Việc 11 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 chỉ được ăn cơm chan với nồi canh gồm hai gói mì cho một bữa ăn bán trú gây đau xót, lo lắng trong dư luận.
Và bạn đọc báo Tuổi Trẻ cho rằng cần có sự giám sát của người lớn để các em học sinh có bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng tại các trường dân tộc nội trú cũng như các trường bán trú, nội trú ở những thành phố lớn.
* Ông Ngô Xuân Dũng (phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai):
Nghiên cứu lắp camera giám sát
Sau sự việc phản ánh trên báo chí, nhà trường đã kiện toàn lại các bộ phận đoàn thể trong nhà trường.
Thứ nhất, công đoàn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các giáo viên, nhân viên. Giao ban thanh tra nhân dân phân công nhiệm vụ giám sát tất cả các hoạt động của nhà trường, khi có vấn đề báo lại cho công đoàn để giải quyết.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các khâu của hoạt động bán trú. Nhà trường đang lấy ý kiến lắp camera giám sát bếp ăn bán trú để việc giám sát, quản lý tốt hơn hay không.
Về việc mời phụ huynh tham gia để giám sát bếp ăn bán trú, nhà trường sẽ tổ chức họp ban đại diện cha mẹ học sinh, cử đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên giám sát để hoạt động ăn bán trú được tốt hơn.
Trước đây nhà trường có lắp camera giám sát tại bếp ăn, tuy nhiên khi trường chuyển bếp ăn xuống khu nhà mới thì khoảng một tháng nay camera giám sát chưa được lắp lại.
* Bà Lê Thị Thanh Nhàn (vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo):
Phải giám sát thường xuyên
Hiện tại có 1.161 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh. Bên cạnh đó còn có trên 1.900 trường phổ thông có học sinh bán trú.
Cả nước hiện có hơn 500.000 học sinh phổ thông được hưởng chính sách học sinh bán trú theo nghị định số 116/2016.
Đối với giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu và ban hành theo thẩm quyền các chính sách cho người dạy, người học, cho cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, chính sách cho học sinh bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú nói riêng, đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, trong một cơ sở giáo dục phổ thông còn cần thêm các tổ chức cùng giám sát, chăm lo các bữa ăn của học sinh.
Sự việc được phản ánh tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 không phải là phổ biến. Ngay sau sự việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý việc thực hiện đầy đủ chính sách về giáo dục dân tộc, đặc biệt quan tâm chính sách đối với học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú; đồng thời xác minh nội dung phản ánh và xử lý nghiêm (nếu có vi phạm).
Mặc dù chưa rõ mức độ đúng sai tới đâu nhưng các địa phương cần lấy đây là bài học, có trách nhiệm chăm lo hỗ trợ cho học sinh.
Công tác kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú cho học sinh phải là công tác thường xuyên, hằng ngày, hằng tuần và phải là trách nhiệm của nhiều bộ phận, thậm chí cả phụ huynh phải cùng nhau quan tâm, như vậy học sinh mới có điều kiện tốt.
* Ông Nguyễn Xuân Trường (hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái):
Chỉ sợ người làm sai, lệch lạc
Là một hiệu trưởng, khi thấy thông tin phản ánh trên báo chí về suất ăn bán trú của học sinh nghi bị cắt xén, tôi thấy không thể chấp nhận được.
Đối với Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hồ Bốn, nhà trường có 805 học sinh thì có 636 học sinh học bán trú.
Quan điểm quản lý của nhà trường là mọi thứ luôn phải công khai, rõ ràng, "nếu mình làm đúng thì lúc nào cũng sẽ đúng, chỉ sợ người quản lý có tư tưởng lệch lạc".
Để đảm bảo suất ăn bán trú của học sinh được đảm bảo, đúng và đủ, khâu xuất nhập thực phẩm, chế biến... được giám sát chặt chẽ, có sự giám sát chéo giữa ba bên gồm quản lý do phó hiệu trưởng phụ trách, y tế học đường và nhân viên nấu ăn bán trú cho học sinh.
Nhà trường cũng đã lắp camera giám sát tại nhà ăn bán trú từ nhiều năm nay. Mỗi ngày nhà trường đều đưa thực đơn lên nhóm công khai của huyện Mù Cang Chải để đảm bảo tính minh bạch.
Ngoài ra, ca trực ăn bán trú sẽ có thêm khoảng bốn giáo viên tham gia hỗ trợ học sinh, giáo viên có trách nhiệm chứng kiến, đối chiếu các suất ăn thực tế so với thực đơn công khai trên bảng thông báo, nếu sai sót báo cáo lại với bếp và ban giám hiệu.
Để phụ huynh yên tâm về chất lượng bữa ăn bán trú, nhà trường luôn mở cửa và khuyến khích phụ huynh tham gia thăm nom, giám sát bữa ăn bán trú của học sinh.
* Cô Trần Thị Thu Hương (hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM):
Lãnh đạo nhà trường luôn phải sâu sát
Tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, nơi phục vụ bữa ăn bán trú cho khoảng 1.000 học sinh mỗi ngày, nhà trường cũng áp dụng nhiều cách để kiểm soát bữa ăn bán trú.
Như các trường khác, chúng tôi thực hiện công khai thực đơn bán trú, sẵn sàng mời phụ huynh đến trường ăn bữa ăn bán trú với học sinh, có đội ngũ làm việc thường xuyên với đơn vị cung cấp suất ăn nhưng đồng thời tôi là người có mặt trong hầu hết bữa ăn bán trú của các em.
Khi học sinh ăn trưa, trường giao cho thầy cô chủ nhiệm và cô bảo mẫu phải xem các cháu ăn uống như thế nào, ăn có ngon không, tôi là người đi quan sát và hỏi các em về thực đơn mỗi ngày thế nào.
Tôi muốn gần gũi học sinh để nắm bữa ăn có được cung cấp theo yêu cầu về thực đơn, dinh dưỡng hay không. Tất cả các khâu đều quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự sâu sát của lãnh đạo nhà trường.
* Bà Trần Thị Minh Hạnh (nguyên phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM):
Giám sát từ cơ quan liên ngành là cần thiết
Tôi cho rằng phải có tổ chức giám sát bữa ăn bán trú về cả vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và những vấn đề khác để đảm bảo học sinh được cung cấp bữa ăn chuẩn.
Theo đó, cần có một ban ngành để thực hiện vấn đề này. Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cũng cần cân nhắc đề xuất để ra được cơ quan giám sát trực thuộc bộ nhằm đảm bảo bữa ăn cho học sinh trên cả nước.
Người tham gia giám sát cần hiểu biết về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm một cách cơ bản để nhận biết
được đúng sai, nguồn gốc thực phẩm (nguồn cung cấp), nơi chế biến, cách bảo quản. Qua giám sát chặt chẽ sẽ hạn chế được các rủi ro, kể cả tiêu cực.
Qua giám sát cũng sẽ biết được khó khăn khi thực hiện bữa ăn chuẩn để cùng tháo gỡ (chứ không chỉ để phán xét nhà cung cấp suất ăn). Tôi cho rằng học sinh (nhất là các em ở các khối lớp lớn) cũng có thể tham gia giám sát qua bữa ăn hằng ngày tại trường.
Chuyện bữa trưa miễn phí cho học sinh ở Anh
Trong năm học 2023-2024, gần 300.000 học sinh tiểu học ở thủ đô London (Anh) được miễn phí bữa trưa tại trường. Trong năm học 2022-2023, 2,16 triệu học sinh tiểu học ở Anh được hưởng bữa ăn miễn phí tại trường (chiếm 23,8% số học sinh trên toàn nước Anh).
Ở Anh, trẻ em đủ điều kiện nhận bữa ăn miễn phí tại trường nếu các em sống trong hộ gia đình có thu nhập hằng năm dưới 8.650 euro (9.473 USD). Và việc cung cấp suất ăn được kiểm soát chặt chẽ. Theo các tính toán, chi phí trung bình hiện nay cho một bữa ăn tại trường của một học sinh tiểu học được cung cấp miễn phí ở London vào khoảng 2,3 bảng Anh (2,91 USD).
Theo báo Guardian, một số nhà cung cấp bữa ăn tại trường học ở Anh sẽ tính phí bữa trưa từ 2,8 bảng Anh (3,54 USD) trở lên đối với các học sinh không đủ điều kiện nhận bữa ăn miễn phí.
Năm 2021, trong thời điểm dịch COVID-19, chính phủ của cựu thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải đối mặt với vụ bê bối liên quan đến việc cung cấp bữa ăn cho các học sinh được hưởng bữa ăn miễn phí. Các gói thực phẩm được gửi đến các em có đủ điều kiện nhận, thay cho phiếu thực phẩm trị giá 20,5 USD/tuần khi trường học phải đóng cửa do dịch COVID-19.
Tuy nhiên, một phụ huynh sau khi nhận gói thực phẩm đã đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội và bày tỏ nỗi bức xúc. Cô nói lượng thực phẩm cô nhận được chỉ trị giá khoảng 5 bảng Anh (6,33 USD), không đủ theo tiêu chuẩn 30 bảng Anh (37,97 USD) cho 10 ngày học của một học sinh. Sau đó, vụ việc đã được kiểm tra và xử lý để mỗi học sinh nhận được đúng suất ăn theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận