17/04/2019 11:04 GMT+7

Du khách Việt ở xứ người: ồn ào, vít hoa, chen ngang khi xếp hàng

NGUYỄN VĂN MỸ
NGUYỄN VĂN MỸ

TTO - Người Việt cũng xếp hàng (vì bắt buộc), nhưng lâu lâu lại có người chen ngang và trò chuyện ồn ào, gọi nhau í ới, bình phẩm về người khác dù không quen biết gì.

Bạn tôi vừa đi tour Nhật về. Bạn kể chuyện xem hoa anh đào ở Tokyo. Du khách các nước, trong đó có Việt Nam, náo nức đến Nhật ngắm hoa. Hoa tinh tế nên người ngắm hoa cũng lịch lãm.

Người người trật tự xếp hàng, kiên nhẫn và hân hoan chờ đến lượt, khẽ khàng đứng cạnh anh đào, thả lòng lâng lâng cảm xúc. Họ thường ra dấu chứ ít khi nói, cứ như sợ hoa giật mình và nhanh chân nhường chỗ cho người kế tiếp. 

Một số người Việt thì khác. Cũng xếp hàng (vì bắt buộc) nhưng lâu lâu lại có người chen ngang và trò chuyện ồn ào, gọi nhau í ới, bình phẩm về người khác dù không quen biết gì.

Tới lúc chụp hình thì ôi thôi đủ thứ. Làm dáng, vít cả cành hoa (có khi làm rụng hoa, gãy cành) xuống cho sát mặt, rồi mở hình xem lại, bình phẩm, chưa ưng ý thì xóa ảnh rồi chụp lại từ đầu cho đẹp hơn. 

Nhiều khi còn nán lại chỉ vẽ, sửa dáng cho người khác, mặc những người phía sau thở dài, lắc đầu và bực dọc qua ánh mắt.

Nhân viên đến nhẹ nhàng nhắc nhở cũng mặc. Có người thấy xấu hổ, phải lùi xa. 

Mà nào chỉ có chuyện ngắm hoa anh đào. Từ đi tàu điện, vào nhà hàng, đến các điểm tham quan, vui chơi, mua sắm, y như rằng cứ gây bực cho người khác. 

Đôi khi mình hả hê với niềm vui riêng nhưng làm nhiều khách nước khác bực mình. Lâu lâu có người lên tiếng phàn nàn, không nghe được tiếng cũng có thể nhìn thấy cảm xúc của họ, nhưng người mình chẳng thèm để ý. 

Nó cũng giống như chuyện người hút thuốc hay uống rượu cứ vô tư xả khói, tỏa mùi mà đâu biết rằng mình đang tra tấn người bên cạnh. Giống như mình đang to tiếng thì rất khó thấy sự vô duyên của việc ồn ào. Trừ khi chính mình là nạn nhân mới thấm thía.

Tôi lại nhớ đến những buổi họp mặt của người trong ngành du lịch. Cũng karaoke đinh tai, du khách lịch sự thì mở iPhone đọc báo hay chat, ai muốn nói chuyện với nhau chỉ còn cách hét vào tai hoặc bút đàm (vì không gian ồn quá!). Vừa ăn uống vừa xem từ ca trù, ca Huế, vọng cổ, disco đến ảo thuật, xiếc…

Tôi bỗng nhớ dòng chữ nhắc nhở người Việt (vì chỉ viết bằng tiếng Việt) trong các khách sạn ở Lào "ĐI KHẼ - NÓI NHẸ - CƯỜI DUYÊN". Lời nhắc khéo nhẹ nhàng đáng để ai đọc thấy cũng phải tự xấu hổ.

Tôi không dám mơ chấm dứt hẳn những hành vi như vậy. Để giảm dần những kiểu hành xử xấu này, phải bắt đầu từ cơ quan quản lý ngành du lịch và các công ty lữ hành, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên. 

Phải gương mẫu đoạn tuyệt với những hành vi đó và nhắc nhở du khách cùng thực hiện, để người Việt ngày càng đáng yêu chứ không còn kỳ cục trong mắt thiên hạ.

Trong nước thì "Nhập gia tùy tục", ra nước ngoài thì "Nhập quốc tùy văn" là điều tối thiểu mà người bình thường cần biết để thực hiện.

Hai du khách Việt lên đài Mỹ vì bắt trộm trong khách sạn Hai du khách Việt lên đài Mỹ vì bắt trộm trong khách sạn

TTO - Phát hiện kẻ lạ mặt trong phòng khách sạn, hai du khách người Việt đã hô hoán và nhanh chóng khống chế kẻ đột nhập trước khi cảnh sát ập tới.

NGUYỄN VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Du khách Việt