22/06/2020 09:01 GMT+7

Tương lai nào cho tòa nhà Trụ sở hỏa xa?

N.ẨN - D.N.HÀ - T.DUNG
N.ẨN - D.N.HÀ - T.DUNG

TTO - Tòa nhà Trụ sở hỏa xa - vết tích còn lại về thời kỳ hỏa xa Sài Gòn - đang là mối quan tâm của nhiều người trước những thông tin về một tương lai “sẽ được bảo tồn như thế nào”.

Tương lai nào cho tòa nhà Trụ sở hỏa xa? - Ảnh 1.

Tòa nhà 136 Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM hiện là văn phòng làm việc của 4 đơn vị đường sắt - Ảnh: HOÀNG AN

Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản phúc đáp nêu nhiều lý do không thể chuyển giao tòa nhà ở số 136 đường Hàm Nghi này cho UBND TP.HCM.

TP.HCM muốn nhận lại, công ty đường sắt không muốn trả

Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị đến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rằng TP muốn tiếp nhận công trình số 136 đường Hàm Nghi để bảo tồn, kết hợp bố trí chức năng phù hợp quy hoạch. 

Tòa nhà nằm trong khu trung tâm lịch sử của TP, bên cạnh nhà ga metro ngầm Bến Thành, là điểm nhấn kiến trúc của trung tâm TP. UBND TP sẽ bảo tồn và sử dụng làm nơi lưu giữ, trưng bày các kỷ vật của ngành đường sắt nói chung, đường sắt đô thị TP nói riêng.

Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết tòa nhà đang là văn phòng làm việc của các đơn vị trực thuộc. Nếu chuyển giao cho TP.HCM sẽ gây khó khăn về trụ sở làm việc cho các đơn vị, ảnh hưởng tới công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và quản lý, khai thác, kinh doanh, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, đồng thời phá vỡ kế hoạch đầu tư phát triển của tổng công ty.

Có thể làm bảo tàng ngành đường sắt

Tòa nhà Trụ sở hỏa xa tọa lạc trước chợ Bến Thành, một mặt nhìn ra vòng xoay Quách Thị Trang, một mặt là mặt tiền đường Hàm Nghi. Trước đây là tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương, khánh thành vào năm 1914 cùng thời điểm với chợ Bến Thành. Đây được xem là vết tích duy nhất còn lại về thời kỳ hỏa xa Sài Gòn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, 72 tuổi, ở phường Nguyễn Thái Bình, cho biết gia đình ông ở đây từ trước năm 1975 nên đi qua lại tòa nhà này hằng ngày, từ thời trụ sở Bộ Giao thông vận tải của chính quyền cũ ở lầu trên, Trụ sở hỏa xa ở tầng trệt. Trong mắt ông và những người dân sống lâu năm ở đây, tòa nhà như một chứng nhân lịch sử của khu vực này. 

Ngoài chợ Bến Thành, tòa nhà Trụ sở hỏa xa là hồn cốt của khu vực bùng binh Quách Thị Trang. Kiến trúc tòa nhà tuy đơn giản nhưng sang trọng, hài hòa với khu bùng binh, quảng trường và với chợ Bến Thành gần đó. 

"Không biết khi nào có dịp vô tham quan thử bên trong có gì. Tôi lớn tuổi rồi, không biết còn cơ hội đó hay không!" - ông Thanh bày tỏ.

Mong mỏi của ông Thanh cũng là điều giới chuyên môn quan tâm. KTS Cao Thành Nghiệp cho rằng tòa nhà 136 Hàm Nghi nên được sử dụng làm văn phòng kết hợp du lịch. Theo ông, nên giao lại cho TP.HCM làm bảo tàng ngành đường sắt, kết hợp mở cửa cho người dân và du khách tham quan. 

"Tuyệt đối không được xây cao ốc ở khu vực này, vì hạ tầng xung quanh không đáp ứng, và sẽ làm mất cân đối không gian khu lõi trung tâm lịch sử của TP" - KTS Cao Thành Nghiệp nhấn mạnh.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng đồng quan điểm khu đất tòa nhà Trụ sở hỏa xa tọa lạc không được xây dựng cao ốc. Còn nếu Tổng công ty Đường sắt chuyển sang làm bảo tàng đường sắt cũng phù hợp. 

Theo KTS Nam Sơn, việc sử dụng một trụ sở có giá trị như di tích sẽ không hiệu quả lắm về mặt kinh doanh. Nên chăng UBND TP.HCM thương lượng để hoán đổi cho Tổng công ty Đường sắt một vị trí khác có quy hoạch phù hợp với chức năng kinh doanh của tổng công ty (điều này cũng được Tổng công ty Đường sắt "gợi ý" trong văn bản trả lời - PV).

Sẽ bảo tồn như di tích đã xếp hạng?

Một cán bộ Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cho biết tòa nhà 136 Hàm Nghi thuộc diện phải được giữ nguyên, được quản lý như di tích đã xếp hạng. "Việc sửa chữa, cải tạo cũng phải được cơ quan quản lý về di tích cho phép chứ đừng nói đến việc đập đi xây dựng mới. Chắc chắn không cơ quan và người dân nào muốn phá bỏ một tòa nhà có nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc với TP.HCM như vậy, càng không có chuyện "cắm" ở đây một tòa nhà cao tầng" - vị cán bộ này khẳng định.

Theo một lãnh đạo UBND TP, tòa nhà đang được bảo vệ như di tích đã xếp hạng. "Nếu được tiếp nhận, UBND TP sẽ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích theo quy định".

TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - đồng tình phương án bảo tồn vì tòa nhà là một chứng nhân đánh dấu sự phát triển đô thị TP.HCM, nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử - văn hóa của ngành đường sắt Việt Nam. Do đó, bất cứ đơn vị nào khai thác tòa nhà đều phải ưu tiên việc bảo tồn những giá trị đã tồn tại trăm năm.

Đề xuất làm Trung tâm điều khiển tích hợp

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận phương án bảo tồn công trình Trụ sở hỏa xa theo hướng bố trí làm Trung tâm điều khiển tích hợp.

Cụ thể, Ban quản lý đường sắt đô thị TP sẽ sử dụng phần tòa nhà 2 lầu mái ngói màu đỏ được xây dựng theo kiến trúc Pháp - chiếm khoảng 1/3 diện tích mặt bằng cần được bảo tồn - làm nhà ga trung tâm kết nối với không gian ngầm khu vực Bến Thành, đầu mối phục vụ hành khách sử dụng các loại hình giao thông công cộng.

Đây cũng là nơi trưng bày những hiện vật của ngành đường sắt, là điểm tham quan của khách du lịch đến TP. Phần còn lại của trụ sở - hiện là nhà một lầu mái tôn - có thể sử dụng làm Trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị.

TS Võ Kim Cương nhận định việc Ban quản lý đường sắt đô thị TP tiếp nhận và sử dụng làm Trung tâm điều khiển tích hợp cũng là phương án khai thác phù hợp. Tuy nhiên để đảm bảo vừa khai thác vừa gìn giữ, đơn vị này cần có kế hoạch khai thác chi tiết, hợp lý để TP đánh giá chính xác hơn.

THU DUNG

Từng có ý định biến Trụ sở hỏa xa thành cao ốc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Anh Minh - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết khu đất 136 Hàm Nghi đang được thực hiện theo sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho giữ khu đất lại để sử dụng, phát triển.

"Trước đây UBND TP.HCM cũng thống nhất với Bộ Tài chính tiếp tục để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sử dụng nguyên trạng. Cái này là nguồn lực của doanh nghiệp nên cần phải thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nếu lấy lại nguồn lực của doanh nghiệp thì khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động. Hơn nữa đó là trụ sở của 4 đơn vị đang làm việc".

Cũng theo ông Minh, vị trí đất đó tổng công ty muốn làm trụ sở của đường sắt và kết hợp với các nhà đầu tư để xây dựng, khai thác theo quy định của pháp luật. "Nguồn lực của doanh nghiệp mà lấy hết thì khó khăn cho doanh nghiệp" - ông Minh nói.

Tuy nhiên, theo tài liệu Tuổi Trẻ có được, năm 2007 ngành đường sắt đã có ý định biến di tích Trụ sở hỏa xa thành cao ốc văn phòng. Tiếp đó vào năm 2012, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành nghị quyết phiên họp thường kỳ, có nội dung về việc thực hiện dự án 136 Hàm Nghi...

TUẤN PHÙNG

TP.HCM muốn tiếp nhận bảo tồn trụ sở Hỏa xa số 136 Hàm Nghi TP.HCM muốn tiếp nhận bảo tồn trụ sở Hỏa xa số 136 Hàm Nghi

TTO - UBND TP vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được tiếp nhận công trình trụ sở Hỏa xa để bảo tồn, kết hợp bố trí chức năng phù hợp quy hoạch, lưu giữ và phát huy những giá trị lịch sử.

N.ẨN - D.N.HÀ - T.DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên