Anh Nguyễn Mạnh Hùng mò mẫm trên bàn cờ. Ảnh: T.P |
Thắng đến 4/9 ván ở Giải cờ vua quốc tế HD Bank 2017 diễn ra vào tuần qua - trong đó có cả các trận thắng đối thủ có tên tuổi, Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trở thành kỳ thủ khiếm thị đầu tiên của VN đạt được chỉ số Elo (Liên đoàn Cờ vua quốc tế sẽ cập nhật vào đầu tháng 4 tới).
Giấc mơ của cuộc đời
Kỳ thủ sinh năm 1983 này không phải là cái tên xa lạ với giới hâm mộ cờ vua trong nước lẫn cộng đồng người khiếm thị. Làm việc ở nhiều mái ấm dành cho người khiếm thị, Mạnh Hùng là một tấm gương cho sự nỗ lực vươn lên trong thế giới thiếu ánh sáng. Tốt nghiệp khoa xã hội học ĐH Văn Hiến, Hùng học tiếp cao học ngành tâm lý ở ĐH Sư phạm TP.HCM. Không chỉ vậy, anh còn dấn thân vào con đường thể thao.
Chơi cờ chuyên nghiệp từ năm 2004, hơn 10 năm qua Mạnh Hùng đạt không ít thành tích ở các giải cờ khiếm thị trong và ngoài nước. Sau đó, anh còn vươn đến cả những sân chơi dành cho người bình thường - điển hình là việc dự giải HD Bank năm 2016. Nếu như ở giải đấu năm ngoái Hùng không thắng nổi một trận nào thì ở giải năm nay, mọi chuyện hoàn toàn khác.
Tổng thư ký Liên đoàn Cờ VN Nguyễn Phước Trung nhận định: “Mạnh Hùng và vợ (Đào Thị Lê Xuân) là những VĐV khuyết tật. Trong cuộc sống, dù gặp rất nhiều khó khăn (con gái họ cũng bị khiếm thị) nhưng họ không gục ngã. Ý chí vượt khó cũng là yếu tố rất cần của người chơi cờ. Vì lẽ đó, tôi rất trân trọng đôi vợ chồng này.
Ở HD Bank 2017, Hùng đã có màn trình diễn đầy bất ngờ với 4 chiến thắng liên tiếp trong 5 ván cuối cùng. Đặc biệt, trong đó có chiến thắng trước kỳ thủ có hệ số Elo 1488 Vũ Bá Khôi ở ván thứ 8 (đạt Elo trên 1400 không khó với người sáng mắt bởi chỉ tương đương kỳ thủ cấp 2 quốc gia nhưng với người khiếm thị là vấn đề rất khó khăn). Do không thể nhận định ván cờ một cách bao quát như người sáng mắt nên Hùng cần phải có sự cố gắng và nỗ lực rất lớn. Kỳ tích này sẽ giúp Hùng có chỉ số Elo vào khoảng 1200”.
Nói về kỳ tích của mình, anh Hùng cho biết: “Hồi mới học đánh cờ, tôi cũng từng nhiều lần đánh cờ với người sáng mắt. Nhưng lúc đó chỉ là đánh cho vui chứ khó tin rằng sẽ có ngày mình đạt được chỉ số Elo. Tuy bây giờ tôi có công việc ổn định, đánh cờ chỉ để giải trí, có cần chỉ số Elo để làm gì đâu, nhưng đây là giấc mơ của tôi, những người khiếm thị vẫn có khả năng hòa nhập với thế giới, làm việc như những người bình thường”.
Vượt khó
Ngoại trừ có một nhân viên ngồi cạnh ghi lại các nước đi, những kỳ thủ khiếm thị hoàn toàn không nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ hoặc nới lỏng luật lệ nào khác khi phải thi đấu với các đối thủ bình thường. Thách thức lớn nhất là thời gian. Nếu ngay cả những kỳ thủ hàng đầu thế giới đôi khi cũng “chạy không kịp” với thời gian quy định cho mỗi nước đi cờ vua, mọi chuyện càng khó khăn hơn với những kỳ thủ khiếm thị.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng khi thi đấu tại HD Bank 2017. Ảnh: T.P |
“Tôi phải tưởng tượng ra mọi thứ trong đầu, điều đó cần trí nhớ bên cạnh việc tư duy. Thi thoảng trong những lúc suy nghĩ quá nhiều, đôi khi gặp phải hiện tượng mất trí nhớ tạm thời, tôi lại quên nước và phải suy nghĩ lại từ đầu. Lúc đó cuống cuồng lên, mới thấy thời gian là không đủ. Ở giải rồi, vài lần tôi gặp phải cảnh này và đều thua trận. Nhiều người bảo bị khiếm thị, không thấy đường sẽ nâng cao sức tập trung nhưng điều đó không đúng. Nói chung, đối thủ thua tôi chỉ do chủ quan thôi”, anh Hùng kể.
“Hồi mới bắt đầu thi đấu ở các giải cờ tại TP.HCM, nhiều phụ huynh thường trầm trồ, xì xào quanh tôi “mù mà đánh cờ được với cả người sáng mắt kìa”. Tôi cũng không rõ cảm giác của mình lúc đó sao nữa nhưng tôi quyết tâm tập luyện, thi đấu để chứng tỏ với mọi người rằng chúng tôi cũng có thể làm việc bình thường như bất kỳ ai. Nhiều người khiếm thị dù có học hành đầy đủ nhưng khi ra xin việc vẫn gặp rất nhiều thiệt thòi, nhiều nơi vừa nghe đến người khiếm thị là từ chối”, anh Hùng tâm sự.
“Cờ vua là một trong những môn thể thao hiếm hoi, có lẽ là duy nhất mà người khiếm thị có thể thi đấu sòng phẳng với người bình thường. Vì vậy khi đến với cờ vua, những người khiếm thị sẽ rèn luyện được thêm bản lĩnh, tính kiên nhẫn để đối đầu với mọi chuyện trong cuộc sống, bên cạnh việc rèn tư duy, trí nhớ. Tôi nghĩ người khiếm thị nào cũng nên chơi cờ”, anh Hùng nói.
Tiếp tục theo đuổi giấc mơ Khi mới học xong đại học, Mạnh Hùng làm công việc tư vấn tâm lý ở mái ấm Nhật Hồng. Thời gian sau này, anh chủ yếu cộng tác với mái ấm Nhật Hồng bằng cách viết các chương trình, dự án cho nơi đây dù anh đã có một công việc ổn định hơn ở Trung tâm hướng nghiệp và công nghệ trợ giúp người mù Sao Mai, nơi anh là phó giám đốc. Ở cương vị của người quản lý, anh Hùng đang thực sự theo đuổi được giấc mơ của mình - giấc mơ nâng bước cho một thế hệ những học sinh, sinh viên, những người trẻ tuổi chẳng may bị khiếm thị có thể được trang bị đầy đủ vốn sống để bước ra cuộc đời. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận