09/11/2014 10:50 GMT+7

Ứng xử văn hóa chuyện mua iPhone 6 tặng bạn gái ở Singapore

LÊ CHÍ TRUNG
LÊ CHÍ TRUNG

TT - Bộ trưởng nhân lực Singapore Tan Chuan-Jin nói người dân Singapore bị “giáng một đòn vào lương tri” trong sự kiện người Việt đến Singapore mua iPhone 6 tặng bạn gái và bị cửa hàng lừa ép giá.

Bộ trưởng nhân lực Singapore bày tỏ sự phẫn nộ của ông về sự cố Sim Lim trên Facebook cá nhân

Câu chuyện giản dị, chẳng có gì ầm ĩ. Một anh bạn trẻ người Việt đến Singapore mua chiếc iPhone 6 tặng bạn gái. Chiếc điện thoại mà anh bạn kia mua bị lừa ép giá. Nói chung là bị gian thương lường gạt (sự cố Sim Lim). 

Cái tay (hay cái cửa hàng) gian thương này đúng là trời bất dung gian lại nhè ngay anh bạn trẻ ở một xứ nghèo.

Thế là cả cộng đồng mạng người dân Singapore sôi sục, vận động hàng trăm người quyên góp trả lại anh bạn trẻ mếu máo, đáng thương (ảnh đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 7-11) với số tiền vượt xa nhiều lần con số anh bị lừa.

Họ coi đây như một nỗi nhục quốc thể qua câu nói: “Chúng ta không phải là một quốc gia lừa đảo, trộm cắp”... Anh bạn trẻ người Việt của ta cũng văn hóa không kém, chỉ xin nhận lại đúng số tiền anh đã bị lừa.

Thế là họ nghĩ ra ngay sáng kiến gây quỹ giúp những nạn nhân bị bọn bất nhân gài bẫy lường gạt và gây sức ép buộc chính quyền phải vào cuộc.

Câu chuyện chỉ có vậy.

So với những biến động chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh... hằng ngày đe dọa mạng sống con người trên Trái đất, thì đây có cái gì chỉ như những chuyện đời vụn vặt.

Giống như hình ảnh đội tuyển bóng đá Nhật - niềm tự hào của một quốc gia, thua liểng xiểng, bẽ bàng tại World Cup 2014, nhưng các khán giả Nhật sau trận đấu vẫn lặng lẽ nán lại trên khán đài để cùng nhau... nhặt rác.

Một hình ảnh không cần bình luận đã làm cả thế giới sững sờ. Không biết ở Nhật, Singapore, hay nhiều quốc gia văn minh khác người ta cần bao nhiêu năm, bao nhiêu quốc sách và cả sự tự nhìn lại mình của mỗi người dân để xây dựng hình ảnh con người văn hóa trong một thế giới hội nhập?

Quay lại câu chuyện anh bạn trẻ người Việt mua nhầm iPhone 6 của bọn gian thương. Vui vì câu chuyện của anh khi tung lên mạng xã hội đã đánh động hàng ngàn người nước ngoài khi đến Singapore du lịch, mua sắm.

Tại sao người ta không sợ bêu xấu hình ảnh đất nước mình khi nổi sóng dư luận vạch mặt chỉ tên bọn người buôn bán bất lương? Phải chăng không có gì xấu xí nếu ta tự biết soi gương, biết chùi đi nét xấu mỗi khi ra đường?

Ôi! Cái chuyện buôn bán hàng gian hàng giả thì ở ta “Biết rồi khổ lắm nói mãi”... Ngay cả nạn ép giá, chèo kéo, móc túi, phát ngôn phản cảm vô văn hóa... với khách du lịch đến VN, báo chí cũng lên tiếng quá nhiều rồi.

Chuyện nhỏ mà thấy xót xa khi câu chuyện xứ người như ở xứ thần tiên..

Hiệu ứng tích cực từ một cuộc khủng hoảng

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đã lập tức có ngay hành động. Cửa hàng Mobile Air trong vụ việc này đã bị đóng cửa vĩnh viễn.

STB còn đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn để không lặp lại các sự việc như vậy: công bố số điện thoại, email và website của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đồng thời khuyến khích họ thông báo về những hành vi này.

Theo The Straits Times của Singapore, Bộ trưởng nhân lực Singapore Tan Chuan-Jin cũng đã lên tiếng trên Facebook cá nhân của ông rằng dù cửa hàng Mobile Air không vi phạm bất cứ điều khoản nào của pháp luật Singapore, song nó đã “giáng một đòn vào lương tri” của người dân đảo quốc này.

Ông kêu gọi Chính phủ Singapore cần “siết chặt hoặc điều chỉnh” các quy định nhằm đối phó với tình trạng du khách bị bọn gian thương lừa đảo.

Sự việc ở Sim Lim Square Singapore đã gây ra những tổn thất nhất định về mặt hình ảnh cho du lịch Singapore, nhưng một cuộc khủng hoảng được xử lý tốt lại mang đến những hiệu ứng tích cực.

Bằng các hành động hợp lý và cụ thể, cơ quan quản lý du lịch và người dân Singapore cho thấy ý thức của họ cao như thế nào trong việc duy trì danh tiếng của đất nước mình, qua đó góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội.

Tại VN, chương trình Nụ cười Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh vừa được phát động nhằm xây dựng hình ảnh một Quảng Ninh “thân thiện, cởi mở và lịch thiệp”.

Số điện thoại đường dây nóng, email và Facebook cũng được lập cho thấy quyết tâm đổi mới cách làm của tỉnh.

Hi vọng trong thời gian tới nhiều điểm đến du lịch tại VN cũng triển khai các hoạt động bảo vệ du khách và giữ gìn danh tiếng như thế này.

Dịch giả NGUYỄN ĐÌNH THÀNH

 

LÊ CHÍ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên