Tư vấn chuyên sâu các nhóm ngành tại Gia Lai
Ngay từ 7g sáng, nhiều học sinh ở TP Pleiku đã về tham dự. Nhiều em không kịp ăn sáng phải mang đồ ăn sáng đến khu vực tư vấn để ăn.
Phóng to |
Học sinh theo dõi thông tin tư vấn tuyển sinh trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Đoàn Từ Duy |
Phóng to |
Học sinh tham gia chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Gia Lai sáng 4-3 - Ảnh: Đoàn Từ Duy |
Đỗ Thanh Lam - học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, cho biết đây là lần đầu tiên em tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp. “Năm ngoái em đạt giải nhì môn văn quốc gia, năm nay đạt giải khuyến khích. Không biết các trường có căn cứ vào kết quả giải nhì năm ngoái để ưu tiên xét tuyển hay không. Em thích học Trường ĐH Ngoại thương nhưng khả năng khó đạt mức điểm chuẩn của trường trong những năm trước đây. Nếu không được ưu tên xét tuyển, em cũng chưa biết thi trường nào có ngành này. Hy vọng các thầy trong ban tư vấn sẽ tư vấn giúp việc ưu tiên xét tuyển cũng như trường nào có ngành ngoại thương để em có thể theo đuổi ước mơ của mình”, Lam cho hay.
Sau đây là nội dung phần tư vấn chung:
Mở đầu, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM chia sẻ: thời gian đăng ký dự thi đã đến gần, học sinh không còn nhiều thời gian nữa. TS Nghĩa cho biết, kỳ thi tuyển sinh năm nay vẫn tổ chức theo hình thức 3 chung: chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả để xét tuyển.
Vẫn có 3 đợt thi: đợt 1 diễn ra ngày 4 và 5-7 cho khối A, A1, V, đợt 2 ngày 9 và 10-7 cho khối B, C, D và các khối năng khiếu, đợt 3 ngày 25 và 16-7 thi CĐ cho tất cả các khối.
Năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung thêm khối thi A1. Khối A1 sẽ thi vào đợt 1 cùng với khối A, V. Các trường tùy điều kiện của mình có thể bổ sung khối A1 chứ không thay đổi các khối thi truyền thống trước đây.
Học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH-CĐ. Học sinh đạt giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào ĐH, đạt giải khuyến khích được tuyển thẳng vào CĐ. Riêng tỉnh Gia Lai có 12 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng chỉ có 6 em được tuyển thẳng vào ĐH-CĐ do có 6 em đang học lớp 11.
Nếu học sinh đạt giải học sinh giỏi mà không sử dụng quyền tuyển thẳng mà dự thi thì làm hồ sơ và dự thi bình thường như những thí sinh khác. Nếu có kết quả thi ĐH từ điểm sàn trở lên, không có môn bị điểm không, các trường sẽ xét tuyển thẳng các em vào ngành mà em đăng ký. Trường chỉ tuyển thẳng thí sinh đạt giải vào ngành hoặc các ngành gần mà thí sinh có môn thi đạt giải.
Một số mốc thời gian cần lưu ý: Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau:
- Theo hệ thống của sở GD-ĐT: Từ ngày 15-3 đến 17g ngày 16-4-2012;- Tại các trường tổ chức thi: Từ ngày 17-4 đến 17g ngày 23-4-2012.
Trước ngày 10-8, các trường sẽ công bố điểm thi của thí sinh. Trước ngày 15-8, Bộ GD-ĐT cũng sẽ công bố điểm sàn. Trước ngày 20-8, các trường công bố điểm chuẩn. Trường nào còn thiếu chỉ tiêu sẽ thông báo xét tuyển các nguyện vọng còn lại. Thí sinh không trúng tuyển NV1 nhưng điểm thi từ điểm sàn trở lên sẽ được trường dự thi cấp cho 2 giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển các NV còn lại. Thí sinh cần theo dõi thông tin từ các trường và báo chí để biết thông tin về chỉ tiêu xét tuyển NV2, điểm sàn xét tuyển, thời gian xét tuyển.
* Em thi được 17 điểm nhưng điểm chuẩn của trường là 18 liệu em có đậu không? Em sẽ học ngành gì?
- Th.S Hứa Minh Tuấn: Năm 2011 trường xét điểm chuẩn theo khối thi và ngành. Nếu điểm chuẩn 18 mà điểm của em 17 thì em không trúng tuyển vào bậc ĐH. Tuy nhiên, nếu thí sinh không trúng tuyển vào ngành có điểm chuẩn cao nhưng cao hơn ngành có điểm chuẩn thấp thì trường sẽ xem xét tuyển thí sinh vào ngành có điểm chuẩn thấp này. Tuy nhiên, như vậy ngành các em trúng tuyển có thể không phù hợp với sở thích của mình.
* Năm nay khu vực Tây Nguyên có được cộng điểm ưu tiên khu vực hay không?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Trong tuyển sinh có hai loại ưu tiên đó là ưu tiên khu vực và đối tượng. Đối tượng 1 được ưu tiên 2 điểm, đối tượng 2 được ưu tiên 1 điểm. Về khu vực, điểm ưu tiên khu vực căn cứ vào nơi học sinh đang theo học THPT. Khu vực Tây Nguyên thuộc khu vực 1 và được ưu tiên 1,5 điểm.
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Năm nay Bộ GD-ĐT không cho phép các trường áp dụng điều 33 mà sẽ xét tuyển thẳng thí sinh là người dân tộc thiểu số. Nếu đủ điều kiện của trường, thí sinh sẽ được vào học thẳng ngành mình đăng ký, nếu chưa đủ điều kiện thì các em phải học bồi dưỡng kiến thức trong 1 năm trước khi vào học chính thức.
* Em có năng khiếu về nhóm ngành xã hội nhưng ba mẹ lại muốn em học nhóm ngành kinh tế để sau này kiếm tiền nhiều hơn. Em phải làm sao?
- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu không có hứng thú học tập thì theo học sẽ không tốt. Nhiều sinh viên sau khi theo học 1 năm thì xin chuyển ngành vì không hứng thú với ngành đang học. Chúng ta chọn ngành học phù hợp sẽ tạo ra sự hưng phấn và từ đó học tập sẽ rất tốt, cơ hội phía trước sẽ rất lớn. Học bất cứ ngành nào, nếu học tốt, đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng thì cơ hội việc làm, thăng tiến sẽ rất rộng mở. Các bạn nên chọn ngành theo sự yêu thích và năng lực của mình.
* Em muốn thi vào ngành quản lý môi trường và du lịch sinh thái nhưng ba mẹ phản đối vì sợ không có việc làm. Cho em hỏi cơ hội việc làm của ngành này?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành môi trường có rất nhiều chuyên ngành. Ngành quản lý môi trường trang bị kiến thức về môi trường như vấn đề ô nhiễm và biện pháp giải quyết. Tốt nghiệp ngành này có thể làm ở sở, phòng tài nguyên môi trường để đánh giá, kiểm tra và quản lý vấn đề này. Hiện nay chúng ta có các khu bảo tồn thiên nhiên. Chúng ta bảo tồn và khai thác du lịch nên cần phải có kiến thức về môi trường và khai thác du lịch.
* Có một số ngành có yêu cầu chiều cao cân nặng, chẳng hạn sư phạm. Khi trúng tuyển trường sẽ kiểm tra vấn đề này như thế nào?
- TS. Nguyễn Thanh Hưng: Ngành sư phạm cũng thi như những ngành khác. Với các ngành thi năng khiếu thì chúng ta phải thi năng khiếu ngay từ đầu như giáo dục thể chất, giáo dục mầm non...
* Em đạt giải 3 môn địa quốc gia thì có được tuyển thẳng vào Trường ĐH Luật TP.HCM không?
- ThS Lê Văn Hiển: theo qui định về tuyển thẳng học sinh giỏi trong kỳ tuyển sinh năm nay, học sinh đạt giải môn nào sẽ được tuyển thẳng vào ngành đúng và ngành gần với thí sinh đạt giải. Hiện trường luật có 3 ngành là Luật, quản trị luật và quản trị kinh doanh. Danh mục các ngành gần vẫn chưa được Bộ GD-ĐT công bố. Do đó, thí sinh cần theo dõi để biết ngành nào là ngành gần với môn địa để có thể nộp hồ sơ tuyển thẳng.
* Mỗi người đều có khả năng tiềm ẩn. Làm sao để biết khả năng đó của mình?
- ThS Lâm Tường Thoại: Có thể em có những thế mạnh, những sở trường nhưng lâu nay mình không biết. Chẳng hạn em phát hiện ra mình có khả năng lắng nghe, thấu hiểu tâm lý người khác hoặc khả năng tính toán nhanh... Do đó, mỗi khả năng có thể phù hợp với một nhóm ngành nghề khác nhau. Vậy làm sao phát hiện những khả năng tiềm ẩn của mình?
Bậc phổ thông đào tạo chương trình khá phổ quát. Do đó, trong quá trình học các em có thể nhận ra thế mạnh, khả năng của mình. Nếu vẫn chưa phát hiện, các em có thể làm các bài trắc nghiệm để tìm ra thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, các em có thể làm thử những việc mà mình cho rằng mình có khả năng để từ đó xem mình có thực sự có khả năng và phù hợp với mình hay không.
* Em muốn học y nhưng không đủ khả năng vào ĐH. Em có thể học y sĩ rồi liên thông lên ĐH không?
- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Trường ĐH Y dược TP.HCM không đào tạo y sĩ đa khoa bậc trung cấp và cũng không liên thông từ y sĩ lên bác sĩ. Tại các địa phương vẫn đào tạo y sĩ đa khoa. Muốn liên thông lên ĐH, các em phải được nơi công tác đề nghị đi học các em mới có thể liên thông lên ĐH để học bác sĩ đa khoa.
Hiện Trường ĐH Y dược TP.HCM có nhiều ngành đào tạo bậc ĐH. Nếu không đủ điểm vào ĐH các em có thể xét tuyển bậc CĐ và trung cấp của trường. Bậc TCCN của trường có các ngành xét nghiệm, vật lý trị liệu, kỹ thuật hình ảnh. Xét tuyển dựa trên điểm thi ĐH hai môn toán, sinh.
* Em nghe nói chương trình học của ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) rất nặng, muốn ra trường rất khó. Vậy khó ở đây là khó như thế nào?
- TS Nguyễn Kim Quang: Vào ĐH, chúng ta phải đầu tư công sức, học tập một cách xứng đáng. Nếu chúng ta quyết tâm đạt được mục tiêu thì đó là động lực để chúng ta nỗ lực học tập để đạt kết quả tốt. Nếu chúng ta đặt mục tiêu phù hợp thì sự phấn đấu sẽ đạt kết quả cao hơn trong trường hợp đặt mục tiêu quá cao thì sự phấn đấu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn ở bậc ĐH mà sinh viên vừa trúng tuyển gặp phải đó là sự chuyển từ cách học ở bậc phổ thông sang bậc ĐH với cách học khác hoàn toàn. Chương trình, phương pháp học tập khác nhau, môi trường thay đổi không khó bằng sự bỡ ngỡ do sự chuyển đổi môi trường và không kịp thích nghi.
Tuy vậy, các bạn không phải lo lắm về chương trình học ĐH quá nặng! Chúng ta có thể học tập tốt, tiến xa hơn nữa nếu có sự chuẩn bị kế hoạch học tập, có mục tiêu hợp lý và phấn đấu thì việc học ở ĐH không quá khó khăn. Các trường đào tạo theo học chế tín chỉ nên bên cạnh các môn bắt buộc, trường sẽ trao cho sinh viên quyền chọn lựa môn học phù hợp với sở trường và định hướng nghề nghiệp của sinh viên. Trước mắt hãy có quyết tâm, chọn ngành phù hợp với sở thích và năng lực của mình để đạt được mục tiêu gần nhất của mình.
Phóng to |
* Ngành nào ở Gia Lai cần nhiều nhân lực?
- Thầy Hoàng Phương Đông - trưởng phòng GDTX và GDCN Sở GD-ĐT Gia Lai: Chẳng có nghề nào dễ hay khó tìm việc cả. Vấn đề là sở trường, sở thích, kiến thức của các em và mục tiêu nghề nghiệp sau này. Gia Lai có nhiều ngành nghề thiếu việc làm. Như ngành y tế thiếu hàng nghìn người. Học rất khổ nhưng phải yêu thương Gia Lai và quay về với địa phương. Các em cần một nghề thấu đáo và cống hiến hết mình cho địa phương của mình.
Ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Gia Lai - TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó GĐ ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia. - TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. - TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM - PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. - TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. - Th.S Lâm Tường Thoại, chuyên viên tư vấn Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐHQG TP.HCM. - Ths Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH tài chính marketing. - Th.s Huỳnh Trương Lệ Hồng, phó trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng kỹ thuật thuật y học, ĐH y dược TPHCM. * Nhóm ngành Khoa học xã hội - luật - sư phạm - quân đội - công an: - TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH quốc gia TP.HCM) - Th.S Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM - TS. Trịnh Đào Chiến - hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, phó phân hiệu trưởng Phân hiệu ĐH Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai - Thầy Hoàng Phương Đông - trưởng phòng GDTX và GDCN Sở GD-ĐT Gia Lai - TS. Nguyễn Thanh Hưng, Phó Trưởng khoa Sư phạm; ĐH Tây Nguyên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận