Dịp này, ông Nishida Hideki - tổng giám đốc UNIQLO Việt Nam - đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ về những câu chuyện đáng nhớ khi UNIQLO đến, đồng hành và phát triển cùng Việt Nam trong 4 năm đầy thách thức nhưng cũng đầy ấn tượng.
* Xin chúc mừng ông cùng UNIQLO với hành trình tuyệt vời trong 4 năm qua tại Việt Nam. UNIQLO đến và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống đối với không ít khách hàng Việt Nam. Ngược lại, điều gì ở thị trường Việt Nam khiến UNIQLO ấn tượng nhất?
- Với cá nhân, ấn tượng lớn nhất là khi tôi đến Việt Nam cách đây 4 năm, vô tình đó cũng là thời điểm ra mắt cửa hàng UNIQLO đầu tiên - UNIQLO Đồng Khởi. Hình ảnh cả ngàn khách hàng xếp hàng chờ đợi vào tham quan, mua sắm tại cửa hàng gây ấn tượng mạnh trong tôi. Ngay khi đó, chúng tôi đã nhận ra thị trường Việt Nam là "miền đất hứa" với tiềm năng phát triển lớn.
Còn với UNIQLO, thị trường Việt Nam để lại trong chúng tôi 3 ấn tượng sâu sắc.
Đầu tiên là sự tin yêu của khách hàng đối với thương hiệu ngày càng cao. Khi mới đến Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng người Việt đặc biệt quan tâm đến chất liệu, chất lượng sản phẩm và cả dịch vụ khách hàng. Đó là lúc chúng tôi chắc chắn rằng LifeWear có những gì người Việt mong muốn. Điều này càng được khẳng định chắc chắn hơn sau 4 năm chúng tôi hoạt động tại đây.
Thứ hai là khách hàng Việt rất nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng và công nghệ mới. Những gì UNIQLO có thể làm tại thị trường quốc tế, chúng tôi đều có thể thực hiện được ở Việt Nam.
Và cuối cùng là năng lực sản xuất của các nhà máy đối tác tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Các sản phẩm Made in Vietnam của chúng tôi được chào đón trên toàn cầu và chính tại các cửa hàng tại Việt Nam. Nhiều sản phẩm cốt lõi, đòi hỏi quy trình sản xuất tiên tiến như áo khoác phao Ultra Light Down, trang phục giữ nhiệt HEATTECH, áo khoác giả lông cừu đều được sản xuất tại Việt Nam.
* Ngay khi chính thức có mặt tại Việt Nam, UNIQLO đã được người tiêu dùng Việt đón nhận nồng nhiệt. Có bao giờ trong 4 năm qua tình cảm đó "giảm nhiệt". Và làm cách nào để UNIQLO "giữ nhiệt" cho khách hàng của mình?
- Tôi đã bất ngờ xen lẫn vui mừng khi chứng kiến hàng dài người xếp hàng chờ đợi giây phút mở cửa hàng UNIQLO đầu tiên. Và cảnh tượng đó một lần nữa lặp lại khi chúng tôi khai trương cửa hàng thứ 22 tại Việt Nam - cửa hàng UNIQLO Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tôi đã trò chuyện với một vài khách hàng và nhận ra không chỉ có khách mới biết đến thương hiệu mà còn có nhiều khách hàng mua sắm thường xuyên tại các cửa hàng đã mở cửa nhưng vẫn đến từ sáng sớm để xếp hàng. Lý do đơn giản chỉ vì họ thật sự yêu thích và quan tâm đến UNIQLO. Điều này đã phần nào chứng minh tình yêu của khách hàng dành cho UNIQLO chưa bao giờ hạ nhiệt trong suốt 4 năm qua.
Để xây dựng sự gắn kết lâu dài như vậy, giữa thương hiệu và khách hàng cần có điểm chung. Điểm chung đầu tiên theo tôi đó là sự thấu hiểu và lắng nghe. Tại UNIQLO, thông qua hệ thống VOC, VOS, chúng tôi luôn có thể lắng nghe tiếng nói, ý kiến của khách hàng và nhân viên để hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng địa phương, từ đó mang đến những sản phẩm LifeWear phù hợp và thiết yếu với từng khách hàng. Đồng thời, chúng tôi luôn tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục ngay lập tức khi nhận được góp ý của khách hàng.
Bên cạnh đó, từ khâu sản xuất sản phẩm đến khâu trải nghiệm sản phẩm tại cửa hàng, chúng tôi luôn trân trọng con người và văn hóa Việt Nam. Hiện nay, hơn 50% sản phẩm được bày bán ở cửa hàng trong nước là được sản xuất tại Việt Nam, bởi chính người Việt. Chúng tôi cũng hợp tác với các nghệ sĩ trẻ và kiến trúc sư trong nước để tạo ra các họa tiết áo thun hay không gian cửa hàng mang đậm văn hóa địa phương.
* Sau những ấn tượng về sản phẩm, người Việt cũng dần quen và hào hứng tham gia vào các hoạt động xã hội và cộng đồng mà UNIQLO thực hiện trong thời gian qua tại Việt Nam. Đâu sẽ là hoạt động xã hội chính của thương hiệu trong năm thứ 4 tại Việt Nam, thưa ông?
- Chúng tôi tin rằng trang phục tốt sẽ tạo ra giá trị tốt, và sẽ tiếp tục các chương trình được khách hàng Việt ủng hộ suốt 4 năm qua: RE.UNIQLO - thu gom quần áo đã qua sử dụng, phân loại và trao tặng đến những người thực sự cần, tạo ra vòng đời ý nghĩa hơn cho trang phục; dự án "Mang nước uống sạch đến với Đồng bằng sông Cửu Long" - góp phần bảo vệ sức khỏe cho học sinh và giáo viên đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng nhiễm mặn. Chúng tôi cũng hợp tác với Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD để tuyển dụng, hỗ trợ và tạo cơ hội việc làm bình đẳng cho đối tượng người khuyết tật...
Mới đây, trong dịp khai trương cửa hàng mới UNIQLO Hoàn Kiếm, một BST UTme! đặc biệt cũng đã được ra mắt. Đây là BST sử dụng thiết kế của các tài năng trong nước nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa của hai nước Việt - Nhật. BST này đang được bày bán tại 4 cửa hàng lớn là: UNIQLO Vincom Phạm Ngọc Thạch, UNIQLO Hoàn Kiếm, UNIQLO Đồng Khởi, UNIQLO Saigon Centre. Toàn bộ doanh thu của BST này đến cuối tháng 12 năm nay sẽ được quyên góp để xây trường học mới cho các học sinh ở Mù Cang Chải.
* UNIQLO hiện đang triển khai những chương trình gì nhằm góp phần đào tạo và phát triển nhân tài địa phương như cam kết của thương hiệu khi vào Việt Nam?
- Lịch sử sản xuất của UNIQLO tại Việt Nam hơn 20 năm, trong đó, thời gian mà chúng tôi bắt đầu vận hành các cửa hàng thực tế là khoảng 4 năm. Quá trình sản xuất các sản phẩm UNIQLO của Tập đoàn Fast Retailing - Công ty mẹ của UNIQLO, đã gián tiếp tạo ra khoảng 240.000 việc làm cho lao động địa phương, đồng thời đảm bảo môi trường làm việc an toàn, nơi người lao động được bảo vệ, tôn trọng và phát huy hết khả năng.
Tại các cửa hàng, UNIQLO đào tạo khoảng 1.000 nhân viên, trong đó, hơn 70% cửa hàng trưởng là người Việt. Và chúng tôi đang nỗ lực để tăng tỉ lệ này lên hơn nữa. Đây là nỗ lực của UNIQLO nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, có khả năng thấu hiểu sâu sắc thị trường, khách hàng và sẵn sàng cho hành trình phát triển dài hạn của UNIQLO tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nuôi dưỡng và phát triển các tài năng địa phương thông qua các chương trình học bổng và đào tạo. Các sinh viên Việt Nam, nhân tài ở UNIQLO đã có cơ hội học tập và làm việc tại Nhật Bản. Nhiều người trong số họ đã đạt được thành công nhất định và trở về Việt Nam cống hiến cho sự phát triển của đất nước, trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo tại UNIQLO Việt Nam.
* Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản cũng là năm mà mối quan hệ giữa hai nước được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Là một doanh nghiệp Nhật Bản tiêu biểu với nhiều hoạt động nổi bật tại Việt Nam, UNIQLO có mục tiêu nào để mãi là "đối tác chiến lược" của người tiêu dùng Việt?
- Với những thành công hiện tại, chúng tôi đang đặt mục tiêu đưa UNIQLO trở thành một trong những thương hiệu uy tín nhất tại thị trường Việt Nam, mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng giúp cho cuộc sống của người Việt Nam thoải mái và tiện nghi hơn. Và để thực hiện được mục tiêu lớn này, công ty chúng tôi đã đề ra 4 yếu tố quan trọng mà chúng tôi gọi là "4C".
Chữ C đầu tiên là "Customer Service". Đây là yếu tố mà chúng tôi hướng tới và tập trung nhất. Theo đó, chúng tôi sẽ luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng và đặt khách hàng làm trung tâm của mọi việc. Thứ hai là "Confidence of LifeWear" - đó là niềm tin vào chất lượng sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi dựa vào ý kiến của khách hàng và nhân viên để cải tiến sản phẩm, giúp LifeWear trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt. Thứ ba là "Contribution to Society" với những nỗ lực bảo vệ môi trường, đóng góp cho xã hội, nuôi dưỡng nhân tài. Và cuối cùng là "Challenge Spirit" với tinh thần sẵn sàng chấp nhận thử thách, đương đầu với khó khăn để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận