Xe
11/10/2017 07:33 GMT+7

Tương lai của giao thông: bài học quý từ Hà Lan

DUY TRÂN  (Theo The Next Web)
DUY TRÂN (Theo The Next Web)

TTO - Vấn đề giao thông thường là điều mà các chuyên gia đau đầu khi nghĩ đến khi dân số gia tăng và các đô thị quá tải. Nhưng người Hà Lan đang có những cách làm độc đáo để giải quyết vấn đề này.

Tương lai của giao thông: bài học quý từ Hà Lan - Ảnh 1.

Có một thực tế là tuổi thọ con người đang gia tăng, và việc cắt giảm khí thải carbon là một trong những yêu cầu cấp bách. Công nghệ chắc chắn sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc giải quyết vấn đề đó, nhưng điều thú vị là những người đang giải quyết vấn đề đó không ở tại Thung lũng Silicon (Mỹ) mà là ở Hà Lan.

Mọi người đều biết Hà Lan có tỷ lệ sử dụng xe đạp cao nhất thế giới, nhưng ít ai biết rằng họ có lịch sử lâu dài trong việc phát triển xe tự lái (từ năm 1995) hay các công ty sản xuất xe buýt điện của nước này đang ăn nên làm ra nhờ chính sách của chính phủ Hà Lan yêu cầu các phương tiện giao thông công cộng ở nước này không được phát thải CO2 từ năm 2025.

Tương lai của giao thông: bài học quý từ Hà Lan - Ảnh 2.

Những chiếc xe buýt điện tại Hà Lan. Chính phủ nước này có quy định đến năm 2025, các phương tiện giao thông công cộng không được phát thải CO2. Ảnh: The Next Web

Có vẻ như mọi người dân hay công ty ở Hà Lan đều có cùng suy nghĩ làm thế nào để phát triển bền vững. Trong lĩnh vực giao thông, những công ty Hà Lan đang phát triển những chiếc xe tự lái, bởi khi xe hơi trở nên thông minh và tự động hơn, những tiến bộ về truyền dữ liệu giữa những chiếc xe với nhau (hay giữa xe với các thiết bị trên đường) cũng đi kèm, từ đó giải quyết được hàng núi vấn đề hiện nay về sự an toàn.

Người Hà Lan tin rằng bằng cách phát triển Hệ thống Giao thông Thông minh (ITS) và tập trung vào cơ sở hạ tầng chứ không phải là chỉ riêng về phương tiện, họ sẽ cải thiện đáng kể lưu lượng giao thông cũng như các vấn đề khác như an toàn, hiệu quả, tác động môi trường, tăng khả năng cạnh tranh về việc làm và tăng tưởng kinh tế.

Tương lai của giao thông: bài học quý từ Hà Lan - Ảnh 3.

Những chiếc xe đầu kéo được thử nghiệm với công nghệ tự lái cho phép chúng di chuyển trên mỗi đoạn đường cụ thể, giúp tăng sự an toàn và giảm tiêu hao nhiên liệu. Ảnh: The Next Web

Và khi bắt đầu xem xét từ khía cạnh cơ sở hạ tầng một cách toàn diện, một số giải pháp bằng đầu xuất hiện. Lấy ví dụ về những chiếc xe tải chở hàng cồng kềnh (HGV). Với công nghệ tự lái, những chiếc xe tải này có thể được lập trình để di chuyển trên một con đường ngắn với tốc độ ổn định, và điều này sẽ giảm các yếu tố như sức gió và giảm đáng kể mức tiêu hao nhiên liệu, đồng thời cải thiện độ an toàn.

"Tôi hi vọng rằng con cái chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà con người sẽ không phải lái xe. 1,2 triệu người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm, 95% trong số đó là do lỗi của con người", giáo sư Maarten Steinbuch tại Đại học TU Eindhoven cho biết.

Cơ quan nghiên cứu Phương tiện Tự lái (RADD) – một tổ chức hợp tác giữa chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Lan đã tiến hành nhiều nghiên cứu và ứng dụng về lĩnh vực xe tự lái. WEpod là một trong những dự án đầu tiên về xe tự lái ở Hà Lan, được đưa vào hoạt động hồi đầu năm 2016. 

Giai đoạn kế tiếp của dự án sẽ là di chuyển xuyên biên giới sang Đức, theo lời chủ nhiệm dự án Jan Willem van der Wiel.

Tương lai của giao thông: bài học quý từ Hà Lan - Ảnh 4.

Một chiếc xe tự lái của dự án WEpod. Ảnh: The Next Web

Một lợi thế chiến lược quan trọng của Hà Lan là đất nước này đủ nhỏ để tiến hành các nâng cấp toàn diện về cơ sở hạ tầng của cả đất nước, chứ không như các nước như Mỹ với một lãnh thổ rộng lớn và quy định khác nhau của mỗi bang.

Lãnh thổ nhỏ, cộng với việc cơ sở hạ tầng của Hà Lan thuộc hàng tốt nhất châu Âu (phủ sóng 4G cả nước) khiến nước này trở thành nơi lý tưởng để thử nghiệm các công nghệ về giao thông đầy tham vọng. Nhiều chuyên gia đã ví Hà Lan như "một phòng thí nghiệm khổng lồ được kiểm soát", cho phép họ thu được các dữ liệu thực tế đáng tin cậy.

Theo ông Edwin Nas từ Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan, phương pháp "học bằng cách làm" của người Hà Lan cho phép họ liên tục thử nghiệm, lặp lại và điều chỉnh các hệ thống sao cho chúng càng ngày càng hoàn thiện.

Các nghiên cứu ở Hà Lan được thực hiện dựa trên một tầm nhìn chiến lược dài hơi, với sự tham gia của nhiều trung tâm nghiên cứu độc lập và tập đoàn lớn. Rất nhiều chuyên gia hàng đầu cùng những sinh viên xuất sắc đều tham gia vào các hoạt động nghiên cứu.

Ví dụ, dự án Fuze của Đại học Zuyd nghiên cứu phương pháp sản xuất một chiếc xe đua mini từ máy in 3D nhằm chứng minh khả năng sản xuất những chiếc xe hơi nhẹ và bền hơn mà không ảnh hưởng đến tính năng an toàn, trong khi nhóm Delft Hyperloop đã giành giải thưởng của CEO Tesla Elon Musk với giải pháp về hệ thống tàu siêu tốc, cho phép hành khách di chuyển từ London đến Edinburgh chỉ trong 30 phút.

Tương lai của giao thông: bài học quý từ Hà Lan - Ảnh 5.

Chiếc xe đua mini được sản xuất từ công nghệ in 3D từ dự án Fuze của Đại học Zuyd. Ảnh: The Next Web

Tình bền vững cũng là một phần của những nghiên cứu đó. Nhiều công ty khác nhau đang cùng làm việc để giảm sự phát thải khí CO2. Công ty Solliance đang phát triển viên pin mặt trời thế hệ tiếp theo trong khi Eurocarbon đang nghiên cứu một loại vật liệu composite mới từ sợi như thủy tinh, aramid carbon và thermoplastics với đặc tính nhẹ hơn 50% so với thép, và tiết kiệm tới 40% năng lượng tiêu thụ, nhưng tương đương về sự rắn chắc và an toàn.

Nhiều tổ chức nghiên cứu và học thuật để giải quyết các vấn đề giao thông khác nhau cũng được lập ra dưới sự bảo trợ của các tổ chức tầm quốc gia và địa phương. Đơn cử, Connekt là một mạng lưới độc lập thu hút các thành viên từ khu vực tư nhân, giới học thuật, nhóm lợi ích công cộng và chính phủ để thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh và bền vững, trong khi Dự án Amsterdam Smart City kết nối cộng đồng để chia sẻ kiến thức chuyên môn nhằm biến thủ đô của Hà Lan trở thành một thành phố thông minh thực sự.

Và ở Amsterdam, một số thí nghiệm thú vị để tích hợp các giải pháp khác nhau vào một hệ thống toàn diện đang được triển khai. Ý tưởng "Dịch vụ Giao thông" sử dụng một nền tảng phần mềm thống nhất để quản lý các nhu cầu giao thông của cá nhân và tập thể với ít lãng phí nguồn lực nhất.

Các công ty như Next Urban Mobility trong khi đó muốn tạo ra các trung tâm tích hợp việc sử dụng xe hơn, xe đạp, phương tiện giao thông công cộng và dịch vụ giao hàng theo một cách thông minh hơn. Tham vọng của họ là trở thành một "Netflix trong lĩnh vực giao thông" nhằm cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu khi người dùng muốn.

Mặc dù tất cả những sự thay đổi trên đều đang diễn ra ở Hà Lan, nhưng chúng khiến chúng ta tin vào một viễn cảnh sáng màu của giao thông ở Việt Nam trong tương lai, nếu chúng ta thực sự có một tầm nhìn đúng đắn và quyết tâm thay đổi.

DUY TRÂN (Theo The Next Web)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên