10/08/2020 11:47 GMT+7

Tự yêu đất nước theo cách của mình

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TTO - Giữa mùa dịch covid-19, trong môn thi ngữ văn sáng qua 9-8, thí sinh toàn quốc phải phân tích một bài thơ.

Tác giả bài thơ ấy, ông Nguyễn Khoa Điềm, từng là một nhà chính trị lão luyện, đã giữ nhiều trọng trách trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Ông ấy nhấn mạnh rằng hãy để người trẻ tự nhận thức, yêu nước một cách tự nhiên, không ai làm thay họ được đâu.

Hai lời tâm sự cách nhau nửa thế kỷ. Bài thơ là tâm tình của một người trẻ sau Mậu Thân, trước mùa hè đỏ lửa, giữa chiến tranh song không lên gân lên cốt. Còn lời nhắn nhủ hãy để người trẻ tự nhận thức, tự yêu lấy đất nước theo cách của mình dường như lại là trải nghiệm của người đã từng qua bao khuôn sáo xơ cứng, như chính ông bảo là lối mòn tư duy.

Đất nước là của nhân dân thực ra là một tư tưởng cổ xưa. Chủ quyền nhân dân là cách nói phương Tây, còn lấy dân làm gốc, việc nhân nghĩa cốt ở an dân, thậm chí ý dân là ý trời... là cách nói của người phương Đông. Chỉ có điều, người cai trị, khi đã nắm trọn quyền lực đôi khi hành xử với đất nước tựa như của riêng mình. 

Bởi thế người ta bảo dưới gầm trời này thiên hạ là của vua. Chống lại các chế độ cai trị kiểu ấy, giúp thổi một làn sóng dân chủ vào các xã hội phương Đông, Tôn Trung Sơn đề cao chủ thuyết "thiên hạ vi công", tất cả quyền lực trong đất nước là của chung nhân dân. Tư tưởng ấy hiển nhiên cũng có trong tất cả các bản Hiến pháp của nước ta.

Mùa thu, chúng ta nhớ đến ngày khai sinh ra nền cộng hòa, ghi nhận quyền lực nhân dân trên đất nước ta. Song ghi nhận mới chỉ là bước khởi đầu, thực thi được nguyên tắc ấy mới thách thức, gian truân gấp bội. Quyền, tiền, thế lực, lợi ích nhóm đôi khi biến quyền lực chung thành của riêng. 

Để đất nước là của nhân dân cần tới hai vế, giáo dục lòng yêu nước là một vế, vế còn lại phải giáo dục tinh thần công dân, giúp dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát chính quyền.

Nửa thế kỷ, chiến tranh đã lùi rất xa, các thách thức đối với đất nước, chủ quyền nhân dân, các mối lo toan của người trẻ ngày nay đã rất khác. Ông Nguyễn Khoa Điềm dường như muốn cảnh báo sự xơ cứng của lối nghĩ cũ, cổ vũ niềm tin vào người trẻ, cổ vũ sự tự do khám phá, để họ yêu nước chân thành, tự nhiên, theo những cách riêng của mình.

Nếu đúng vậy, tư duy của ông thật trẻ trung. Giáo dục để người dân tự do, biết suy nghĩ bằng cái đầu của riêng mình, tự trọng với bản ngã, nhân cách của chính mình, từ đó hành xử có trách nhiệm như những công dân trưởng thành với cộng đồng và đất nước, dường như vẫn còn là điều cần phấn đấu trong các ngành giáo dục và văn hóa của chúng ta.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: 'Khi viết Đất nước tôi là thanh niên mới trưởng thành'

TTO - Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trả lời phóng viên Tuổi Trẻ Online trưa 9-8 sau khi bài thơ Đất nước của ông vào đề thi môn văn tốt nghiệp THPT 2020.

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên