19/11/2021 10:09 GMT+7

Từ vụ 57 Cao Thắng: Khi nào hợp đồng có công chứng được xem là vô hiệu?

ĐAN THUẦN - HOÀNG ĐIỆP
ĐAN THUẦN - HOÀNG ĐIỆP

TTO - Từ những vấn đề tranh cãi liên quan đến việc công chứng hợp đồng thế chấp tài sản số 57 Cao Thắng trong phiên tòa xét xử vụ hoán đổi đất vàng, nhiều người đặt câu hỏi khi nào hợp đồng có công chứng được xem là vô hiệu?

Từ vụ 57 Cao Thắng: Khi nào hợp đồng có công chứng được xem là vô hiệu? - Ảnh 1.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp khẳng định hợp đồng thế chấp tài sản công chứng không đúng pháp luật - Ảnh: NHẬT THỊNH

Tòa án nhân dân TP.HCM đang xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương) cùng ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) và các đồng phạm trong vụ án hoán đổi đất vàng.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi tại phiên tòa liên quan đến thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp tài sản số 57 Cao Thắng mà theo bà Diệp là không có giá trị về pháp lý do công chứng không đúng pháp luật.

"Lệch" thời gian và địa điểm công chứng hợp đồng thế chấp?

Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bà Diệp) cho rằng cáo trạng buộc tội bà Diệp đi công chứng thế chấp tài sản trên vào ngày 31-12-2008 nhưng phần mềm Master của Bộ Tư pháp ghi nhận hồ sơ này hoàn tất vào ngày 16-1-2009.

Theo luật sư, việc lùi ngày công chứng đã vi phạm thời hiệu công chứng theo Luật công chứng.

Về việc lệch này, Viện KSND tối cao cho rằng do hồ sơ của ngày cuối cùng của năm nhiều, chưa cập nhật kịp, nên nhiều hồ sơ khác cũng cập nhật sau.

Luật sư còn chỉ ra sự mâu thuẫn trong lời khai của những người liên quan trong việc xác định địa điểm công chứng hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng.

Cụ thể, đại diện Phòng công chứng số 1 khẳng định việc công chứng hợp đồng thế chấp tài sản số 57 Cao Thắng được thực hiện tại trụ sở Phòng công chứng số 1.

Trong khi đó, luật sư công bố bản ghi lời khai của bà Vũ Thị Tuyết Cẩm - nguyên phó phòng tín dụng Agribank chi nhánh TP.HCM - thể hiện: "Việc ký hợp đồng thế chấp tài sản diễn ra ở phòng tín dụng Agribank TP.HCM".

Ngoài ra, theo luật sư, do bà Diệp không đến Phòng công chứng số 1 nên công chứng viên đã không chứng kiến việc ký kết hợp đồng, không kiểm tra năng lực hành vi của bà Diệp và không chứng thực chữ ký của các bên.

Khi nào hợp đồng có công chứng vô hiệu lực?

Từ những tranh cãi liên quan đến việc công chứng hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng, nhiều người đặt câu hỏi: khi nào hợp đồng công chứng không còn hiệu lực pháp luật?

Về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hải - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho biết hợp đồng có công chứng là hợp đồng có sự tham gia chứng nhận của công chứng viên. Sự tham gia chứng nhận của công chứng viên có ý nghĩa là đảm bảo tính xác thực, tự nguyện của các bên khi giao kết hợp đồng.

Một hợp đồng có công chứng vô hiệu khi không phù hợp về mặt chủ thể, nội dung, hình thức và bởi những lý do: giao dịch do giả tạo, giao dịch vi phạm yếu tố tự nguyện, giao dịch do bị lừa dối, cưỡng ép…

Và một hợp đồng dù có công chứng thì cũng có thể trở thành vô hiệu nếu rơi vào những trường hợp trên.

Việc xác định một hợp đồng vô hiệu sẽ do tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền như tòa trọng tài khi có sự tranh chấp giữa các bên. Khi tuyên hợp đồng vô hiệu thì tòa cũng tuyên lời chứng của công chứng viên vô hiệu.

"Trên thực tế, ghi nhận từ các hệ thống ngân hàng thì mỗi năm có đến hàng trăm hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu vì nhiều lý do.

Có những hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu vì xác định nhầm tên gọi của biện pháp bảo đảm, ghi thiếu thành phần sở hữu tài sản trong hợp đồng, người ký không đảm bảo yếu tố thẩm quyền trong ủy quyền…", luật sư Hải nói.

Luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết hành vi cung cấp tài liệu giả mạo để công chứng hoặc làm giả hợp đồng có công chứng thì không chỉ hợp đồng này không có giá trị pháp lý mà còn tùy vào tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" với hình phạt lên đến 7 năm tù.

"Hợp đồng có công chứng bị tuyên vô hiệu quá nhiều"

Theo luật sư Trần Minh Hải, nhiều nước áp dụng cơ chế công chứng hình thức, nghĩa là giao dịch có công chứng là giao dịch có thêm một người chứng kiến như một người làm chứng. Với công chứng hình thức thì không quá đề cao về tính chất của nó.

Trong khi đó tại nước ta, các công chứng viên ngoài việc bảo đảm về hình thức còn phải bảo đảm nội dung của giao dịch cũng phải hợp pháp. Việc này dẫn đến suy diễn rằng những giao dịch qua công chứng là nội dung đã ổn.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng số lượng các vụ bị tuyên vô hiệu hiện nay vẫn còn quá nhiều, cho thấy việc qua công chứng không làm nội dung giao dịch không tốt lên. Bên cạnh đó, hiếm có vụ việc nào bị tuyên vô hiệu mà công chứng viên phải bồi thường.

"Thực tế, ẩn đằng sau một giao dịch có công chứng vẫn có thể có những bất thường mà công chứng viên không thể nhận ra. Như vậy nên nhìn nhận rằng quan trọng nhất là các bên tham gia giao dịch tự nguyện thỏa thuận nội dung phù hợp, còn yếu tố về công chứng cũng chỉ nên được xem là một trong những thể thức của hợp đồng".

Vụ án bà Dương Thị Bạch Diệp: Hợp đồng thế chấp 57 Cao Thắng ký ở phòng công chứng hay ngân hàng? Vụ án bà Dương Thị Bạch Diệp: Hợp đồng thế chấp 57 Cao Thắng ký ở phòng công chứng hay ngân hàng?

TTO - Một trong những nội dung đang gây tranh cãi là hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng do bà Diệp ký với Agribank được thực hiện ở đâu? Trong phiên xử chiều 16-11, luật sư bào chữa cho bà Diệp khẳng định hợp đồng đó được ký tại Agribank TP.HCM.

ĐAN THUẦN - HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên