07/04/2025 15:04 GMT+7

Tử vong khi chạy marathon: Làm sao để chạy an toàn?

Một phụ nữ 53 tuổi đã ngừng tim, ngừng thở khi tham gia giải chạy marathon tại Huế. Đây không phải là lần đầu tiên có người gặp nạn khi tham gia các giải chạy.

Tử vong khi chạy marathon: Làm sao để chạy an toàn? - Ảnh 1.

Một vận động viên lớn tuổi tham gia giải chạy marathon ở Huế sáng 6-4 - Ảnh: LÊ ĐÌNH HOÀNG

Mới đây, một người phụ nữ 53 tuổi đã tử vong khi tham gia một giải chạy marathon ở TP Huế, với hơn 12.000 người tham dự. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp đáng tiếc như vậy.

Tại sao có người đột tử khi chạy marathon?

Theo thông tin, người phụ nữ đã đột tử khi đang chạy qua khu vực cầu Trường Tiền, TP Huế trong giải marathon diễn ra sáng 6-4. Nhiều người chứng kiến cho biết bà đột ngột dừng lại và gục xuống đường.

Ngay lập tức, đội ngũ y tế của giải chạy đã có mặt để sơ cứu ban đầu. Dù được đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, nhưng không may, bệnh nhân đã không qua khỏi.

Trước đó vào năm 2022, một vận động viên khi tham gia cự ly chạy 21km ở tỉnh Bình Định cũng đã tử vong do gặp vấn đề về sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho rằng nhiều khả năng bệnh nhân đã có tiền sử rối loạn nhịp tim kín đáo nhưng không được phát hiện.

Theo bác sĩ Hoàng, các nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột có thể bao gồm thiểu năng động mạch vành, gây thiếu máu cơ tim, dẫn đến rối loạn nhịp và ngừng tim, hoặc nhồi máu cơ tim do xơ vữa mạch vành.

Các rối loạn nhịp tim có thể là bẩm sinh (như hội chứng Brugada, hội chứng WPW, hội chứng QT kéo dài...) hoặc mắc phải như rung thất, nhịp nhanh thất, block nhĩ-thất..., do bệnh van tim, dùng thuốc, hoặc rối loạn điện giải.

Bệnh cơ tim như thể giãn, thể phì đại, bệnh cơ tim do nghiện rượu... hoặc suy tim mạn tính cũng có thể dẫn đến ngừng tim.

Rối loạn nước và điện giải cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nhưng thường gây sốc nhiệt, say nắng, suy thận cấp hơn là ngừng tim đột ngột.

Lời khuyên từ bác sĩ: Cần khám sức khỏe kỹ lưỡng trước khi chạy marathon

Bác sĩ Phan Lê Hiếu, trưởng khoa cấp cứu đa khoa, Bệnh viện Trung ương Huế, khuyến cáo: người tham gia các giải chạy bộ cần khám sức khỏe tổng quát trước khi thi đấu. Đặc biệt, người lớn tuổi hoặc có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường… cần được kiểm tra kỹ lưỡng và có tư vấn y tế.

Vận động viên nên được đo điện tâm đồ (ECG), huyết áp, làm xét nghiệm cơ bản và được tư vấn nếu có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do vận động.

"Người chạy bộ cần tập luyện phù hợp trước khi thi đấu, không nên tham gia đột ngột nếu không có sự chuẩn bị trước đó. Cần tăng dần cường độ chạy từ 2-4 tuần trước giải. Khi chạy, cần khởi động kỹ 10-15 phút trước khi xuất phát để hạn chế chấn thương và chuột rút, đặc biệt không nên cố gắng vượt quá khả năng bản thân", bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Ông cũng lưu ý rằng nếu người chạy có biểu hiện như đau ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, tê tay chân, da đỏ bừng, nóng, vã mồ hôi sau đó khô, hoặc cảm giác mệt lả bất thường thì cần dừng chạy ngay, tìm nơi mát và báo cho nhân viên y tế lập tức.

Có nên chạy marathon vào ban đêm?

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho rằng thời gian gần đây các giải chạy ở cự ly dài được tổ chức rầm rộ, trong đó có nhiều người không chuyên tham gia, đặc biệt là vào ban đêm. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

marathon - Ảnh 3.

Một giải chạy marathon được tổ chức vào ban đêm ở TP.HCM - Ảnh tư liệu

Theo bác sĩ Mạnh, chạy vào ban đêm tiềm ẩn nhiều rủi ro vì đây là thời gian nghỉ ngơi tự nhiên, nhịp tim chậm hơn, máu cô đặc hơn. Thời tiết ban đêm cũng lạnh hơn, cộng với vận động thể chất có thể dẫn đến quá sức, thậm chí đột tử.

"Một sai lầm thường thấy ở nhóm chạy nghiệp dư là không bù đủ nước, dinh dưỡng và không kiểm soát tốc độ chạy. Điều này dễ khiến họ kiệt sức, mất nước, và có nguy cơ sốc nhiệt", bác sĩ Mạnh cảnh báo.

Theo bác sĩ Phan Lê Hiếu, tuy chạy đêm giúp tránh nắng nóng, giảm nguy cơ sốc nhiệt, nhưng cơ thể lúc này lệch nhịp sinh học tự nhiên.

"Ban đêm là thời điểm hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh hơn, tim đập chậm hơn và phản ứng cũng chậm hơn. Những người có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp hoặc rối loạn giấc ngủ nên thận trọng và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chạy", bác sĩ Hiếu khuyên.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh không nên tổ chức các giải chạy đêm sau 22h. Ban tổ chức cần bố trí đầy đủ các chốt y tế, trang thiết bị cấp cứu như AED (máy sốc tim tự động), máy theo dõi cơ động (monitor) và phải có phương án hỗ trợ vận động viên sau khi kết thúc giải như nơi nghỉ ngơi, nước uống, chăm sóc y tế...

Lại có người tử vong khi chạy marathon, xin đừng chạy theo phong trào nữa - Ảnh 4.Một phụ nữ tử vong khi tham gia giải chạy marathon ở Huế

Một phụ nữ 53 tuổi đã tử vong trong quá trình tham gia một giải chạy marathon ở Huế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên