15/01/2022 14:32 GMT+7

Úc, Nhật Bản bảo vệ bí mật công nghệ trong trường học

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Chính phủ Nhật yêu cầu các cơ sở giáo dục cung cấp thông tin chi tiết về người nước ngoài theo học các môn khoa học và công nghệ "nhạy cảm". Úc cũng có các quy định về những thông tin người nước ngoài được tiếp cận.

Úc, Nhật Bản bảo vệ bí mật công nghệ trong trường học - Ảnh 1.

Úc, Nhật, Mỹ là các điểm đến hấp dẫn với sinh viên nước ngoài - Ảnh: REUTERS

Kiểm soát chặt

Theo báo South China Moring Post ngày 15-1, các lĩnh vực Nhật quy định là nhạy cảm gồm trí tuệ nhân tạo (AI), mật mã lượng tử và công nghệ máy bay không người lái trong ứng dụng dân sự và quân sự.

Một sinh viên Trung Quốc họ Wang cho rằng những quy định trên được hiểu là nhằm vào sinh viên Trung Quốc.

Tháng 11-2021, Úc công bố danh sách 63 "công nghệ quan trọng" cần được quảng bá và bảo vệ, siết chặt hơn nữa các thông tin mà các đối tác nước ngoài có thể tiếp cận. Các công nghệ này gồm truyền thông 5G, công nghệ lượng tử, AI, in 3D, máy bay không người lái, vắc xin...

Năm 2019, Úc ra dự thảo hướng dẫn nhằm ngăn chặn sự can thiệp của các tác nhân nước ngoài vào các trường đại học của Úc. Một số biện pháp được đề xuất bao gồm tập huấn để sinh viên nhận biết sự can thiệp của người nước ngoài và báo cáo với chính quyền.

Động thái này khiến lượng sinh viên Trung Quốc du học ở Úc giảm 7,5% kể từ năm 2019, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Alan Tudge.

Năm 2021, Nhật Bản thông báo các trường đại học phải có sự cho phép của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp trước khi dạy về các công nghệ quan trọng cho sinh viên nước ngoài đã sống ở Nhật được hơn 6 tháng.

Các hướng dẫn mới dự kiến được công bố trong năm nay sẽ đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp này bao gồm yêu cầu các trường đại học và viện nghiên cứu công khai nhiều hơn và kiểm soát chặt hơn với nhóm nghiên cứu tiềm năng để tiếp tục nhận được tài trợ.

Dự thảo hướng dẫn sẽ yêu cầu các nhà nghiên cứu báo cáo với trường đại học khi nhận được tài trợ từ các tổ chức bên ngoài. Các trường cũng sẽ chịu trách nhiệm điều tra mối quan hệ giữa sinh viên nước ngoài và chính phủ nước ngoài.

Khó thực hiện

Mặc dù các trường đại học đã thắt chặt các thủ tục, nhiều vấn đề khó khăn được đặt ra. Cụ thể, chỉ 62,5% các trường đại học ở Nhật Bản sàng lọc sinh viên trước khi tuyển, 39,4% cho biết trường có cảnh báo sinh viên nước ngoài không nên mang các công nghệ có thể sử dụng cho mục đích quân sự về nước.

Do các trường và giáo sư không thể biết hết được quan hệ mà mỗi sinh viên nước ngoài có. Để tuân thủ các quy định mới, các trường cần có người hỗ trợ chuyên nghiệp hơn về thủ tục giấy tờ.

Một số công nghệ, như viễn thám, khó rạch ròi giữa mục đích quân sự và dân sự nên khó phân loại từ đầu.

Ryo Hinata-Yamaguchi, trợ lý dự án tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến của Đại học Tokyo, cho biết những lo ngại của Nhật Bản là chính đáng vì nhiều nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến của nước này có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.

Do căng thẳng địa chính trị, có nhiều lý do chính khiến Nhật không muốn những công nghệ này rơi vào tay các quốc gia có thể sử dụng chúng chống lại lợi ích của Nhật Bản.

Satoru Nagao, một nhà nghiên cứu tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington, cho biết gần đây, cạnh tranh Mỹ - Trung leo thang đã đòi hỏi Tokyo phải kiểm tra lại điểm yếu của hệ thống của Nhật Bản, thiết lập lại quy tắc về công nghệ nhạy cảm, đặc biệt nếu Tokyo hy vọng tiếp tục hợp tác với Mỹ và các đồng minh.

Các nhà quan sát nhận định, những nỗ lực hạn chế việc giảng dạy các công nghệ nhạy cảm cho sinh viên nước ngoài có thể làm xói mòn thêm khả năng cạnh tranh của các trường đại học Nhật Bản.

Tuy nhiên, hậu quả của việc không có thêm các biện pháp bảo vệ còn lớn hơn nhiều.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc lấy cắp bí mật công nghệ động cơ máy bay Mỹ cáo buộc Trung Quốc lấy cắp bí mật công nghệ động cơ máy bay

TTO - Bộ Tư pháp Mỹ vừa công bố cáo trạng buộc tội các gián điệp Trung Quốc đã cấu kết với các đồng phạm đánh cắp thông tin về động cơ tuốc bin cánh quạt của dòng máy bay thương mại.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên