18/10/2019 09:21 GMT+7

UEFA và cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc

ĐỨC KHUÊ
ĐỨC KHUÊ

TTO - Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) vẫn đang đau đầu vì nạn phân biệt chủng tộc trên các sân cỏ. Cuộc chiến của UEFA hiện bước sang một chương mới, với quy định mang tên "Tiến trình ba bước" được áp dụng gần đây.

UEFA và cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc - Ảnh 1.

HLV Gareth Southgate cùng các cầu thủ tuyển Anh than phiền với trọng tài về những tiếng la ó trong trận gặp Bulgaria - Ảnh: Getty Images

Ở tiến trình này, bước 1 gồm việc cho dừng trận đấu và yêu cầu phát loa thông báo cảnh cáo trên sân vận động. Bước 2: khi thông báo không phát huy hiệu lực, trọng tài có quyền tạm dừng trận đấu trong một khoảng thời gian nhất định và tiếp tục đưa ra cảnh cáo. Khi cả hai bước trên vẫn không có kết quả thì sẽ áp dụng bước 3: hủy trận đấu.

Lần đầu áp dụng

Tiến trình này vừa được áp dụng lần đầu tiên trong trận đấu giữa tuyển Bulgaria và tuyển Anh tại vòng loại Euro 2020 hôm 15-10. Cụ thể, chỉ trong hiệp 1, trận đấu đã hai lần bị gián đoạn do các hành vi chế nhạo, la ó từ các CĐV Bulgaria hướng đến các cầu thủ da màu của tuyển Anh gồm Tyrone Mings, Raheem Sterling và Marcus Rashford.

Lần đầu xảy ra ở phút 25, khi trọng tài chính Ivan Bebek yêu cầu dừng trận đấu sau khi tuyển Anh phàn nàn về những tiếng la ó. Đến phút 43, trận đấu phải ngưng lần thứ hai vì các hành động của CĐV Bulgaria. Lúc này, trọng tài Bebek đã đề nghị tuyển Anh bước khỏi sân trong khoảng 10 phút, nhưng HLV Gareth Southgate từ chối vì hiệp 1 không còn nhiều thời gian.

Từ đó trở đi, trận đấu không còn bị gián đoạn dù nhiều người theo dõi trên truyền hình vẫn nghe rải rác vài tiếng chửi bới hướng về các cầu thủ trong hiệp hai. Sau trận đấu, UEFA tuyên bố sẽ cho điều tra vụ việc. Hiện tại, LĐBĐ Bulgaria (BFU) bị cáo buộc để cho các CĐV có hành vi phân biệt chủng tộc, chào kiểu phát xít và ném vật thể xuống sân. 

Ngoài ra, BFU và Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) cùng phải nhận cáo buộc về việc để xảy ra gián đoạn khi hát quốc ca. FA còn bị cáo buộc đã không đem theo đủ nhân viên để đảm bảo an ninh cho đội tuyển.

Án phạt sẽ rất nặng

UEFA tỏ ra mạnh tay sau trận đấu giữa Bulgaria và Anh. Khi có kết luận chính thức, án phạt được dự đoán rất nặng. Từ vụ việc này, chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin khẳng định: "Các án phạt của UEFA cho các đội và liên đoàn về nạn phân biệt chủng tộc sẽ thuộc vào hàng nặng nhất trên thế giới".

Dù vậy, UEFA vẫn hứng chịu sự chỉ trích nặng nề, đặc biệt từ phía người Anh. Trên thực tế, UEFA đã bắt đầu chiến dịch chống phân biệt chủng tộc từ năm 2001. Nhiều năm gần đây, khẩu hiệu "No to racism" (Nói không với phân biệt chủng tộc) trở nên quen thuộc trong các trận đấu quốc tế lẫn ở Champions League, Europa League. UEFA đã bỏ rất nhiều tiền của và công sức cho cuộc chiến này, song hiệu quả theo nhiều người đánh giá là... không cao.

Theo The Guardian, Bulgaria từng nhận án phạt do để xảy ra tình trạng tương tự trong các trận gặp Kosovo và CH Czech hồi tháng 6. Việc phải cấm cửa một số khán đài sân Vasil Levski trong trận đấu với tuyển Anh là hậu quả mà BFU phải nhận. Nhưng rõ ràng điều này đã không ngăn chặn được CĐV Bulgaria.

Giới quan chức của Anh cho rằng việc đưa ra án phạt sẽ không giải quyết được gì. Thành viên Quốc hội Anh Ian Mearns cho rằng UEFA cần nâng cao nhận thức về nạn phân biệt chủng tộc hơn, sau khi nghe những phát biểu "khó lọt tai" của HLV tuyển Bulgaria Krasimir Balakov rằng ông "chẳng nghe thấy những lời lẽ phân biệt chủng tộc nào".

Dù sau đó ông Balakov đã xin lỗi, nhưng khó lòng nguôi ngoai được người Anh. "Nhiều người không có nhận thức về nạn phân biệt chủng tộc. Vì vậy, UEFA có trách nhiệm phải giáo dục các liên đoàn, CLB, cầu thủ, HLV và các CĐV" - Ian Mearns tuyên bố.

Nghi ngờ tính hiệu quả

Đây không phải lần đầu UEFA bị chỉ trích vì cách hành xử với nạn phân biệt chủng tộc. Điều này xuất phát từ việc năm 2012, họ ra án phạt vỏn vẹn 16.700 bảng Anh dành cho Porto sau khi các CĐV có lời lẽ khiếm nhã dành cho cầu thủ Balotelli (khi đó còn khoác áo Manchester City). Trong khi đó, Nicklas Bentdner của tuyển Đan Mạch lại bị phạt tới 80.000 bảng vì quảng cáo lộ liễu trong một trận đấu ở Euro 2012.

Tới thời điểm này, sự kiên quyết của UEFA là rõ ràng, vấn đề chỉ nằm ở tính hiệu quả của các giải pháp họ đưa ra, trong đó có "Tiến trình ba bước".

Thể thao Mỹ tranh cãi về chuyện phân biệt chủng tộc Thể thao Mỹ tranh cãi về chuyện phân biệt chủng tộc

TT - Nhiều nhân vật thể thao nổi tiếng của Mỹ, mới nhất là tay vợt hạng 22 thế giới John Isner đã lên tiếng chỉ trích hành động tẩy chay bài hát quốc ca của VĐV bóng bầu dục đồng hương Colin Kaepernick.

ĐỨC KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên