11/12/2018 12:30 GMT+7

Uber phải trả lương tối thiểu cho tài xế ở New York

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - New York là thành phố đầu tiên của Mỹ bắt các hãng taxi công nghệ trả mức lương tối thiểu cho tài xế để họ bảo đảm cuộc sống.

Uber phải trả lương tối thiểu cho tài xế ở New York - Ảnh 1.

Tài xế xe Uber trong lần biểu tình đòi quyền lợi trước trụ sở công ty này ở New York (Mỹ) - Ảnh: AFP

Bắt đầu từ tháng 1-2019, các hãng taxi công nghệ hoạt động trên địa bàn thành phố New York (Mỹ), trong đó có Uber, sẽ phải trả lương cho tài xế tối thiểu 17,22 USD/giờ (khoảng 400.000 đồng) sau khi trừ chi phí, tức là tăng thêm 5 USD so với thu nhập trung bình hiện tại.

Theo nghiệp đoàn tài xế độc lập đại diện cho 70.000 tài xế ở New York, lương tối thiểu được tính trên mỗi chuyến xe (không gồm thời gian nghỉ), và một tài xế chạy toàn thời gian có thể có thêm 9.600 USD/năm.

Trị lách luật

Như vậy, quyết định trên khép lại cuộc chiến pháp lý căng thẳng dài 2 năm của chính quyền New York nhằm bảo vệ quyền lợi cho giới tài xế và tiến tới siết chặt quản lý dịch vụ taxi công nghệ.

Chỉ trong vài năm bùng nổ, các hãng như Uber, Lyft... đã "đóng góp" cho hệ thống giao thông quá tải của New York thêm hàng ngàn chiếc xe. Trong khi đó, do không công nhận tài xế là "nhân viên", taxi công nghệ lách được quy định về lương tối thiểu của thành phố (15 USD/giờ vào thời điểm cuối năm 2018).

Luật mới của New York chính là để vá lỗ hổng đó. Đây có thể xem là nỗ lực quyết liệt nhất của Mỹ trong việc quản lý taxi công nghệ kể từ khi gã khổng lồ Uber châm ngòi cuộc cách mạng giao thông đô thị hồi năm 2011. 

Trên thực tế, "cuộc cách mạng" đó không hẳn mang lại cho người lao động cuộc sống dễ chịu. Tại New York, sự phát triển không giới hạn của taxi công nghệ rốt cuộc tạo thêm gánh nặng cho giới tài xế, khiến họ phải chật vật cạnh tranh để trang trải cuộc sống.

Vấn đề chỉ thu hút sự chú ý gần đây khi người ta thống kê được có 6 tài xế chuyên nghiệp ở New York tự tử trong giai đoạn 2017-2018 vì kinh tế khó khăn. 

Trong bối cảnh đó, tuy cạnh tranh lẫn nhau nhưng hai nghiệp đoàn taxi thông thường và taxi công nghệ đã vận động các nhà lập pháp New York thông qua quy định về số lượng tài xế và lương tối thiểu.

"Hội đồng thành phố phải gửi đi thông điệp nêu rõ: Nếu các anh muốn hoạt động ở thành phố chúng tôi, các anh phải trả lương người lao động công bằng" - Nghiệp đoàn tài xế độc lập New York nhắn nhủ với các hãng xe ứng dụng công nghệ. 

Mức lương tối thiểu 17,22 USD/giờ được đặt ra sau khi chính quyền New York phân tích dữ liệu thu nhập của tài xế thuộc 4 hãng taxi công nghệ lớn nhất gồm Uber, Lyft, Juno và Via.

18 triệu

Là số lượt đặt taxi qua ứng dụng được ghi nhận trong tháng 5-2018 ở thành phố New York với 8,6 triệu dân (2017), nhiều hơn 6 lần so với cùng kỳ cách đây 3 năm.

Đường đã lót sẵn

Áp dụng được luật lương cơ bản, chính quyền New York có thể nói đã đánh trúng trọng tâm của mô hình taxi công nghệ, vốn tồn tại dựa vào đội quân tài xế khổng lồ, "gọi là đến vào bất cứ thời điểm nào". 

Từ đây, nhiều thành phố khác có thể làm theo cách quản lý này. Để hiểu được tầm mức quan trọng của thay đổi trên, thử hình dung: Nếu Uber công nhận mọi tài xế ở New York là "nhân viên" thay vì "đối tác độc lập", đây sẽ là công ty tư nhân lớn nhất, tại thành phố lớn nhất của nền kinh tế lớn nhất thế giới!

Các nhà lập pháp New York đã phải đấu tranh suốt từ năm 2015 đến nay (với không ít lần thất bại) để đạt đến thắng lợi này. 

Tháng 8 vừa qua, thành phố thông qua một số dự luật trao quyền cho Ủy ban taxi và limousine New York quy định mức lương tối thiểu; yêu cầu các hãng taxi công nghệ báo cáo chi tiết mỗi hành trình di chuyển, gồm thời gian, chi phí, lương tài xế và phần trăm mà công ty đang thu từ tài xế.

Ngày nay, taxi công nghệ đã bùng nổ và người ta không thể tiếp tục phớt lờ các vấn đề đi kèm với nó. 

Chỉ riêng New York, số lao động kiếm sống nhờ mô hình này đã tăng 6 lần so với cách đây 3 năm. Cụ thể, 4 công ty hàng đầu có hơn 78.000 xe đăng ký tính đến thời điểm tháng 7-2018. Uber có thể không đồng ý với chính quyền New York, nhưng họ đã hết lựa chọn.

Mâu thuẫn phát triển

Cục Thuế bang Georgia của Mỹ đang đòi Uber trả khoản nợ thuế doanh thu và tiền lãi trị giá 22,1 triệu USD trong giai đoạn 2012-2015. Hãng này mang vụ việc ra tòa nhờ phân xử với lập luận "chúng tôi không phải công ty vận tải nên không phải đóng thuế này".

Nhìn chung, các nhà lập pháp Georgia (và nhiều nơi khác) khó xử giữa 2 lựa chọn: thúc đẩy, khuyến khích công nghệ hay tạo một sân chơi cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp? Trên khắp nước Mỹ, mỗi bang có cách tiếp cận khác nhau, đa phần không đánh thuế taxi công nghệ, trong khi vài bang như Alabama, South Carolina chỉ áp mức thuế 1%.

Singapore phạt Grab và Uber 9,5 triệu USD Singapore phạt Grab và Uber 9,5 triệu USD

TTO - Ngày 24-9, Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã ra quyết định phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đôla Singapore (hơn 9,5 triệu USD) do thương vụ sáp nhập của hai công ty.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên