Trên chuyến bay từ TP.HCM đi Thừa Thiên Huế, chị Gia Hân (30 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) bỗng "suy" (thấy mệt mỏi, khổ sở) khi chịu đựng hai hành khách ở hàng ghế phía bên kia.
Cư xử lạ lùng
Dù đa số hãng bay khuyến cáo hành khách không nên đem những loại thực phẩm có mùi như nước mắm, sầu riêng theo hành lý xách tay, thế nhưng không phải ai cũng tuân thủ.
Chị Gia Hân kể có hai vợ chồng khoảng ngoài 50 tuổi. Họ ngồi hai ghế gần cửa sổ, ghế còn lại trống. Lên máy bay được một lúc, họ bày thức ăn mang theo ra.
"Hình như là bún và tôi nghe mùi nước mắm. Tiếp viên thấy và nhắc đại ý đồ ăn có nước mắm không ăn trên máy bay, nhưng họ ừ ừ và lúc sau vẫn mở ra ăn", chị Hân kể.
Một số hành khách thấy khó chịu nhưng im lặng. Ăn xong, người đàn ông bắt đầu vào giấc. Ông gác chân qua chiếc ghế trống và ngáy.
Chị Hân bày tỏ: "Nếu là ngủ ngáy bình thường thì mình cũng nghĩ là do bệnh lý và thông cảm. Nhưng người này còn gác chân lên ghế rất bất lịch sự.
Tôi cũng không nói năng gì. Vì tiếp viên góp ý người ta còn không nghe, làm sao mình nói người ta nghe".
Quát tiếp viên khi được nhắc nhở
Theo anh Bùi Chí Hiếu (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình), có hai trường hợp thường gây ồn ào trên máy bay.
Thứ nhất là gia đình có trẻ con. "Do không gian trên máy bay chật chội, điều kiện không khí thay đổi nên trẻ con khó chịu, hay khóc lóc. Trường hợp này mình thông cảm được vì không có cha mẹ nào muốn con mình như vậy. Các bé cũng còn nhỏ nên mình cố gắng chịu đựng chút cũng không sao", anh Hiếu nói.
Trường hợp thứ hai là nhóm đi đông người, gia đình hoặc bạn bè. Họ hào hứng kể chuyện lớn tiếng rồi cười hô hố với nhau mà không quan tâm đến cảm xúc những người xung quanh.
Có lần vừa lên máy bay ở sân bay Nội Bài để về TP.HCM, anh Hiếu nghe ở giữa máy bay giọng phụ nữ quát tháo.
Khi đi đến ghế ngồi của mình, anh mới biết người phụ nữ này đang quát cô tiếp viên vì không đồng ý cho bà ấy để túi đồ dưới chân ghế.
"Cô tiếp viên cố gắng giải thích rằng nếu khoang hành lý hết chỗ thì sẽ để hành lý của khách ở ngăn dự phòng phía trên hoặc phía dưới máy bay, tuyệt đối không được để hành lý dưới chân vì quy định an toàn hàng không", anh kể.
Nhưng người phụ nữ nhất quyết không chịu, nói là hành lý nhiều đồ quý giá không thể giao cho người khác. Người này cứ oang oang suốt 5 phút, át hết giọng hai tiếp viên.
Đến khi cơ trưởng bước xuống, nói nhỏ nhẹ nếu chị không đồng ý thì chúng tôi mời an ninh sân bay đến làm việc, người này mới chịu để tiếp viên đem hành lý đến đúng chỗ.
Lần khác trên chuyến bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng, khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị đáp xuống, bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang. Một hành khách nam mở máy lên và nói như quát: "Sắp tới rồi". Tiếp viên bật dậy từ ghế an toàn chạy đến, người này mới nói "quên tắt nguồn".
Thường thấy nhất là máy bay vừa đáp xuống, hành khách đã ào ào đứng dậy. "Họ mở khoang hành lý lấy đồ. Cứ như sợ không kịp lấy thì người khác lấy mất của mình. Những người khác mở điện thoại gọi người quen đến đón, gọi báo với người thân đã tới nơi", anh Hiếu ngán ngẩm.
Im lặng cho qua hay bày tỏ thái độ?
Một lần trên chuyến bay TP.HCM đi Côn Đảo, chúng tôi thấy có một nhóm khách đi cùng nhưng ngồi không gần nhau lắm.
Vậy là người ghế dưới nói chuyện với người ghế trên, í ới đủ thứ trên đời. Chỉ riêng chuyện bỏ hành lý vào khoang cũng đã đủ nhoi trời. Những lúc tấm chắn cửa sổ được phép kéo lên, họ thi nhau lấy điện thoại vừa chụp cảnh mây trời vừa đùa giỡn ầm ĩ.
Lần khác, trên chuyến bay đi Thái Lan, chúng tôi ngồi gần một vị khách người nước ngoài. Ông giở cuốn truyện tranh tiếng Nhật ra đọc, tôi thì đeo tai nghe nghe nhạc cho dễ ngủ. Đang thiu thiu, tôi giật mình vì lưng ghế có người đẩy chân.
Đến lúc máy bay sắp hạ cánh, thay vì chờ đến lúc dừng hẳn để lấy hành lý xách tay, người này đứng phắt dậy, tay đè lên tóc vị khách nước ngoài khiến ông phải quay lại nhìn.
Gặp những tình huống đó, bạn sẽ làm gì? Anh Hiếu cho rằng anh sẽ cố ý liếc nhìn cho người làm ồn thấy sự khó chịu của mình. Nếu họ tinh ý và là người lịch sự sẽ tự động điều chỉnh hành động.
"Nếu họ tiếp tục cố tình gây ảnh hưởng xấu đến xung quanh, tôi sẽ báo với tiếp viên làm việc. Bởi vì khi đó họ đã biết rằng mình làm nguời khác khó chịu nhưng vẫn tiếp tục, tức là họ cố tình thì mình không thể đối thoại với họ được" - anh bày tỏ.
Theo anh Hiếu, các hãng hàng không nên làm mạnh tay hơn, chẳng hạn thấy ồn ào là tiếp viên phải nhắc nhở liền.
Anh nói: "Mỗi chuyến bay nên có một nhân viên an ninh sẵn sàng xử lý những trường hợp gây rối mất trật tự, ồn ào ảnh hưởng hành khách khác. Từ đó sẽ có hướng xử lý các hành khách này, ví dụ nếu ba lần vi phạm sẽ cấm bay một năm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận