Hôm qua (26-7), theo quy định của Bộ GD-ĐT, tất cả các trường đại học trên cả nước phải cập nhật, điều chỉnh, công bố mức điểm sàn trên hệ thống. Điểm sàn (còn gọi là mức điểm để đảm bảo chất lượng đầu vào) là điểm thấp nhất mà thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển vào một ngành, trường nào đó.
Ngành giáo dục tiểu học cao nhất
Năm nay, ngành giáo dục tiểu học của Trường ĐH Vinh có điểm sàn cao nhất cả nước với 24,5 điểm (thang điểm 30, đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực). Tất cả các ngành còn lại của trường này có điểm sàn từ 16 - 23,5 điểm.
Mức điểm sàn 15 điểm năm nay có rất nhiều ngành, nhiều trường ở cả khối công lập và tư thục. Ở mức sàn 24 điểm, Trường ĐH Luật TP.HCM có ngành luật (tổ hợp C00), các tổ hợp còn lại của ngành này 20 điểm. Mức sàn 23,5 điểm còn có ở một số trường như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Học viện Kỹ thuật quân sự...
Đối với các ngành thuộc khối sư phạm và sức khỏe, phần lớn các trường công bố điểm sàn cùng mức do Bộ GD-ĐT quy định năm 2023 (khối ngành sức khỏe có điểm sàn 19 - 22,5; sư phạm 18 - 19 điểm). Bên cạnh đó, một số trường tốp đầu quy định điểm sàn cao hơn như tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM điểm sàn các ngành từ 19 - 23,5 điểm. PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM - cho biết: "Hai ngành y khoa và răng hàm mặt có mức điểm cao nhất (23,5), tăng 0,5 điểm so với năm ngoái và cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định năm nay 1 điểm".
Nhiều ngành nhỉnh hơn năm trước
Đáng chú ý, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Tây Nguyên có điểm sàn ngành y khoa nhỉnh hơn là 23 điểm. Trường ĐH Dược Hà Nội đưa ra mức điểm sàn từ 20 - 23 điểm (ngành dược học cao nhất). Còn ở khối ngành sư phạm, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố điểm sàn với nhiều ngành ở mức 23 điểm: sư phạm toán học, sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm ngữ văn, sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn Quốc, tâm lý học. Các ngành còn lại điểm sàn với ba mức: 19, 20 và 21.
Trong khi đó, điểm sàn một số trường tốp đầu không cao như: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM điểm sàn tại cơ sở TP.HCM là 20 điểm cho tất cả các ngành, các chương trình. Đối với các chương trình đào tạo tại Phân hiệu Vĩnh Long, điểm sàn tất cả các ngành là 16 điểm.
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết: "Trường xác định điểm sàn chung cho tất cả các ngành là 20, tăng 2 điểm so với năm ngoái. Mặc dù mức sàn của trường không quá cao so với một số trường tốp trên nhưng thí sinh lưu ý đây chỉ là mức điểm nhận hồ sơ, không phải điểm trúng tuyển".
Các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM khác như Trường ĐH CNTT điểm sàn cao nhất là 22 điểm (tất cả các ngành); Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn từ 18 - 20 điểm; Trường ĐH Quốc tế các ngành do trường cấp bằng điểm sàn 18 điểm, còn các nhóm ngành thuộc chương trình liên kết đào tạo 15 điểm.
Biến động mạnh
Nhìn toàn cảnh, điểm sàn đại học năm nay biến động đáng kể, trong đó một số trường mức điểm tăng giảm bất ngờ. Trường ĐH Ngoại thương công bố mức sàn 23,5 điểm, áp dụng tại tất cả cơ sở, ngành và tổ hợp. So với năm ngoái, trụ sở chính tại Hà Nội, cơ sở II tại TP.HCM điểm sàn không đổi nhưng cơ sở Quảng Ninh tăng 3,5 điểm.
Đáng chú ý, mùa tuyển sinh năm ngoái Trường ĐH Quy Nhơn công bố điểm sàn xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT của 50 ngành đào tạo, trong đó sáu ngành sư phạm (toán học, vật lý, hóa học, ngữ văn, lịch sử, địa lý) có mức điểm cao kỷ lục 28,5 điểm. Nhưng năm nay mức điểm sàn của trường này lại giảm mạnh từ 15 - 28,5 năm 2022 còn 15 - 20 năm 2023 (giảm cao nhất 8,5 điểm).
TS Lê Xuân Vinh - trưởng phòng đào tạo đại học Trường ĐH Quy Nhơn - cho hay sở dĩ điểm sàn lên tới 28,5 là do chỉ tiêu tuyển sinh sáu ngành sư phạm trên của trường năm ngoái rất ít nhưng năm nay chỉ tiêu của các ngành trên đã tăng nhiều hơn nên trường xác định điểm sàn thấp hơn.
Tương tự, điểm sàn của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm nay giảm mạnh ở hầu hết các ngành, được chia ra ba mức: 15, 17 và 19 điểm. Ngành sư phạm tiếng Anh, sư phạm công nghệ có điểm sàn cao nhất; 43 ngành, chương trình khác điểm sàn từ 17 điểm. Gần 50 ngành còn lấy điểm sàn từ 15. Năm 2022, mức sàn của trường thấp nhất là 17, cao nhất lên đến 26 điểm.
Ngược lại, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM công bố mức điểm sàn 17 - 22 điểm, có ngành tăng tới 7 điểm so với năm ngoái. Trong khi điểm chuẩn phần lớn các ngành của trường này năm 2022 (cả chương trình đại trà và chất lượng cao) là lấy 15 điểm; chỉ có ba ngành 19 điểm và ba ngành 17 điểm. Vừa qua, nhà trường đã công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ đợt 1, các ngành có điểm chuẩn 18 - 22; điểm chuẩn đợt 2 từ 18 - 25.
Như vậy, có thể thấy điểm sàn của trường này năm nay tăng vọt do đã dành nhiều chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm. Số chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi THPT không nhiều đã đẩy điểm sàn phương thức này tăng mạnh.
Nhóm ước mơ, nhóm thực tế và nhóm dự phòng
Theo thạc sĩ Lê Văn Hiển - phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng và nên chia làm ba nhóm: "Nhóm ước mơ" bao gồm các nguyện vọng 1-3 là các ngành, trường thí sinh mong muốn học nhất dù điểm thi THPT của mình có thể ít hơn điểm chuẩn năm ngoái. "Nhóm thực tế" với các nguyện vọng 4-6 là các ngành, trường thí sinh thấy phù hợp với năng lực của mình.
"Nhóm dự phòng" bao gồm các nguyện vọng kế tiếp là các trường, ngành có mức độ mong muốn ít hơn nhưng có mặt bằng điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước thấp hơn điểm thi của thí sinh. Đối với thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm cần cân nhắc chọn một ngành, trường trong số đó để ghi nguyện vọng sau cùng để đảm bảo chắc chắn trúng tuyển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận