Hôm nay (27-5), theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đáng chú ý, tại dự luật mới nhất trình kỳ họp thứ 7 tiếp tục đưa ra hai phương án về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trong đó, phương án 1 quy định người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Còn phương án 2 quy định sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các đại biểu Quốc hội đang có ý kiến khác nhau về hai phương án này. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) chọn phương án 1 vì sẽ giúp người lao động ổn định tâm lý, được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nghiêng về phương án 2. Tuy nhiên, bà cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải quy định chặt chẽ hơn nữa.
Theo đó, chỉ cho rút một lần với người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 50% thời gian tối thiểu.
Ngoài ra, quy định chặt chẽ số tiền được rút, trong đó người lao động chỉ được rút đúng số tiền mình đóng vào. Với quy định như vậy chặt chẽ hơn và theo bà Nga, người lao động sẽ tính toán thiệt hơn để cân nhắc.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội) cho rằng cả hai phương án được đưa ra đều không phải phương án được ông ủng hộ.
Ông cho hay để có một giải pháp tổng thể trong vấn đề này cần có điểm cân bằng. Trong đó, cần đảm bảo lợi ích của người lao động, chủ sử dụng lao động, cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội và cuối cùng là Nhà nước...
Bên cạnh đó, dự luật đã bổ sung mức tham chiếu dự kiến thay cho mức lương cơ sở sẽ được bỏ từ 1-7 khi thực hiện cải cách tiền lương mới.
Theo đó, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong luật này. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội...
Ngoài ra, tại dự luật cũng chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác. Phiên thảo luận sẽ được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Quốc hội Việt Nam. Cuối phiên thảo luận cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bàn nhiều nội dung quan trọng
Trong ngày 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội chuyển sang thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ngày 29-5, các đại biểu sẽ có phiên thảo luận kéo dài một ngày về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Cùng với đó là cho ý kiến kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 cũng được Quốc hội thảo luận. Phiên họp này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận