25/08/2019 09:00 GMT+7

Ứng xử nơi công cộng sao cho đúng chuẩn?

H.ĐIỆP - N.BÌNH - V.THỦY - TH.HUY
H.ĐIỆP - N.BÌNH - V.THỦY - TH.HUY

TTO - Phạt, cấm bay... , nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn với vụ hành khách "đại náo" sân bay này, là bà Lê Thị Hiền còn là chiến sĩ trong lực lượng công an. Ứng xử nơi công cộng như thế nào? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến xung quanh câu chuyện này.

Ứng xử nơi công cộng sao cho đúng chuẩn? - Ảnh 1.

Sau phạt 200.000 đồng là cấm bay trong 12 tháng với trường hợp hành khách Lê Thị Hiền trong vụ "đại náo" sân bay Tân Sơn Nhất mới đây. Nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn là bà Hiền còn là chiến sĩ trong lực lượng công an.

Mở rộng ra, bài học ứng xử nơi công cộng như thế nào? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến xung quanh câu chuyện này.

* ThS Lê Minh Tiến (Đại học Mở TP.HCM):

Những khuôn mẫu lệch chuẩn

Trước đây, những người được coi là khuôn mẫu, chuẩn mực trong xã hội là tấm gương để mọi người học hỏi thường là những người lớn tuổi, có địa vị xã hội, công chức, giáo viên... Ngày nay, thay vào đó là những hình ảnh các tay giang hồ mạng và trở thành khuôn mẫu.

Nhưng nên nhớ không phải ai xem hình ảnh đó cũng có bộ lọc để nhận thức đúng, nhất là với trẻ em. Một khi không được uốn nắn, dạy dỗ kỹ lưỡng từ cả gia đình và trường học như trước đây, sẽ có một bộ phận tiếp thu và tái tạo những hành vi đó trong tương lai.

Khi xem clip, tôi quan tâm nhất là đứa con của người đại úy công an. Đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng, học theo khuôn mẫu như thế. Đồng thời mạng xã hội đăng tải, đeo bám câu chuyện không có thông điệp, mô tả hiện thực trần trụi mà không có phê bình, đánh giá.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người cho rằng sống là phải tranh đấu, sống là không chờ đợi, là phải vượt lên nếu không người khác sẽ chèn ép mình. Lối suy nghĩ sợ mình thua thiệt, đi tắt đón đầu làm cho người ta không biết nhường nhịn dẫn đến nhiều câu chuyện đáng buồn.

Thái độ thẳng thắn, cứng rắn để bảo vệ quyền lợi, lẽ phải không thể đạt được bằng bạo lực ngôn từ, bạo lực hành động. Không thể lấy mục tiêu để biện minh cho cách làm.

Để có những con người biết cách cư xử thì ứng xử chuẩn mực phải được hình thành như một thói quen trong gia đình, trường học. Cha mẹ, thầy cô dạy dỗ trẻ bằng ngôn từ bạo lực để đạt được mục tiêu là con trẻ nghe lời thì sẽ phản tác dụng giáo dục.

* Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM):

Không thể chấp nhận được

Vụ nữ cán bộ công an gây ầm ĩ trên truyền thông trong những ngày qua khi sử dụng ngôn ngữ không phù hợp thuần phong mỹ tục, thậm chí còn mang tính chất vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác không hiếm xảy ra ở nơi công cộng.

Trong khi, ngoài luật điều chỉnh thì các thành phố đều đã ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ công chức, viên chức... áp dụng cả trong ứng xử với cộng đồng.

Việc nữ công an có lời lẽ mạt sát đối với nhân viên hàng không nhìn dưới góc độ ứng xử của người bình thường cũng có thể thấy đó là việc ứng xử quá kém.

Nhiều công chức hiện nay có tí quyền, không coi ai ra gì mà quên mất mình đang là người phục vụ nhân dân.

Trong bản quy tắc mà UBND TP Hà Nội ban hành năm 2017, phần ứng xử của cán bộ công chức, viên chức tại cộng đồng và khu dân cư nêu rõ: "Gương mẫu chấp hành và vận động người dân thực hiện các nội quy, quy tắc nơi công cộng; không vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc".

Không chỉ Luật công chức quy định cụ thể vấn đề ứng xử với cộng đồng mà UBND TP Hà Nội năm 2017 cũng ban hành bộ quy tắc ứng xử đối với các công chức, viên chức...

Xét cả về văn hóa ứng xử thông thường cũng không thể chấp nhận lối giao tiếp ứng xử như thế. Nếu những vụ việc nói tục, chửi bậy nơi công cộng hoặc giao tiếp mà chính quyền và cơ quan chức năng không xử lý được thì dễ dẫn đến sự lệch chuẩn về văn hóa.

Ứng xử nơi công cộng sao cho đúng chuẩn? - Ảnh 2.

Ngoài việc mạt sát nhân viên làm thủ tục check-in, bà Lê Thị Hiền còn ăn vạ vu cáo nhân viên an ninh sân bay đánh bà - Ảnh cắt từ clip

* Ông Đỗ Hòa (giám đốc điều hành Tinh Hoa Quản Trị):

Không có nhân viên nào muốn "ăn thua đủ" với khách

Những câu chuyện va chạm giữa nhân viên và khách hàng tương tự như vụ nữ công an "đại náo" sân bay cũng là bài học mà các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên thị trường soi vào vì hành vi ứng xử, thái độ của nhân viên sẽ quyết định chất lượng của doanh nghiệp.

Việc kiểm soát hành vi ứng xử của nhân viên là điều không dễ. Đa số các doanh nghiệp đều có đào tạo, huấn luyện nhân viên, đặc biệt các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như tiếp viên hàng không, lễ tân...

Nhưng đào tạo xong nhân viên áp dụng như thế nào lại là chuyện khác vì con người dù có đào tạo tốt thì cũng dễ bị chi phối bởi cảm xúc, dễ bị lôi vào câu chuyện tại hiện trường.

Vì vậy, các tập đoàn nước ngoài, bên cạnh đưa ra các quy tắc ứng xử thì để đảm bảo chất lượng dịch vụ về lâu dài, họ đưa hẳn vào văn hóa doanh nghiệp để hình thành một thói quen ứng xử, tham chiếu trong mọi tình huống, nhất là với nhân viên mới.

Văn hóa doanh nghiệp và cả văn hóa công sở chỉ được hình thành và lan tỏa khi các ông chủ, nhà lãnh đạo làm gương trước. Một khi sếp thể hiện sự tận tụy, coi trọng khách hàng thì mới thuyết phục được nhân viên có thái độ phục vụ tận tâm như vậy.

Lúc đó văn hóa phục vụ mới trở thành bản sắc của doanh nghiệp và được nuôi dưỡng lâu dài. Tôi tin không có nhân viên nào được đào tạo để cãi nhau với khách cũng như không có văn hóa doanh nghiệp nào muốn "ăn thua đủ" với khách.

* Chung Thanh Huy (bạn đọc):

Cần xử phạt thích đáng

Một trong những điểm đáng lưu ý khi nhìn lại các vụ gây rối ở sân bay là đa số đều xuất phát từ những mâu thuẫn liên quan đến hành lý, trong đó chủ yếu là hành lý xách tay.

Không ít hành khách chưa nắm rõ các quy định liên quan đến an ninh, an toàn hàng không, nên chẳng những không tuân thủ mà còn gây rối tại sân bay.

Không ít người có thói quen nằm hoặc ngồi la liệt ở phòng chờ, trông rất khó coi dù không bị trễ chuyến. Đến lúc qua cửa kiểm soát an ninh hay ra xe buýt trung chuyển thì không chịu xếp hàng mà cứ chen lấn, xô đẩy. Lên máy bay lại ngồi không đúng số ghế, gác chân lên ghế trước hay còn hút thuốc trong phòng vệ sinh.

Nhiều nhất là chuyện oang oang gọi điện thoại dù được nhắc nhiều lần là phải tắt máy khi lên máy bay.

Khi máy bay vừa mới hạ cánh, hàng trăm hành khách đã nhốn nháo cả lên như thói quen đi tàu lửa, xe đò, tranh nhau đứng dậy kéo giỏ xách, vali để chen chúc xuống trong khi khách người nước ngoài vẫn bình tĩnh ngồi chờ máy bay dừng hẳn mới đứng dậy lấy hành lý rời khỏi máy bay.

Nhiều người vẫn biện minh rằng những hành động vô ý thức đó là do họ mới đi lần đầu, thiếu hiểu biết, nhưng rồi lặp lại ở những lần sau theo thói quen hoặc tự cho mình cái quyền thích làm gì thì làm để xứng với đồng tiền đã bỏ ra. Đó còn do nếp sống, thói quen, sự thiếu ý thức đã thành tính cách.

Đi máy bay, hành khách phải tuân thủ hàng loạt quy định khác nhau cũng không ngoài mục đích bảo vệ sự an toàn cho chính họ. Vậy nên, rất cần những quy định nghiêm minh, mức xử phạt thích đáng mới mong có thể giảm bớt tình trạng trên.

Ứng xử nơi công cộng

1. Gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng.

2. Không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.

Điều 11, thông tư 27/2017 của Bộ Công an

Vụ nữ công an Vụ nữ công an 'đại náo sân bay': Sao không tôn trọng người khác?

TTO - Dư luận trái chiều về hành vi và mức phạt áp dụng với nữ hành khách 'đại náo sân bay Tân Sơn Nhất'. Câu chuyện này không chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng…

H.ĐIỆP - N.BÌNH - V.THỦY - TH.HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên