15/03/2017 11:30 GMT+7

Ứng xử văn minh: Lên tiếng hay chọn cách làm ngơ?

MINH TIẾN và cộng sự
MINH TIẾN và cộng sự

TTO - Giới trẻ nghĩ gì và đóng góp như thế nào vào công cuộc xây dựng đô thị văn minh hiện đại và có chất lượng sống tốt?

Hành vi chạy xe trên vỉa hè chiếm đến 81,2%, theo kết quả của cuộc khảo sát. Trong ảnh: học sinh THPT vô tư chạy xe máy trên vỉa hè tại quận 3 (TP.HCM) - Ảnh: Ngọc Hiển
Hành vi chạy xe trên vỉa hè chiếm đến 81,2%, theo kết quả của cuộc khảo sát. Trong ảnh: học sinh THPT vô tư chạy xe máy trên vỉa hè tại quận 3 (TP.HCM) - Ảnh: Ngọc Hiển

Chúng tôi khảo sát bằng phiếu với 430 bạn trẻ (nam, nữ), hiện ­­­sống và làm việc tại TP.HCM về những suy nghĩ và giải pháp của chính họ. Các bạn trẻ được khảo sát gồm: nhân viên văn phòng, viên chức nhà nước, công nhân, sinh viên, điều dưỡng, lái xe...

Ngại đụng chạm, chọn cách làm ngơ

Có lẽ ai trong chúng ta cũng được chứng kiến những hành vi không đẹp của các bạn trẻ nơi công cộng, chốn tôn nghiêm như xả rác bừa bãi, gây ồn ào, nói tục chửi thề, đánh nhau... Cảm nhận chung là những hành vi đó khá phổ biến, nhưng cụ thể thì các bạn trẻ ở TP.HCM nhận định thế nào về những hành vi này?

Bên cạnh đưa ra những hành vi đẹp của bạn trẻ nơi công cộng như xếp hàng, nhường chỗ cho người già, chạy xe đúng làn đường..., ở chiều ngược lại, khảo sát cho thấy nhiều hành vi không đẹp ở nơi công cộng tại TP.HCM.

Theo đó việc buôn bán/kinh doanh lấn chiếm vỉa hè là phổ biến nhất với 86,9%, kế đến là hành vi chạy xe trên vỉa hè với 81,2%. Có đến 67,8% số bạn cho biết từng có những hành vi không đẹp nơi công cộng, trong đó có đến 23% số bạn cho biết mình ít khi chạy xe đúng làn đường hay dừng xe khi gặp đèn đỏ. Có lẽ tỉ lệ này phản ánh tương đối đúng với thực tế giao thông trên đường phố hiện nay.

Chứng kiến những hành vi không đẹp như vậy, các bạn trẻ có những ứng xử như thế nào? Các bạn trẻ nói họ muốn nhắc nhở những người có hành vi ấy nhưng ngại đụng chạm, chỉ một số ít bạn trẻ can đảm đứng ra nhắc nhở những người có hành vi không đẹp (11,9%) và số còn lại (19,3%) chọn cách ứng xử là làm ngơ, không quan tâm đến những hành vi ấy.

Đồ họa: Tân Đạt
Đồ họa: Tân Đạt

Làm gì để mọi người có ứng xử phù hợp nơi công cộng?

TP.HCM chúng ta đang quyết tâm trở thành một đô thị văn minh, xứng tầm với đô thị lớn nhất cả nước. Giới trẻ thành phố sẽ đóng góp như thế nào vào công cuộc xây dựng đô thị văn minh hiện đại và có chất lượng sống tốt?

Cuộc khảo sát còn muốn biết những đề xuất của các bạn trẻ nhằm tạo lập được thói quen có ứng xử đẹp nơi công cộng.

Các giải pháp có tính căn cơ như “giáo dục cách ứng xử nơi công cộng ngay từ nhỏ” hay “tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về ứng xử nơi công cộng” được các bạn trẻ đề xuất với tỉ lệ cao. Minh (25 tuổi, kế toán, quận 3) cho rằng: “Việc ứng xử văn minh nơi công cộng là ý thức của mọi người, mà ý thức thì nên rèn luyện từ nhỏ, lúc còn ở ghế nhà trường”.

Các bạn trẻ còn đề nghị một số việc khác cần làm để nhân rộng lối ứng xử đẹp nơi công cộng như “tham gia các phong trào ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh” (Nguyễn Tường Vy, sinh viên, quận 2); “cần quản lý bán hàng rong, tránh việc lôi kéo khách đặc biệt là ở các khu vực nhiều người nước ngoài du lịch như quận 1 và các vùng lân cận” (Duyên, kế toán, quận 1).

Và để góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị thì ứng xử của từng người là rất quan trọng, như quan điểm của bạn Nguyễn Gia Huy (22 tuổi, quận 3): “Chính cách hành xử một cách đúng mực nơi công cộng của mình sẽ góp phần tuyên truyền và xây dựng nên một đô thị văn minh”.

Theo các bạn trẻ được khảo sát, việc chính quyền thành phố chỉ đạo quyết liệt lập lại trật tự cho vỉa hè là một quyết định hoàn toàn chính xác.

Xả rác bừa bãi cũng là một hành vi khá phổ biến, do đó cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa như trang bị thêm các thùng rác nơi công cộng, tăng cường nhắc nhở và xử phạt các hành vi nói trên.

Nhiều bạn khác thì cho rằng tăng cường xử phạt, nâng cao mức phạt không phải là giải pháp hiệu quả nhất, mà để xây dựng thành phố văn minh, mọi người có hành xử phù hợp nơi công cộng thì cần cả hai yếu tố nội tại (ý thức của mỗi người) lẫn yếu tố ngoại tại (như giáo dục, tuyên truyền, xử phạt..).

Đồ họa: Tân Đạt
Đồ họa: Tân Đạt

 

Vai trò của người trẻ trong tham gia xây dựng văn minh đô thị như thế nào? Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến, gửi về diễn đàn “Ứng xử văn minh qua góc nhìn giới trẻ” của báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), email: nguyenthihuong@tuoitre.com.vn hoặc dangtuoi@ tuoitre.com.vn. Bạn có thể gửi ý kiến của mình ở phần Bình luận bên dưới.

 

MINH TIẾN và cộng sự
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên