22/06/2015 08:29 GMT+7

Ứng dụng giúp thành phố an toàn hơn cho phụ nữ

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Ứng dụng Safetipin tại Ấn Độ đang giúp hàng ngàn phụ nữ cảm thấy an toàn hơn khi đi một mình trên đường phố, hoặc theo dấu những người yêu thương để đảm bảo sự an toàn cho họ.

Những người biểu tình giương cao khẩu hiệu “Save our girls” (Hãy bảo vệ những bé gái của chúng ta) - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ứng dụng tích hợp nhiều yếu tố như mật độ người, khu vực đám đông, đèn giao thông... để đảm bảo khu vực người sử dụng ứng dụng đi qua là an toàn trước tình trạng cưỡng hiếp, bạo lực gia đình và quấy rối đang phổ biến ở đất nước này.

Tổ chức từ thiện Jagori thiết kế ứng dụng an toàn di động Safetipin dựa trên bản đồ bằng cách sử dụng ưu thế của đám đông (crowd sourcing) để đánh giá độ an toàn của các khu vực bên trong Delhi dựa trên các nhân tố như ánh sáng, mật độ dân cư, giao thông và sự phân bổ giới tính.

Ngoài ra, ứng dụng này còn có công dụng như một máy định vị GPS, cho phép người dùng luôn trong chế độ theo dõi hoặc giám sát vị trí của người thân mọi lúc mọi nơi.

Safetipin

là một trong hàng ngàn dự án được triển khai tại các thành phố trên khắp thế giới như một phần của sáng kiến Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn các trường hợp bị hãm hiếp, quấy rối tình dục và lạm dụng tình dục ở các khu vực đô thị.

Tuy nhỏ nhưng nhiều thành thị, tổ chức từ thiện, công ty và các nhóm cộng đồng từ New Delhi (Ấn Độ) đến Port Moresby (Papua New Guinea) và Quito (Ecuador) đang tích cực tham gia “Sáng kiến toàn cầu về thành phố an toàn” của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc.

Theo Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, cứ một trong ba phụ nữ trên thế giới phải chịu cảnh bạo lực về tình dục hoặc thể chất.

“Không gian công cộng kém an toàn sẽ giới hạn sự lựa chọn về cuộc sống của các cô gái và phụ nữ. Sự thật hằng ngày này đang hạn chế sự tự do trong việc tham gia học tập, làm việc, giải trí và trong đời sống chính trị. Tại rất nhiều thành phố, nhiều cô gái trẻ ngại ra đường một mình khi đến trường bởi họ phải chịu đựng nhiều hình thức khác nhau của sự quấy rối tình dục như rình rập, huýt sáo, đụng chạm” - phó giám đốc điều hành Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc Laxmi Puri cho biết.

New Delhi là một trong 25 thành phố tham gia dự án thành phố an toàn của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc. Một số sáng kiến được các thành phố này áp dụng đến nay là tăng cường hệ thống chiếu sáng đường phố, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, thiết lập đường dây hỗ trợ và tăng cường pháp luật về quấy rối tình dục.

Song song với những sáng kiến như ứng dụng Safetipin, Ấn Độ cũng đang áp dụng các chương trình khuyến khích nam giới và trẻ em trai suy nghĩ về thói quen tình dục lành mạnh. Đồng thời các nhà chức trách lắp đặt thêm máy quay an ninh trên xe buýt và các trạm cảnh sát, cũng như yêu cầu các công ty taxi gắn hệ thống GPS trên tất cả xe của hãng.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên