Cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc của thứ trưởng Trương Quốc Cường tại Bộ Y tế sáng 4-11 - Ảnh: NAM TRẦN
Cùng lúc đó, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Trương Quốc Cường - thứ trưởng Bộ Y tế - để điều tra những sai phạm liên quan vụ án VN Pharma thời ông là cục trưởng Cục Quản lý dược.
Thuốc giả trúng thầu
Trong 10 năm qua, ngành y tế đã xảy ra một số vụ việc gây bức xúc kéo dài trong dư luận. Trong số này nổi cộm là vụ án "thuốc giả", khi Cục Quản lý dược và các cán bộ, nhân liên có liên quan đã cấp số đăng ký lưu hành nhiều tân dược giả nguồn gốc xuất xứ mang nhãn hiệu Health 2000 và Helix Canada, "để lọt" các thuốc giả này vào danh mục thuốc chữa bệnh của bệnh viện và Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả nhiều tỉ đồng.
Cụ thể, theo kết quả đấu thầu của các bệnh viện trung ương và sở y tế các tỉnh thành, riêng năm 2013 VN Pharma và các công ty liên quan đã trúng thầu nhiều tỉ đồng để cung ứng thuốc do Health 2000 sản xuất vào các bệnh viện.
Trong đó thuốc H2K Levofloxacin, số đăng ký VN 11532-10, do Health 2000 sản xuất đã trúng với số lượng 18.000 chai vào Bệnh viện Bạch Mai (trị giá lô hàng hơn 1 tỉ đồng), 10.000 chai vào Bệnh viện E (trị giá 950 triệu đồng), 1.800 chai vào Bệnh viện Lão khoa trung ương, 1.200 chai vào Bệnh viện Tai mũi họng trung ương...
Tương tự, thuốc MGP Axinex, số đăng ký VN-8497-09, cùng nhà sản xuất Health 2000, đã trúng thầu 15.000 lọ vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Thuốc H2K Ciprofloxacin Infusion 200mg/100ml do Health 2000 sản xuất, liên danh Đại Nam - VN Pharma dự thầu đã trúng thầu 18.000 túi vào Bệnh viện Trung ương Huế (giá trị lô hàng hơn 1 tỉ đồng), Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cũng chấm trúng thầu 12.000 túi thuốc này. Nhiều bệnh viện thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Nai, Tiền Giang... cũng mua các thuốc này điều trị cho người bệnh.
Điều đáng nói là sau khi các thuốc đã trúng thầu và được sử dụng tại các bệnh viện từ năm 2013 thì mãi đến ngày 13-11-2014, Cục Quản lý dược mới có công văn gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cho biết Cục Quản lý dược đang gửi văn thư cho phía Canada, xác minh thông tin liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Công ty Health 2000 Canada.
Trong thời gian chờ ý kiến chính thức từ cơ quan có thẩm quyền Canada, Cục Quản lý dược thông báo tạm ngừng nhập khẩu tất cả các thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất hoặc cung cấp vào VN. Như vậy, thời gian các thuốc giả này được lưu hành tại bệnh viện và thị trường thuốc chữa bệnh kéo dài cả năm, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và túi tiền của người bệnh.
Có "lợi ích nhóm" hay không?
Lĩnh vực trang thiết bị y tế là lĩnh vực rất nóng của ngành y tế, nhưng thời gian qua lại có nhiều lùm xùm xảy ra, đặc biệt là về cách thức quản lý giá. Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng lên, việc mua sắm máy xét nghiệm RT-PCR và các sinh phẩm phục vụ xét nghiệm tăng theo.
Nhiều địa phương không thể mua sắm đúng giá, một trong những nguyên do là Bộ Y tế không có biện pháp công khai giá trang thiết bị nhập khẩu và trúng thầu trước đó. Kết quả của việc "mua sắm tù mù" là nhiều tỉnh thành mua máy xét nghiệm RT-PCR với giá 5-8 tỉ đồng, trong khi bình thường máy xét nghiệm tương tự chỉ có giá xấp xỉ 2 tỉ.
Cuối năm 2020, Bộ Y tế mở cổng công khai giá, trong đó có giá trang thiết bị, nhưng cách làm vẫn hết sức "trời ơi" khi cho doanh nghiệp tự công bố giá mà không có cơ chế để kiểm tra, xác minh, quản lý. Có tình trạng doanh nghiệp niêm yết giá cao, các bệnh viện mua theo giá niêm yết này và tốn bộn tiền.
Chẳng hạn có loại máy thở công khai giá trên trang chính thức của Bộ Y tế hơn 900 triệu đồng nhưng trong những ngày dịch nóng bỏng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam giá bán chỉ 425 triệu đồng. Tương tự, mới đây giá nhiều loại xét nghiệm nhanh cũng công bố ở mức cao, khiến địa phương bối rối khi lựa chọn mua sắm phòng chống dịch.
Dư luận người dân lo ngại và đặt vấn đề liệu có chuyện "lợi ích nhóm" trong ngành y tế hay không khi đã có nhiều cán bộ y tế, lãnh đạo bệnh viện bị khởi tố, bị kỷ luật liên quan các vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.
Điển hình là vụ 3 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai bị khai trừ khỏi Đảng. Trong đó, nguyên giám đốc và nguyên phó giám đốc bệnh viện đang bị bắt giam do liên quan vụ nâng khống giá robot mổ nội soi đầu tư diện xã hội hóa vào bệnh viện.
Mới đây nhất, giám đốc đương nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai là ông Nguyễn Quang Tuấn (hiện đã bị đình chỉ công tác và bị khởi tố) thì liên quan đến mua sắm, đấu thầu vào Bệnh viện Tim Hà Nội, nơi ông làm giám đốc từ năm 2012 - 2020.
Có dấu hiệu "chỉ định thầu" thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19
Trong những ngày dịch COVID-19 nóng bỏng vừa qua, Cục Quản lý y dược học cổ truyền Bộ Y tế đã xây dựng văn bản và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành công văn 5944 về tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.
Điều đáng nói trong phần phụ lục văn bản có danh sách 26 sản phẩm thuộc 4 nhóm sát khuẩn, thuốc xịt họng, sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị, sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe, đều được ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất, cách dùng.
Ngay sau khi ban hành, công văn này đã bị dư luận phản ứng mạnh do có dấu hiệu "chỉ định thầu".
Bộ Y tế giải thích các sản phẩm được đưa vào danh mục này nhằm hướng dẫn các bệnh viện, sở y tế "lựa chọn, tham khảo mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận tài trợ cho cơ sở khám chữa bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 và F1 tại địa phương" (khoản b, điều 1).
Tuy nhiên, trong danh mục còn có sản phẩm gây tranh cãi mà trước đó Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã phát đi thông tin cảnh báo. Việc một đơn vị cấp cục của Bộ Y tế đưa vào danh mục với đủ tên sản phẩm trong khi dịch đang nóng có thể tạo nên nhu cầu mua, tích trữ các thuốc trong danh mục mà Bộ Y tế đã "hướng dẫn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận