Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Didi, ông Cheng Wei, tại lễ ra mắt một sản phẩm mới ở Bắc Kinh (TrungQuốc) năm 2020 - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo được đăng trên trang web chính thức ngày 2-7, Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) yêu cầu Didi không mở rộng hoạt động trong thời gian bị điều tra. Mọi đăng ký người dùng mới trong giai đoạn này đều vô hiệu, theo CAC.
Quyết định điều tra Didi xuất phát từ lo ngại công ty này có các hoạt động làm tổn hại an ninh quốc gia Trung Quốc và lợi ích công cộng.
Didi xác nhận việc đang bị điều tra trong một thông cáo gửi đến Hãng tin Reuters ngày 2-7. "Uber Trung Quốc" khẳng định sẽ kiểm tra toàn diện các rủi ro an ninh mạng và hợp tác đầy đủ với nhà chức trách Trung Quốc.
Ngoài việc tạm ngừng cho người dùng mới đăng ký ở Trung Quốc, Didi khẳng định vẫn hoạt động bình thường các mảng khác.
Didi cung cấp nhiều loại dịch vụ ở Trung Quốc và hơn 15 địa điểm khác trên thế giới, với lượng người dùng ước tính vào khoảng nửa tỉ người.
Công ty này thu thập dữ liệu di động theo thời gian thực và sử dụng một số dữ liệu cho các công nghệ lái xe tự động và phân tích giao thông, theo Reuters. Didi khẳng định có quy trình bảo đảm các thông tin thu thập từ người dùng được bảo mật.
Ít nhất 2 nhà đầu tư khẳng định với Reuters các đại diện Didi đã không nhắc gì đến các quy định an ninh mạng có thể bị áp đặt trong buổi quảng bá trước đợt IPO ở Mỹ. Hôm 30-6, Didi đã huy động được 4,4 tỉ USD trong đợt IPO lần đầu tại sàn giao dịch New York (Mỹ).
Đây là đợt IPO lớn nhất của một công ty Trung Quốc kể từ sau đợt IPO của Alibaba năm 2014. Giá cổ phiếu Didi đã giảm hơn 10% trong đầu phiên giao dịch ngày 2-7, theo Reuters.
Ông Adam Segal, chuyên gia an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), nhận định những gì xảy ra với Didi chỉ là "một phần của chiến dịch đàn áp các tập đoàn công nghệ lớn". Didi đã không tổ chức lễ ăn mừng đợt IPO tại Mỹ, một động thái được Reuters đánh giá là bất thường.
Didi được thành lập bởi Cheng Wei vào năm 2012 và phải đối mặt với một số cuộc điều tra của cơ quan quản lý ở Trung Quốc về độ an toàn và giấy phép hoạt động của nó.
Công ty cũng đang phải đối mặt với một cuộc điều tra chống độc quyền, trong đó xem xét liệu Didi có sử dụng các hành vi chống cạnh tranh để loại bỏ các đối thủ nhỏ hơn hay không, theo Reuters.
Didi được ví von là Uber của Trung Quốc vì quy mô doanh nghiệp và cách thức hoạt động tương tự. Năm 2016, công ty này gây bất ngờ khi tuyên bố mua lại các mảng hoạt động của đối thủ Uber tại Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận