08/09/2023 16:12 GMT+7

UNESCO: Cần các quy định quản lý nghiêm việc sử dụng AI trong trường học

UNESCO kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm ngặt để quản lý việc sử dụng các công cụ Trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT trong các lớp học.

Biểu tượng OpenAI và ChatGPT - Ảnh: cnbc.com

Biểu tượng OpenAI và ChatGPT - Ảnh: cnbc.com

Ngày 7/9, Liên Hiệp Quốc kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm ngặt để quản lý việc sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT trong các lớp học, trong đó có việc hạn chế trẻ lớn sử dụng những công cụ này.

Trong hướng dẫn mới gửi tới các chính phủ, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đã cảnh báo rằng giới chức quản lý ở các nước vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để giải quết các vấn đề đạo đức liên quan việc triển khai các chương trình AI tạo sinh trong các trường học. Theo cơ quan này, việc dựa vào những chương trình này thay cho các giáo viên có thể ảnh hưởng tới sức khỏe cảm xúc của trẻ em, đẩy các em vào nguy cơ dễ bị thao túng.

Theo Audrey Azoulay, quan chức UNESCO, AI tạo sinh có thể là cơ hội lớn với sự phát triển của loài người nhưng cũng có thể gây tổn hại và định kiến. Công nghệ này không nên được đưa vào lĩnh vực giáo dục khi chưa có sự tham gia góp ý của công chúng, các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết và các quy định quản lý từ các chính phủ.

Các chương trình AI tạo sinh, có khả năng sáng tạo văn bản và hình ảnh chân thật dựa trên những dữ liệu đầu vào đơn giản, đã trở thành tâm điểm chú ý từ cuối năm 2022 khi ChatGPT tạo "cơn sốt" nhờ khả năng viết bài, sáng tác thơ và trả lời hội thoại từ những gợi ý ngắn gọn. Những năng lực này của ChatGPT cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề đạo văn, gian lận trong trường học. Dù vậy, các nhà đầu tư đã rót rất nhiều vốn cho lĩnh vực này trong khi những người muốn thúc đẩy công nghệ AI coi giáo dục là một thị trường tiềm năng.

Hướng dẫn từ UNESCO nêu rõ các công cụ AI có tiềm năng giúp đỡ những trẻ em cần hỗ trợ đặc biệt, có thể coi như một phần của phương pháp Socratic (phương pháp liên tục đặt câu hỏi để dần giúp những người khác đi đến cùng quan điểm từ góc nhìn của bạn thay vì tranh cãi) hoặc như một trợ lý nghiên cứu. Tuy nhiên, những công cụ này chỉ an toàn và hiệu quả nếu các giáo viên, học sinh và nhà nghiên cứu cùng tham gia đóng góp cho quá trình thiết kế công cụ và các chính phủ quản lý việc sử dụng các công cụ.

Hướng dẫn của UNESCO không nêu độ tuổi tối thiểu để học sinh có thể sử dụng các công cụ này nhưng chỉ ra ít nhất là phải đến khi 13 tuổi, trẻ mới có thể sử dụng ChatGPT. Hướng dẫn nêu rõ nhiều ý kiến cho rằng ngưỡng tuổi 13 vẫn chưa phù hợp và muốn các quy định sẽ đặt ngưỡng giới hạn là từ 16 tuổi.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên