07/05/2013 02:00 GMT+7

Giải bài toán ứng xử, giao tiếp văn minh

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Ăn uống xì xụp; lấy thức ăn nhiều nhưng ăn không hết, bỏ mứa; đi lại nghênh ngang, cười nói lớn tiếng ở nơi công cộng; dùng tiếng mẹ đẻ đối thoại với nhau mỗi khi muốn nói xấu người nước ngoài ngay trước mặt họ...

Rất nhiều thói hư tật xấu của người Việt bộc lộ khi đi ra nước ngoài đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông, diễn đàn, nhưng rồi vẫn tiếp tục xuất hiện, phổ biến theo kiểu thói nào tật nấy. Đáng nói là những thói tật ấy không chỉ được ghi nhận ở người thuộc tầng lớp bình dân, ít học, mà còn cả ở những bậc có địa vị cao, trí thức, giàu có.

MSs7ppji.jpgPhóng to
Gây gổ khi va quẹt xe trên đường, một hình ảnh xấu xí thường thấy - Ảnh: T.T.D.

Vấn đề đặt ra rõ ràng là làm thế nào để xây dựng một mặt bằng văn hóa ứng xử cao hơn mặt bằng hiện tại, để khi bước vào đời sống xã hội từ lúc bắt đầu có khả năng nhận thức, con người ta có điều kiện trải nghiệm một lối sống, một nền nếp giao tiếp thanh lịch, văn minh.

Dạy dỗ công dân từ tấm bé về văn hóa ứng xử là một cách để đạt được mục tiêu này. Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì chắc chắn không đủ: trẻ con được dạy trong lớp học một đàng, đến khi ra khỏi trường lại thấy người lớn làm một nẻo thì làm sao nuốt cho trôi bài học? Có khi thấy sự trái ngược, mâu thuẫn giữa điều được truyền đạt qua lời giảng và điều nhận biết trong cuộc sống thật, trẻ con lại nghĩ thầy cô chỉ toàn nói láo thì càng hỏng.

Nói khác đi, cần phải xây dựng nếp sống có văn hóa ngay trong lòng xã hội, phải làm sao để kiểu ứng xử lịch thiệp trở thành tập quán phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày. Kinh nghiệm cho thấy để một tập quán hình thành và phát triển, tốt nhất là nó bắt đầu được chấp nhận và thực hành bởi những con người tiêu biểu và những người giữ các vị trí thu hút sự chú ý của cộng đồng. Gắn với tên tuổi, hình ảnh của những nhân vật được xã hội biết đến nhiều, kiểu ứng xử sẽ dễ được mọi người ghi nhận rồi bắt chước.

Theo logic đó, các quan chức, viên chức nói chung là những người được trao công quyền, vốn là những con người được xã hội nể trọng nhờ có quyền uy, phải là những tấm gương về xử sự, giao tiếp văn minh.

Tất nhiên, trong điều kiện con người ta vốn có thiên hướng sống theo bản năng, muốn một cách sống ít nhiều mang tính quy ước được áp dụng thì phải huấn luyện. Bởi vậy, cần tổ chức những lớp học đặc biệt về kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức. Trước khi bổ nhiệm một ứng viên mới vào một vị trí công tác trong bộ máy nhà nước, phải yêu cầu ứng viên theo học một lớp về văn hóa giao tiếp, sinh hoạt và trong nội dung thi tuyển phải có phần sát hạch về mức độ thanh lịch, văn minh trong ăn nói, đi lại, tiếp xúc với mọi người.

Bên cạnh đó cần đặt nội quy, điều lệ thật chặt chẽ để ràng buộc cán bộ, công chức, viên chức một cách thường xuyên vào khung chuẩn mực ứng xử trong giao tiếp; có chế độ kỷ luật thật khắt khe, cho phép xử phạt nặng và nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Một môi trường công vụ trong lành, với những con người vừa tận tụy, vừa thanh lịch và thân thiện chắc chắn sẽ là chất xúc tác rất tốt cho việc xây dựng một xã hội văn minh.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên