03/05/2014 04:58 GMT+7

Ukraine tấn công vào Slaviansk

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Chiến dịch quân sự quy mô lớn của chính quyền Kiev đánh vào Slaviansk đã chính thức bắt đầu hôm qua (2-5) với những thương vong cho cả hai bên.

6VgXwtHu.jpgPhóng to
Trực thăng và xe bọc thép của quân đội Ukraine triển khai tại Slaviansk Ảnh: Reuters

Reuters cho biết trực thăng quân sự đã nã pháo ở ngay ngoại vi thị trấn Slaviansk, trong khi bên vũ trang thân Nga xác nhận họ bị tấn công và cũng khẳng định đã bắn hạ ít nhất một máy bay trực thăng của quân đội Ukraine. Hãng tin Nga Interfax trích lời thị trưởng tự phong của Slaviansk, ông Vyacheslav Ponomaryov, nói có ít nhất hai trực thăng bị bắn hạ và họ đã bắt giữ được một phi công. Diễn biến này là bước leo thang đột ngột mới cho tình hình ở đây.

Hết hi vọng cho thỏa thuận Geneva

Bộ trưởng nội vụ Ukraine Arsen Avakov xác nhận với BBC thông tin một phi công tử nạn và một số người bị thương. Ông cho biết quân đội đã chiếm lại được 10 điểm kiểm soát của những người vũ trang nổi dậy ở Slaviansk - hiện đang được coi là căn cứ quan trọng nhất của những người đòi ly khai. Kiev nói đã tiêu diệt và bắt giữ nhiều phần tử.

Theo các hãng tin, giao tranh chủ yếu diễn ra ở phía ngoài ngoại vi của thị trấn Slaviansk. Bộ trưởng Avakov tuyên bố: “Những kẻ khủng bố bắn trả bằng vũ khí hạng nặng chống lực lượng đặc nhiệm. Trận chiến thật sự với những kẻ đánh thuê chuyên nghiệp đang diễn ra”.

NATO mở rộng vòng vây Nga

Cùng lúc này, NATO đã mở rộng vòng vây và sức ép với Nga khi tìm cách thúc đẩy quan hệ với Gruzia, một nước thuộc Liên Xô cũ và từng chiến tranh với Nga hồi năm 2008. Nga từ lâu vẫn phản đối việc NATO tăng sự hiện diện trong khu vực thuộc ảnh hưởng của mình.

Reuters trích lời ông James Appathurai, đại diện đặc biệt của NATO tại vùng Kavkaz, nói đang tìm cách đưa Gruzia “đến gần hơn” với liên minh quân sự này. Quan hệ Gruzia - Nga đã liên tục căng thẳng kể từ sau cuộc chiến năm ngày hồi năm 2008 khi Nga đưa quân vào nước này. Cuộc chiến khi đó cũng một phần vì Gruzia tìm cách tăng cường quan hệ với EU cũng như gia nhập liên minh quân sự NATO. Dù Nga và Tbilisi đã cố thúc đẩy quan hệ sau năm 2012 khi Gruzia có chính quyền mới, đến giờ hai nước vẫn chưa phục hồi quan hệ ngoại giao.

Người phát ngôn điện Kremlin hôm qua đã ra tuyên bố chỉ trích chiến dịch quân sự của chính quyền Kiev và cho rằng hành động này đã “giết chết hi vọng cuối cùng” đối với thỏa thuận Geneva về tình hình Ukraine mà bốn bên đã ký kết. Cùng lúc, điện Kremlin cho biết đặc phái viên của Tổng thống Vladimir Putin sẽ được gửi tới khu vực đông nam của Ukraine.

Dù nhiều lần tuyên bố động binh, đây là lần đầu tiên chính quyền Kiev thật sự dùng quân đội để truy đuổi những người đang chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở các thị trấn, thành phố phía đông. Lực lượng quân đội huy động lần trước đã nhanh chóng đầu hàng hoặc bỏ về khi gặp quân ly khai.

Nhập ngũ bắt buộc

Các tay súng thân Nga đòi ly khai giờ đã chiếm hàng loạt tòa nhà chính phủ tại miền đông Ukraine, dấy lên lo ngại về việc chính quyền Kiev không còn kiểm soát được tình hình ở đây. Cả phương Tây và Kiev đều chỉ trích Nga đã giật dây và tổ chức các nhóm ly khai này tại miền đông và điện Kremlin đến nay vẫn luôn phủ nhận.

Tình hình ở miền đông khó khăn tới mức hôm 30-4, lãnh đạo ở Kiev thừa nhận là họ “vô vọng” trong cuộc chiến chống ly khai ở miền đông khi cảnh sát ở đây hoàn toàn bị lực lượng đòi ly khai áp đảo.

Tại thành phố thủ phủ của vùng Donetsk với 4 triệu dân, những người ủng hộ ly khai đã đòi tiến hành trưng cầu ý dân về việc ly khai vào ngày 11-5, nhằm ngăn chặn cuộc bầu cử tổng thống Ukraine sẽ diễn ra sau đó hai tuần.

Chính quyền Kiev cùng lúc đã ra lệnh huy động nhập ngũ bắt buộc đối với thanh niên từ 18-25 tuổi như biện pháp đối phó với tình hình nổi loạn ở miền đông. Biện pháp được Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov công bố có hiệu lực ngay tức khắc.

Ông Turchynov đã cáo buộc lực lượng an ninh “phạm tội phản quốc” khi “không hành động” hay thậm chí là hợp tác với lực lượng ly khai. Cùng lúc ông đã ra lệnh cho toàn bộ 130.000 lính trong quân đội đặt trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu”.

Hiện chưa rõ biện pháp này có hiệu quả gì không khi quân đội Ukraine trong một thời gian dài đã không được trang bị quân trang mới do thiếu thốn tài chính. Bản thân nền kinh tế nước này đang mấp mé bờ phá sản dù mới được Quỹ Tiền tệ quốc tế phê chuẩn khoản vay hơn 17 tỉ USD.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên