Camera chụp được hình ảnh cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam - Ảnh chụp màn hình Nature Ecology & Evolution
"Thực tế ở Việt Nam, số lượng những loài mất tích tương tự cheo cheo lưng bạc ngày càng nhiều. Do đó, khi phát hiện lại những loài mà người ta đã lâu không thấy được, đây là một tin rất tốt. Nó mở ra niềm hi vọng cho những người làm nghiên cứu và bảo tồn thiên nhiên".
TS Lưu Hồng Trường
Nghiên cứu hợp tác giữa các nhà khoa học đến từ Viện Sinh thái học miền Nam (thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) với Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC, Mỹ) và Viện Nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz (Đức) vừa xác nhận loài cheo cheo lưng bạc vẫn còn tồn tại trong môi trường hoang dã ở Việt Nam.
Chuyên gia nhận định phát hiện mới về sự tồn tại của loài cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam sau gần 3 thập kỷ là một tin tốt, mở ra những hi vọng mới.
Sau phấn khích là nỗi lo
Ngay sau khi thông tin trên được đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution ngày 11-11, giới nghiên cứu và báo đài phương Tây cũng như Việt Nam đã bày tỏ sự phấn khích vì phát hiện này. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thấy loài cheo cheo lưng bạc xuất hiện ở Việt Nam trong gần 30 năm.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Lưu Hồng Trường - viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam - cho biết đây là một phát hiện rất quan trọng trong giới bảo tồn thiên nhiên.
"Việc những loài sinh vật mà người ta không còn thấy nữa bất ngờ xuất hiện trở lại chứng tỏ môi trường tại những nơi đó vẫn còn tốt. Phát hiện này cũng cho thấy vẫn còn cơ hội để bảo vệ không chỉ loài cheo cheo lưng bạc, mà còn những loài khác tương tự" - TS Trường nhận định.
Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam đánh giá phát hiện này cũng mang lại những hi vọng mới rằng các bên liên quan sẽ có kế hoạch bảo vệ loài cheo cheo lưng bạc về lâu dài, tránh nguy cơ loài này bị tuyệt chủng.
TS Trường cho biết các nhà nghiên cứu chỉ mới phát hiện cheo cheo lưng bạc ở một nơi. Theo ông, hiện nay Viện Sinh thái học miền Nam cùng các đơn vị đối tác đang muốn triển khai, mở rộng nghiên cứu thêm để đánh giá về hiện trạng, xem các cá thể cheo cheo lưng bạc đang còn ở những địa điểm nào, còn nhiều hay ít, và xác định những mối đe dọa với loài này là gì để đưa ra những kế hoạch bảo vệ về lâu dài.
Thứ hai, trong lúc chờ đợi những thông tin khoa học đầy đủ, cần có những biện pháp bảo vệ loài cheo cheo lưng bạc ngay.
"Hiện nay, các đơn vị đối tác đang tích cực tìm kiếm thêm các nguồn kinh phí để hỗ trợ tiến hành các nghiên cứu rộng hơn và để có thể xúc tiến hoạt động bảo tồn. Việc mới công bố phát hiện là một bước đệm để tìm thêm các nguồn hỗ trợ. Nếu có được các nguồn lực trong nước để hỗ trợ chính, công tác bảo tồn sẽ giá trị hơn rất nhiều" - TS Lưu Hồng Trường chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu cho biết khi công bố những phát hiện về sự tồn tại của loài cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam, họ đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa nguy cơ loài này bị săn bắt cao hơn khi người ta đổ dồn sự chú ý tới chúng và việc có được sự hỗ trợ để khảo sát thêm về loài này cũng như có các biện pháp bảo vệ chúng.
Theo GWC, mối đe dọa lớn nhất với loài cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam chính là mật độ đặt bẫy cực cao vốn có khả năng khiến chúng tuyệt chủng một cách âm thầm. Do đó, để đảm bảo an toàn cho cheo cheo lưng bạc, các nhà khoa học đã không công bố vị trí chính xác phát hiện ra chúng.
Nhóm tác giả cũng kêu gọi cần có các biện pháp bảo vệ loài này nhanh chóng: "Nếu không có hành động kèm theo ngay lập tức, có nguy cơ loài cheo cheo lưng bạc một lần nữa lại mất tích".
Hành trình tìm cheo cheo lưng bạc
Cheo cheo lưng bạc hay còn gọi là cheo cheo Việt Nam hoặc hươu chuột Việt Nam (tên khoa học Tragulus versicolor) là loài thú móng guốc nhỏ nhất thế giới. Loài này có hình dáng cơ thể giống hươu, nai nhưng chiều dài chỉ đạt 50cm và cân nặng dưới 4,5kg.
Đây là loài thú móng guốc đặc hữu duy nhất của Việt Nam và nằm trong danh sách 25 loài động vật mà GWC xem là đã biến mất và cần được tìm lại nhất.
Các nhà khoa học đã có cuộc "tái khám phá" sau khi nghe dân địa phương kể lại về sự xuất hiện của loài cheo cheo có ánh bạc trên mông - tức có khả năng là loài cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor) thay vì loài cheo cheo Nam Dương (Tragulus kanchil) vốn phổ biến hơn.
"Sau khi hỏi han dân địa phương, chúng tôi đưa đội nghiên cứu tới khu vực mà dân địa phương từng thấy cheo cheo lưng bạc xuất hiện và thiết lập hệ thống camera" - Nguyễn An, nhà sinh vật học Việt Nam tham gia cuộc thám hiểm với GWC, kể lại.
Họ đã đến các khu vực rừng khô ven biển gần một thành phố biển, nơi các mẫu vật khoa học khác từng được thu thập. Vì máy ảnh đặt trong các khu rừng nhiệt đới ẩm ướt của Việt Nam chưa bao giờ ghi lại loài cheo cheo lưng bạc, nên có thể những con vật này yêu thích môi trường khô hơn.
Tại những địa điểm trên, các nhà khoa học đã đặt bẫy ảnh 2 đợt riêng trong khoảng thời gian từ tháng 11-2017 đến tháng 7-2018. Máy đã chụp những bức ảnh từ 208 lần chạm trán với những con cheo cheo lưng bạc.
Họ đã thu được tổng cộng 1.881 bức ảnh về cheo cheo lưng bạc. Vì một số cá thể có thể xuất hiện nhiều lần trước bẫy ảnh, nên các nhà khoa học chưa thể đếm được có bao nhiêu cá thể sống trong khu vực.
Dựa trên những hình ảnh và video, các nhà khoa học cho rằng loài cheo cheo lưng bạc sống đơn độc, hằng ngày tìm kiếm trái cây và các loại thực vật để ăn.
Xuất hiện hiếm hoi
Trước phát hiện này, tổng cộng có 5 cá thể cheo cheo lưng bạc đã được phát hiện trong chỉ 2 trường hợp hiếm hoi. Thứ nhất, vào năm 1910, các nhà khoa học thu được 4 mẫu vật xung quanh khu vực mà ngày nay là thành phố Nha Trang và có những mô tả về loài này. Thứ hai, vào năm 1990, tức 80 năm sau đó, một đoàn thám hiểm chung giữa Việt Nam và Nga thu được một cá thể cheo cheo lưng bạc đã chết từ tay một thợ săn ở tỉnh Gia Lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận