13/12/2019 07:42 GMT+7

Dinh Thượng Thơ còn đây, sắp tới ra sao?

LAM ĐIỀN - THIÊN ĐIỂU ghi
LAM ĐIỀN - THIÊN ĐIỂU ghi

TTO - "Trên Thượng thơ bán giấy - Dưới Thủ Ngữ treo cờ...". Ca dao Sài Gòn xưa còn đó, dinh Thượng Thơ cũng còn đây. Dư luận chung vừa đồng loạt hoan nghênh quyết định của TP.HCM trong việc giữ lại dinh Thượng Thơ.

Dinh Thượng Thơ còn đây, sắp tới ra sao? - Ảnh 1.

Khu nhà và dãy hành lang dinh Thượng Thơ, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Cộng đồng yêu di sản và trân quý ký ức TP vừa đồng loạt hoan nghênh quyết định đúng đắn của TP.HCM trong việc giữ lại dinh Thượng Thơ.

Vấn đề đặt ra lúc này là: tôn tạo và sử dụng dinh Thượng Thơ trong tương lai gần như thế nào?

Tôi hi vọng từ trường hợp quyết định bảo tồn của chính quyền TP gần đây với nhà thờ Thủ Thiêm, dinh Thượng Thơ, TP sẽ có chiến lược bảo vệ di sản, các công trình cũ một cách tổng thể, có hệ thống.

KTS Hoàng Đạo Kính

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các kiến trúc sư, nhà đô thị học.

* PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (nhà đô thị học):

Cần tìm cách thu hút công chúng đến với công trình "sống"


Dinh Thượng Thơ còn đây, sắp tới ra sao? - Ảnh 3.

Thời Pháp, khu trung tâm Sài Gòn được chia thành 80 ô phố gọn ghẽ hình bàn cờ. Hiện nay 79 ô đã biến dạng hết rồi, ô cuối cùng vẫn còn nguyên dạng chính là ô phố có dinh Thượng Thơ, tòa nhà trụ sở UBND TP... giới hạn giữa các đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Pasteur.

Bây giờ giữ lại dinh Thượng Thơ như thế nào thì cần phải tính: Phải làm sao để nó có hơi thở cuộc sống, chứ nếu không lại thành một cái nhà hoang phế. Hiện nay theo thông tin ban đầu, TP sẽ sử dụng nơi đây làm nhà truyền thống, nhưng chưa rõ đề án cụ thể. Nếu làm không khéo sẽ thành vụn vặt. Nhà truyền thống nói cho cùng là một dạng của bảo tàng, nếu mình làm nó vụn vặt quá thì không nên.

Có thể tìm ra một cách để hút công chúng đến với chỗ đó. Đừng biến chỗ đó thành nơi bày ra bấy nhiêu đồ đạc, hiện vật nằm yên qua năm tháng. Mà nên thay đổi liên tục, một dạng bảo tàng mini theo chuyên đề, ví dụ thời gian này mình trưng bày các hiện vật về làng nghề xưa, thời gian sau trưng bày trang phục người Việt Nam Bộ thời kỳ đầu, hay nông cụ và đồ gia dụng của Sài Gòn thời kỳ đầu... Kèm theo đó là một quán cà phê đẹp và gọn vừa phải. Như thế nó mới sống được.

* Ông Trần Hữu Phúc Tiến (tác giả sách Sài Gòn - hai đầu thế kỷ):

Nên làm bảo tàng hành chính

Dinh Thượng Thơ còn đây, sắp tới ra sao? - Ảnh 4.

Theo tôi, cần đặt dinh Thượng Thơ trong tổng thể quy hoạch khu di sản hành chính trung tâm TP. Đây là một trong "bộ tứ" dinh thự hay có thể nói là một phần của tứ giác di sản bao gồm dinh Thượng Thơ, dinh Xã Tây (trụ sở UBND TP), dinh Gia Long (Bảo tàng TP) và dinh Pháp Lý (tòa án) cùng các con đường xung quanh, trong đó có hai đoạn chính là Lý Tự Trọng và Lê Thánh Tôn.

Chúng ta giữ được tứ giác này như một khu phố di sản đặc biệt là giữ được kho báu văn hóa - kinh tế và quan trọng là du lịch. Dinh Thượng Thơ với vị trí ngay sau dinh Xã Tây, có thể giữ một phần làm bảo tàng hành chính, trong đó có góc lưu niệm Gia Định Báo - tờ báo Việt ngữ thủy tổ.

Mặt khác, có thể đưa Sở Quy hoạch và kiến trúc về đây, hoặc Sở Văn hóa để bộ máy gìn giữ và phát huy di sản có thêm sự gần gũi, ngay tại chỗ với công việc này. Tại Singapore, Bộ Văn hóa và Cục Di sản đều đóng đô trong một tòa nhà cổ.

* KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Xem xét bỏ tường rào bao quanh tòa nhà

Dinh Thượng Thơ còn đây, sắp tới ra sao? - Ảnh 5.

Tôi chưa rõ phương án kiến trúc mới cụ thể ra sao nhưng với việc xây công trình mới trùm lên công trình cũ thì phải đảm bảo có một không gian chuyển tiếp giữa hai công trình, mà lý tưởng nhất là một không gian xanh ở giữa để chuyển tiếp. Nếu đã quyết định bảo tồn công trình cũ, nên dành cho nó không gian khá trang trọng chứ không phải ép nó vào một góc gò bó, biến nó thành một công trình phụ của UBND TP.

Ngoài ra, phương án kiến trúc mới có thể xem xét bỏ tường rào bao quanh nhà để công trình có sự tiếp cận thân thiện với người dân. Việc bảo vệ an ninh cho UBND TP nên được làm một cách thân thiện, đừng là tường rào kiên cố cách ngăn. Có thể học phương án bảo vệ an ninh thân thiện của tòa thị chính TP Toronto (Canada).

Tôi cũng xin góp ý về công năng mới của dinh Thượng Thơ, nên đưa thêm chức năng cho tòa nhà như chức năng triển lãm. Tòa nhà có thể tổ chức các triển lãm giới thiệu về sự phát triển của TP trên lĩnh vực quản lý đô thị...

* KTS Hoàng Đạo Kính:

Lồng ghép thêm các công năng khác cho công trình

Dinh Thượng Thơ còn đây, sắp tới ra sao? - Ảnh 6.

Việc bảo tồn dinh Thượng Thơ tưởng là rất khó nhưng cuối cùng đã có kết quả tích cực, nên tôi mong rằng sẽ có thêm những quyết định sáng suốt như vậy với các công trình cổ khác trong TP. Sài Gòn ngày càng hiện đại nên việc kéo níu lại những công trình cổ còn lại là rất cần thiết để tăng tính đặc sắc cho diện mạo của TP.

Về phương án kiến trúc với công trình UBND TP.HCM mới, tôi cho rằng phương án làm công trình mới phủ lên trên công trình cũ là rất táo bạo nhưng rất khó thực hiện để đảm bảo sự hài hòa giữa công trình cũ và công trình mới.

Ngoài ra, với phương án sử dụng dinh Thượng Thơ là nhà truyền thống của UBND TP, tôi hơi băn khoăn bởi cả một công trình lớn như vậy, hiện được sử dụng làm trụ sở của hai cơ quan mà tương lai chỉ dùng làm nhà truyền thống của UBND TP liệu có lãng phí? Bởi UBND TP là một cơ quan hành chính thì có bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn để kể trong nhà truyền thống đó và những câu chuyện hành chính đó có sức thu hút tới đâu với công chúng, tác dụng của trưng bày đó ra sao? Vì vậy, TP.HCM có thể lồng ghép thêm các công năng khác cho công trình này để nó tiếp tục phát huy giá trị trong cuộc sống.

TP.HCM phản ứng nhanh

Ông Martin Rama - giám đốc dự án của Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, người từng lên tiếng trên Tuổi Trẻ về việc cần bảo vệ dinh Thượng Thơ nói riêng và bảo vệ di sản kiến trúc đô thị nói chung - cho biết ông rất vui mừng trước các quyết định bảo tồn của UBND TP.HCM mới đây.

Ông cho rằng TP.HCM hiện đang có sự phản ứng rất nhanh đối với những mối quan tâm tới di sản trong cộng đồng so với Hà Nội.

Bảo tồn Dinh Thượng Thơ làm tòa nhà truyền thống UBND TP.HCM Bảo tồn Dinh Thượng Thơ làm tòa nhà truyền thống UBND TP.HCM

TTO - Tòa nhà số 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1 (Dinh Thượng Thơ) sẽ là nhà truyền thống UBND TP.HCM khi triển khai nâng cấp, mở rộng trụ sở HĐND và UBND TP

LAM ĐIỀN - THIÊN ĐIỂU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên