08/07/2011 09:53 GMT+7

Tuyệt chiêu 200 triệu đồng

NGUYỄN VỸ DU
NGUYỄN VỸ DU

TT - Hài lòng - không hài lòng. Hài lòng hay không hài lòng? Chỉ có một điệp khúc như thế lặp đi lặp lại trên 10 máy điện tử tại khu tiếp dân của UBND quận 1 (TP.HCM).

Trên mỗi máy hiện lên chân dung của người cán bộ đang tiếp nhận hồ sơ từ dân chúng.

dfB2cP6H.jpgPhóng to
Người dân góp ý qua máy điện tử tại UBND quận 1 (TP.HCM) - Ảnh: P.P.H.

Thái độ niềm nở, xởi lởi hay hách dịch quan liêu, cửa quyền của người cán bộ tiếp dân sẽ được người dân đánh giá qua hai nút bấm hài lòng hay không hài lòng trên máy. Những cán bộ này không thể xóa được các đánh giá đó vì nó đã được truyền về máy chủ do một bộ phận khác quản lý và sẽ báo cáo trực tiếp với chủ tịch UBND quận.

Dù mới đưa vào sử dụng được vài tuần lễ nhưng sáng kiến này xem ra “khá ăn khách”. Bằng chứng là theo cách góp ý bằng thư cổ điển trước kia ở khu tiếp dân của quận 1 (dưới 30 thư/ tháng) thì cách hiện đại này thu hút sự quan tâm chấm điểm bộ máy công quyền của người dân lớn hơn nhiều (380 góp ý/ tuần).

Cho đến nay sau hơn hai tuần thử nghiệm, đã có ba cán bộ tiếp dân trong số 10 người của quận 1 bị cấp trên lưu vào “danh sách chú ý”, trong số đó bà tổ trưởng tổ tiếp nhận hồ sơ nhận được nhiều ý kiến không hài lòng nhất.

Đúng như chủ trương ban đầu của chính quyền quận là sẽ thanh lọc những cán bộ nào đối xử không tốt với dân, ông chủ tịch quận liền mời bà tổ trưởng lên để đưa ra quyết định điều chuyển qua bộ phận khác. Sau khi thỏa thuận, vị nữ cán bộ này được ở lại công việc cũ với lời hứa sẽ khắc phục trong vòng một tháng. Sau thời hạn đó mà còn nhận được phân nửa điệp khúc”không hài lòng” từ người dân, công việc của bà sẽ được định đoạt.

Dùng biện pháp mạnh nhưng cách thức thực hiện nhẹ nhàng theo phương pháp hiện đại này là một tuyệt chiêu của UBND quận 1 trong việc uốn nắn bộ máy. Để trang bị số máy trên quận phải bỏ ra 200 triệu đồng. Nhưng chừng đó tiền sẽ chẳng là gì nếu nó đạt được mục tiêu là làm sáng sủa chân dung những người thiếu nụ cười bấy lâu nay của bộ phận tiếp dân ở các công sở của chính quyền quận.

Và đây quả là một sáng kiến, áp dụng đầu tiên trong cả nước. Theo kế hoạch của ông chủ tịch quận, sau khi thí điểm ở trụ sở quận, các máy điện tử này sẽ được nhân lên để đưa đến các trụ sở cấp dưới, nơi gần dân nhất, đó là công an phường và UBND phường. Nếu cán bộ phường nào không muốn bị cấp trên đánh giá xấu, không muốn bị điều chuyển hay cách chức thì tốt hơn hết làm cách nào đó để người dân chọn nút bấm hài lòng trên máy điện tử.

Sau khi biết được cách làm này của UBND quận 1, một số doanh nghiệp muốn cải thiện hình ảnh nhân viên của mình trong mắt khách hàng đã tìm đến để xin nhượng quyền. Đó là một dấu hiệu tốt cho xã hội nhưng những cái máy điện tử đó liệu có làm thay đổi cách tiếp cận với dân chúng của cơ quan công quyền tương lai hay không thì chưa thể biết được. Nó còn mới quá. Nó chỉ có thể thay đổi nếu các cấp lãnh đạo lớn nhỏ của bộ máy công quyền thật sự muốn thay đổi với quyết tâm chính trị cao.

Còn nếu như những cái máy điện tử cứ hát điệp khúc hài lòng và không hài lòng đó được sản sinh như một hình thức trang điểm tốn tiền cho trụ sở chính quyền thì sẽ rất khó để hi vọng về sự cải thiện thái độ phục vụ của cán bộ như mục đích tốt đẹp mà UBND quận 1 đã đề ra.

Nếu một chính quyền luôn biết mang lại sự hài lòng cho dân chúng trong mỗi hành vi thì đó mới thật sự là chính quyền do dân và vì dân, và khi đó mới cần cảm ơn những cái máy điện tử ở quận 1 hôm nay!

NGUYỄN VỸ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên