02/09/2024 11:29 GMT+7

Tuổi Trẻ chung, tình yêu riêng

49 năm trên hành trình phụng sự, Tuổi Trẻ gieo vào lòng bạn đọc những hạt giống gắn bó. Với mỗi người, hạt giống đó lại nảy mầm thành những tình yêu riêng, khác biệt, không hòa lẫn.

Tuổi Trẻ chung, tình yêu riêng - Ảnh 1.

Tuổi Trẻ của nhiều thế hệ

Cuối tháng 6, chúng tôi có dịp ghé thăm nhà cụ Huỳnh Bá Tấn (quận 10, TP.HCM). Cụ Tấn ra đón chúng tôi, tiện tay mở hòm thư trước cổng nhà lấy tờ Tuổi Trẻ, cười nói: "Ngày nào cũng có báo mới các cô ạ".

Mong báo Tuổi Trẻ tăng cường những bài xã luận bình luận với những đề tài gần gũi, phù hợp tâm lý của các bạn thanh thiếu niên, khơi gợi sự thích thú đọc báo của bạn trẻ... từ đó mà các bạn sẽ có kiến thức và nhận thức đúng đắn.

Cụ HUỲNH BÁ TẤN (90 tuổi, quận 10, TP.HCM)

Cụ Tấn đã hơn 90 tuổi, thâm niên 49 năm đọc báo Tuổi Trẻ, đúng bằng số tuổi tờ báo.

"Tôi đọc báo Tuổi Trẻ từ năm 1975, ngày tôi còn trẻ...".

Cụ Tấn kể mình thường đọc báo vào buổi sáng sớm, phấn khởi lắm khi được đọc những trang báo cập nhật bước tiến, chính sách mới của TP.HCM hoặc nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng cũng có những bài viết khiến nặng lòng, day dứt.

"Hôm rồi tôi đọc bài báo viết về ba cháu nhỏ sống trong chuồng heo, xót xa không ngủ được. Khó chịu quá, tôi gọi điện thoại cho tòa soạn báo hỏi thăm tình hình các cháu", cụ chỉ yên lòng khi được biết sau bài đăng báo, các cháu đã nhận được sự quan tâm, được giúp đỡ, được chuyển sang nơi ở sạch sẽ, khang trang.

"Đọc Tuổi Trẻ gãy gọn thông tin nhưng vẫn đầy đủ, lại thêm nhiều bài tình cảm sâu sắc. Rất dễ thương", đó là lời chia sẻ chân thành của cụ Cao Đức Thuận (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM).

Tròn 100 tuổi nhưng mắt cụ Thuận vẫn rất tinh, chữ trên báo cụ vẫn đọc phà phà.

Cụ thường đọc những bài chính luận để nắm bắt cuộc sống xung quanh và cập nhật thời cuộc, rất thích thú tìm hiểu cuộc sống và lý tưởng của các bạn trẻ: "Từ xưa giờ tôi luôn đọc từ đầu tới cuối tờ báo, chắc chả có ông già nào mua nhiều báo đọc như tôi đâu".

Nhiều người trẻ cũng cùng một niềm đam mê với báo in, điển hình là anh Phan Thành Tâm (29 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM). Ở lứa tuổi U30 nhưng anh Tâm đã đọc Tuổi Trẻ gần 20 năm.

Anh chia sẻ: "Mình đọc báo Tuổi Trẻ từ những năm 2004, hồi học tiểu học, mới đọc thông viết thạo. Ba làm ở ủy ban, mỗi người được đăng ký một tờ báo và ba chọn Tuổi Trẻ. Mỗi buổi chiều mình và mẹ đều chờ ba mang báo về, món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày của gia đình mình".

Chủ đề đa dạng và thông tin đa chiều khiến anh Tâm gắn bó với Tuổi Trẻ. Lúc còn là học sinh, anh thường đọc Tuổi Trẻ Cười, thành sinh viên, đi làm thì anh đọc nhiều các vấn đề về kinh tế, xã hội, khoa học và đời sống, công nghệ...

Anh tấm tắc: Sau ngần ấy năm, Tuổi Trẻ vẫn giữ được chất riêng không trộn lẫn của mình.

Tuổi Trẻ Cười giúp tôi vui và cho tôi biết thực trạng xã hội, thấy được những mặt trái mặt phải, những cái cần sửa sai và những cái cần đổi mới. Nhìn cái sai để tìm ra sự thật, nhìn cái sai để nhận chân cái đúng.

Cụ CAO ĐỨC THUẬN (100 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM)

Những tình yêu riêng

Tuổi Trẻ chung, tình yêu riêng - Ảnh 3.

Cụ bà Nghiêm (đã mất) - Ảnh: Người thân nhân vật cung cấp

Cũng trong dịp này, chúng tôi đến thăm gia đình cụ bà Nguyễn Thị Nghiêm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - một bạn đọc thân thiết của Tuổi Trẻ hàng chục năm, vừa qua đời tuần trước, hưởng thọ 99 tuổi.

Con trai cụ Nghiêm là anh Minh Thuận (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đón chúng tôi vào nhà, thắp nén hương lên bàn thờ rồi dẫn chúng tôi ra phía sau phòng khách, chỉ vào chiếc bàn tròn bằng gỗ.

Anh kể: "Sinh thời, ông và bà cùng nhau ngồi đọc báo, trò chuyện ở cái bàn nhỏ này, thói quen vài chục năm như vậy.

Sau này ông mất, bà vẫn đọc báo vào mỗi buổi sáng từ bài đầu tiên tới bài cuối cùng và tôi thay vào chỗ của ông, bàn luận những câu chuyện trên báo với bà hằng ngày. Bây giờ bà cũng ra đi, còn tôi làm bạn với tờ Tuổi Trẻ...".

Chị Giáng Tiên, con dâu của bà, cũng không giấu được sự xúc động: "Trước khi mất, lúc nào khỏe mẹ lại bảo tôi dìu ra bàn ngồi đọc báo, lạc quan và yêu đời lắm.

Mẹ vẫn hay nói chuyện với tôi về các vấn đề thời sự, chính trị, cả khoa học nữa... Không chỉ người lớn, các cháu nhỏ trong nhà cũng ham đọc báo. Bà thường hay bàn luận với cháu gái về những mục giáo dục, hay những trang bài đạo đức lối sống".

Bài báo cuối cùng cụ Nghiêm đọc là bài về tình hình thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024. Đọc xong, bà còn vui vẻ quay sang trêu chị Tiên: "Bây giờ má đi thi cái này có được hông con?". Những ngày sau đó, bà trở mệt và ra đi.

Cũng mang một tình yêu sâu sắc dành cho Tuổi Trẻ, ông Ngô Tuệ (93 tuổi, TP Huế, Thừa Thiên Huế) tự hào cho biết: "Tôi đã đọc Tuổi Trẻ từ thời anh Lê Văn Nuôi làm tổng biên tập, tới nay đã hơn 30 năm".

Không đọc báo một mình, ông Tuệ cùng những người bạn tụ lại mỗi buổi sáng tại nhà, cùng đọc báo uống trà, bàn luận sôi nổi về các tin tức được đưa trên mặt báo. Có hôm, một ông bạn bị bệnh không tới được, buổi chiều ông lại đạp xe mang báo tới tận nhà cho bạn.

"Nhờ đọc báo mà người dân thôn quê như tôi hiểu biết nhiều hơn, mở mang tầm mắt hơn", nói vậy và ông Tuệ bày tỏ mong muốn Tuổi Trẻ sẽ đưa thêm nhiều những bản tin khoa học.

Ông tâm đắc: Báo Tuổi Trẻ qua từng ấy năm đã có nhiều thay đổi về mặt hình thức và nội dung, theo chiều hướng tích cực, trang quốc tế có nhiều bài bình luận sâu sắc và đưa tin chính xác, chi tiết chọn lọc thú vị...".

Tình yêu của độc giả dành cho Tuổi Trẻ đáng trân trọng biết nhường nào.

Tuổi Trẻ chung, tình yêu riêng - Ảnh 4.Bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỗ trợ người vợ lao vào lửa cứu chồng

Bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỗ trợ người phụ nữ ở An Giang bị bỏng 60% cơ thể do lao vào lửa cứu chồng nhưng bất thành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên