TS Trần Việt Hùng - Ảnh: NVCC
Để Got It có được ngày hôm nay, chúng tôi đã mắc rất nhiều lỗi, có những lỗi cực kỳ nghiêm trọng. Tôi không muốn thấy những nhà sáng lập khác lặp lại điều này.
TS Trần Việt Hùng
TS Việt Hùng hiện là thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo Việt Nam.
"Khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi trong hành trình khởi nghiệp là lúc sản phẩm của mình đạt được cột mốc hòa hợp với nhu cầu của thị trường (product market fit), chúng tôi vỡ òa vì lần đầu tiên "cảm" được cảm giác từ 0 tới 1. Từ rất nhiều ý tưởng và khảo sát, vô số sai lầm... tất cả đều được giải quyết và kết quả là một sản phẩm người dùng thấy hữu ích và dùng đi dùng lại. Tiếp đến là tuyển được những người tài năng mà trước đây mình không bao giờ nghĩ có thể tuyển, cuối cùng mới là gọi vốn thành công" - TS Việt Hùng nói.
* Từng chia sẻ có thời gian dài ở Thung lũng Silicon, anh luôn để sẵn 1.000USD trong balô để lỡ start-up có phá sản thì còn có tiền về nước...
- Tôi nhớ không chính xác nhưng ít nhất 3 lần "tiệm cận". Luật ở Mỹ bắt buộc công ty phải dự trữ đủ tiền trả lương cho nhân viên thì mới được kêu họ đi làm. Có những cuối tuần tôi hoang mang, phải xoay xở để làm sao có tiền đủ để trả lương cho mọi người trong tuần tới, nếu không thì chủ nhật phải báo mọi người là sáng thứ hai công ty đóng cửa, mọi người không phải đi làm nữa. May mà mọi việc cuối cùng cũng xử lý xong.
* Anh có thể chia sẻ về một trải nghiệm "đau thương" nhưng cũng rất ý nghĩa?
- Thời điểm đưa ra phiên bản đầu tiên của sản phẩm dành cho lĩnh vực giáo dục trên mobile là thất bại hay có thể gọi là trải nghiệm "đau thương" có ảnh hưởng sâu sắc nhất.
Thời điểm đó không chỉ là việc ứng dụng đưa ra không có ai dùng, chúng tôi còn đối mặt với việc nhà đầu tư không rót thêm tiền. Bất ngờ nhất, người đồng sáng lập tuyên bố rút lui.
Tôi có cảm giác cả thế giới đang chống lại mình.
Lúc đó tôi phải ngồi tự vấn xem phải làm gì trước trong mớ hỗn độn này, rồi phải ra những quyết định khó khăn. Tôi cuối cùng chọn đổ dồn toàn lực còn lại vào đập đi làm lại ứng dụng để nó được người dùng đón nhận. Sau khi vấn đề đó được giải quyết thì các thứ khác cũng tự động được giải quyết.
* Là một gương mặt dày dạn trong lĩnh vực start-up, vậy anh có cần phải học thêm gì không?
- Trong lĩnh vực công nghệ hay start-up thì việc học liên tục gần như là bắt buộc. Cách đây chưa đầy 10 năm khi tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn tại ĐH Iowa (Hoa Kỳ), những kiến thức tôi sử dụng ngày ấy khá hiện đại nhưng so với những gì mà Deep Learning (Học sâu) hiện có thể làm được thì mớ kiến thức năm nào của tôi có thể coi là vô dụng. Không chỉ nên học thêm về công nghệ mà còn cả về khía cạnh kinh doanh nữa, học thông qua đọc sách, đọc blog, tham gia hội thảo, từ cố vấn...
* Dẫu rất bận rộn, anh vẫn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, gần đây nhất là STEAM for Vietnam, các buổi đi giao lưu cùng giới trẻ trong nước?
- Cá nhân tôi từng nhận được rất nhiều trợ giúp vô vụ lợi trong suốt quá trình thành lập và phát triển Got It. Chính vì vậy tôi có quan điểm "có nhận, có cho".
Để Got It có được ngày hôm nay, chúng tôi đã mắc rất nhiều lỗi, có những lỗi cực kỳ nghiêm trọng. Tôi không muốn thấy những nhà sáng lập start-up khác lặp lại điều này.
Thực chất ở Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) thì văn hóa chia sẻ, tham gia các hoạt động tình nguyện là khá phổ biến. Có lẽ vì vậy mà họ luôn tiến lên phía trước, thu hút nhân tài ở khắp nơi đổ về.
* Anh có thể chia sẻ thêm về STEAM for Vietnam?
- Đó là một tổ chức phi lợi nhuận do tôi cùng các cựu sinh viên người Việt tại Hoa Kỳ lập nên với mong muốn mang các kiến thức giáo dục STEAM chất lượng cao cho người Việt hoàn toàn miễn phí.
Khoa học và công nghệ hiện len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Tôi tin trong tương lai việc không biết những kiến thức về khoa học công nghệ thì hệt như "mù chữ". Ngoài ra, để có khả năng cạnh tranh tốt thì các thế hệ tương lai cũng cần phải có kiến thức tổng hợp để giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống và công việc dự đoán sẽ phức tạp hơn những thứ chúng ta đang gặp hiện tại.
* Cụ thể hơn, đặc biệt trong khía cạnh start-up?
- Những kiến thức và kỹ năng tổng hợp này giống như khoa học kết hợp với nghệ thuật hay cân bằng giữa não trái và não phải. Thế nên chúng tôi tập trung vào tất cả 5 khía cạnh STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán) để có thể cung cấp các kiến thức hoàn thiện cho người học. Các thiên tài công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk... đều bắt đầu học lập trình từ 10 tuổi. STEAM for Vietnam được vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là người Việt đang làm việc, học tập trong lĩnh vực STEAM ở khắp nơi trên thế giới.
Khác với các chương trình đào tạo lập trình khác, chúng tôi tập trung vào dạy cho các bé tư duy tính toán (computational thinking) và sử dụng lập trình như một công cụ thực hành. Tư duy tính toán vô cùng quan trọng để có thể giải quyết mọi vấn đề trong thực tế một cách rất hiệu quả, những kỹ năng học được từ tư duy tính toán thì mọi người sẽ làm việc hiệu quả hơn cả chục lần ở bất kỳ ngành nghề nào nói chung, trong start-up nói riêng.
Chào đón các ý tưởng khởi nghiệp
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.
Đây cũng là hoạt động nhằm kỉ niệm 75 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam , 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.Sẽ có khoảng 15-20 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) trong khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8-2020.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.
Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như, công ty CP ĐT&TM Thái Bình, HD Bank, Golf Long Thành, IDICO...
Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup @tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận