hoàng Văn Lý: Với người khuyết tật, để có những ước mơ và phấn đấu cho nó là điều rất nên khích lệ. Tôi không muốn đặt ra những mục tiêu quá xa vời. Trước mắt tôi muốn các em có hình dung ban đầu về một nghề các em mơ ước. 

Ở câu lạc bộ này, các em đều hào hứng và yêu nghề báo theo những cách hiểu khác nhau. Trong quá trình đào tạo các em, những suy nghĩ non nớt, chưa đúng về nghề, tôi sẽ trao đổi để các em hiểu hơn.

Trước tiên tôi phải nói với các em là đừng lý tưởng hóa việc mình có thể làm việc như những phóng viên bình thường, vì mình là người khuyết tật. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cho phép mình làm kém hơn, được ưu tiên hơn. Tôi muốn nói đến việc phải tìm ra cách làm riêng. Tôi sẽ dần dần chia sẻ với các em điều ấy.

vuhaianh

"Em biết nghề báo gian khó nhưng em vẫn mơ ước và nếu có một cơ hội dù ít ỏi, em sẽ nắm lấy" - Vũ Hải Anh

* Còn Hải Anh, đối với người khiếm thị, chỉ đi lại giữa thành phố ồn ào này đã khó, nếu có người cho bạn một cơ hội tác nghiệp như phóng viên, bạn có run không?

Vũ Hải Anh: Có run ạ, nhưng em sẽ nắm lấy cơ hội. Ngày hôm qua em vừa đi một tuyến đường rất xa từ trường em đến rường Nguyễn Văn Tố để sinh hoạt câu lạc bộ, rồi đến Trung tâm Văn hóa Nhật nghe một sự kiện văn hóa, rồi em đến ĐH Ngoại ngữ để phỏng vấn một tân sinh viên cũng là người khuyết tật.

Mới chỉ là vượt qua khó khăn của việc di chuyển thôi nhưng em thấy nếu quyết tâm thì sẽ làm được.

* Vậy là bạn đã thử làm công việc của một phóng viên?

Vũ Hải Anh: Vâng, chị sinh viên em cần gặp cũng là một người đã vượt lên khó khăn và đạt được ước mơ vào đại học. Em gợi để chị ấy nói chuyện. Em cứ nghe và trong câu chuyện của chị ấy, điều gì khiến em thấy hay, em sẽ tập trung hỏi kỹ về việc đó. 

Ví dụ khi chị ấy nói từng học ở một ngôi trường chỉ có mình chị ấy bị khiếm thị, vì thế sự đồng cảm khó khăn hơn so với chúng em. Em đã hỏi kỹ về những điều chị ấy trải qua, phải vượt lên như thế nào trong môi trường không có người chung cảnh ngộ.

* Điều gì bạn rút ra từ lần tác nghiệp đầu tiên này?

Vũ Hải Anh: Em nghĩ khi một cánh cửa khép lại với mình thì có thể cũng sẽ mở cho mình một cánh cửa khác. Chỉ cần đừng bỏ qua cơ hội nắm giữ.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên