23/01/2011 07:57 GMT+7

Tư vấn nóng giữa cái lạnh Đắk Nông

BTC
BTC

TT - Gần 2.000 học sinh Đắk Nông đã tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Đắk Nông và Tỉnh đoàn Đắk Nông phối hợp tổ chức sáng 22-1 tại huyện Đăk Mil.

HkofCDYd.jpgPhóng to
Học sinh tìm hiểu thêm thông tin trong tài liệu do Tuổi Trẻ gửi tặng tại chương trình - Ảnh: T.B.Dũng

Có bạn đã dự định thi vào một ngành, một trường, có bạn “vẫn còn băn khoăn lắm” nên ai cũng nóng lòng muốn được gặp thầy cô để hỏi thêm về những ngành, trường mình quan tâm.

Thí sinh “khát” thông tin

Hôm nay tư vấn tại Đắk Lắk

Từ 8g sáng nay 23-1 tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ sẽ mang thông tin về với học sinh Đắk Lắk. Với sự phối hợp tổ chức của báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Đắk Lắk, chương trình sẽ mang đến cho thí sinh những thông tin cơ bản và chuyên sâu theo từng nhóm ngành nghề qua hai phần tư vấn.

Nội dung chương trình tư vấn được tường thuật trực tuyến trên Tuổi Trẻ điện tử ở địa chỉ http://tuoitre.vn.

Sáng sớm. Trời Đăk Mil khá lạnh nhưng không ngăn được bước chân của những cô cậu học trò từ các huyện Đăk Mil, Đăk R’Lấp, Cư Jút, Đăk Song... đến tham gia chương trình tư vấn. Lúc đầu, các bạn còn nhút nhát nhưng càng về sau chương trình, các bạn càng mạnh dạn hơn trong việc đặt câu hỏi. 11g30, ở các nhóm ngành tư vấn chuyên sâu, nhiều học sinh vẫn “vây” ban tư vấn để đặt câu hỏi. Đặc biệt, rất nhiều học sinh, nhất là học sinh nữ tại Đắk Nông quan tâm đến nhóm ngành quân đội, công an. Đây cũng là nhóm ngành kết thúc tư vấn muộn nhất.

Thầy Nguyễn Văn Toàn - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông - dẫn ra một số thông tin cho thấy điểm thi tuyển sinh hằng năm của học sinh trong tỉnh thường dưới điểm trung bình của toàn quốc. Tỉ lệ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng theo ông Toàn, trong đó có việc học sinh chưa xác định được ngành, trường nên “đánh” cùng lúc nhiều khối thi dẫn đến không hiệu quả. Ông đưa ra lời khuyên: “Các bạn nên xác định một khối thi và tập trung ôn luyện cho tốt, như vậy mới không bị phân tán tư tưởng và đạt kết quả cao”.

Ngoài ra, ông Toàn nhận định sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có nhiều con đường để vào đời chứ không nhất thiết bằng mọi giá phải vào ĐH. Ông nói: “Địa bàn Tây nguyên không thiếu nguồn việc làm để các bạn cống hiến. Có bạn sẽ đậu vào ĐH, có bạn chưa đủ sức thì nên chọn vào các trường THCN, CĐ, CĐ nghề và sau đó tiếp tục học liên thông”.

Không chỉ băn khoăn về việc chọn ngành, chọn trường, những câu hỏi mà học sinh đặt cho ban tư vấn còn nêu vấn đề nhu cầu nhân lực của xã hội. “Ngành công nghệ thông tin triển vọng sau bốn năm nữa có “hot” và có nhiều việc làm không?” - một học sinh đặt câu hỏi. TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - nhấn mạnh công nghệ thông tin tham gia hỗ trợ tất cả các ngành trong xã hội nên nhu cầu hiện nay và trong tương lai rất lớn. Hiện nay, tuyển sinh ngành công nghệ thông tin ở mỗi trường khác nhau và mỗi trường có nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau ba học kỳ, các bạn chọn ngành thuộc lĩnh vực theo định hướng của mình như mạng máy tính, công nghệ phần mềm, lập trình, quản lý... để đáp ứng nhu cầu về đam mê, yêu thích.

Giải đáp nhanh mọi câu hỏi

Năm 2010, Đắk Lắk có khoảng 24.200 thí sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ với mức điểm trung bình 10,5 điểm. 32% trong số thí sinh này đạt từ điểm sàn trở lên. Tuy nhiên, chỉ có 2.750 thí sinh trúng tuyển NV1 (chiếm 11,4%) với điểm trung bình là 17 điểm. Trường có nhiều thí sinh trúng tuyển NV1 nhất là Trường ĐH Tây Nguyên với 779 thí sinh và điểm trung bình là 15,2 điểm. Những trường có nhiều thí sinh Đắk Lắk trúng tuyển kế tiếp là ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Quy Nhơn, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Nông lâm TP.HCM...

Về tình hình chọn ngành, các ngành học có nhiều thí sinh trúng tuyển NV1 là: tài chính - ngân hàng (409), quản trị kinh doanh (270), kế toán (225), công nghệ thông tin (95), quản lý tài nguyên và môi trường (90), công nghệ kỹ thuật hóa học (89), y đa khoa (88)... Những ngành thu hút thí sinh khá giỏi gồm: răng hàm mặt, dược, y đa khoa, kinh tế đối ngoại... Trong khi đó, Tây nguyên được đánh giá là có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên rừng, thủy điện và công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, du lịch (tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn), môi trường sinh thái.

“Em muốn thi vào ngành luật nhưng e ngại vì mình vốn ít nói, liệu có “cãi” được hay không?” - một học sinh khác nêu băn khoăn. ThS Lê Văn Hiển - phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - chia sẻ: học ngành luật ra không phải làm luật sư được ngay. Tốt nghiệp sinh viên được cấp bằng cử nhân luật và có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước, tư vấn luật, làm cho các công ty, không nhất thiết phải đi “cãi”. Còn để làm luật sư các bạn phải học thêm các lớp nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức.

Một học sinh khác “thức thời” hơn khi muốn làm cảnh sát môi trường nhưng chưa biết ngành này học những gì và học ở đâu. ThS Lê Văn Hiển cho biết hiện chưa có trường và ngành nào đào tạo chuyên về cảnh sát môi trường. Các em có thể học ở trường cảnh sát, khi về địa phương sẽ được phân vào bộ phận nào còn thiếu và được bồi dưỡng thêm nghiệp vụ.

Trong khi đó nhiều học sinh thắc mắc ngành giáo dục chính trị có phải là ngành sư phạm hay không, có thể đi dạy được không? TS Nguyễn Văn Hòa - phó phòng đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên - cho biết đây không phải là ngành sư phạm nhưng trong quá trình dạy trường sẽ đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Do đó khi ra trường có thể làm ở ban tuyên giáo, dạy ở các trường THPT, trung cấp, CĐ hay ĐH.

Một học sinh băn khoăn về chương trình đào tạo và cơ hội việc làm của ngành tâm lý. TS Phạm Tấn Hạ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - chia sẻ đây là ngành học rất hấp dẫn. Điểm chuẩn khối C vào ngành này ba năm qua của trường là 18 điểm. Nhu cầu xã hội về ngành này rất lớn. Theo học ngành này sinh viên được trang bị kiến thức về tâm lý giáo dục, tâm lý y khoa - bệnh viện, tâm lý tội phạm... Xã hội càng phát triển thì các vấn đề về tâm lý phát sinh ngày càng nhiều bởi con người phải đối mặt với nhiều vấn đề, áp lực khác nhau. Để theo học ngành này trước hết thí sinh phải có các tố chất: biết chịu khó nghe người khác nói, có giọng nói dễ nghe và có sự chân thành.

“Các ngân hàng bây giờ tuyển nhân viên có yêu cầu về ngoại hình và cân nặng, thông tin này có chính xác không?”. Th.S Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết trong lĩnh vực ngân hàng có nhiều khâu công việc chứ không chỉ giao dịch với khách hàng. Sẽ có một số bộ phận đòi hỏi hình thức nhưng rất ít. Một số lĩnh vực như tài chính kế toán, hệ thống kiểm soát, công nghệ thông tin trong ngân hàng... ngồi làm việc trong phòng máy thì không ai yêu cầu về ngoại hình nên các em không cần quá băn khoăn về chuyện này.

Tạo điều kiện cho thí sinh khó khăn

Thầy Trần Đình Quang, phó trưởng phòng giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, cho biết hoạt động tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều khó khăn. Hằng năm, bên cạnh một số chương trình do sở tổ chức, các em hầu như tự tìm hiểu thông tin ngành nghề là chủ yếu. Anh Y Quang, bí thư Tỉnh đoàn Đắk Nông, bộc bạch: “Đắk Nông là một tỉnh mới được chia tách, điều kiện của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo điều kiện cho các em được trao đổi trực tiếp với các thầy cô trong ban tư vấn, có những thông tin hữu ích, cần thiết giúp các em trong việc chọn lựa ngành nghề học tập sao cho phù hợp với khả năng của mình”.

Bên lề

Nhiều học sinh dân tộc thiểu số đến ngày hội

Đến nghe tư vấn có rất nhiều học sinh người dân tộc M’Nông, Ê Đê... đang theo học tại các trường THPT của các huyện Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô... trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đến từ Trường THPT Phan Đình Phùng (Đăk Song), chín học sinh người dân tộc M’Nông có chung thắc mắc: “Học sinh người dân tộc được những ưu tiên gì khi dự thi, trong quá trình học ĐH và khi ra trường?”. Trong khi đó bạn H’Yem, người dân tộc M’Nông đang học lớp 12A1 Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đăk Mil), đạp xe gần 7km từ buôn Bu Đăk (Thuận An) đến tham dự chương trình tư vấn băn khoăn: “Em muốn học Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk nhưng học lực chỉ trung bình và em không biết sự lựa chọn đó có quá sức hay không?”.

Suýt không được tham dự

Trước giờ tư vấn chính thức 30 phút, điện thoại của một thành viên ban tổ chức rung lên báo tin xe chở 50 học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (Cư Jút) bị trục trặc giữa đường khi còn 15km nữa là đến điểm tư vấn. Ngay lập tức, ban tổ chức đã điều thêm xe đến hỗ trợ những thí sinh bị “mắc kẹt” . Vừa bước xuống xe tại điểm tư vấn, nhiều học sinh ùa vào hàng ghế và thở phào nhẹ nhõm khi người dẫn chương trình báo hiệu giờ tư vấn chính thức bắt đầu. Các bạn được giao “nhiệm vụ” đại diện trường đi nghe tư vấn và về chia sẻ lại với các bạn khối 12 và các em khối 11, 10 trong trường.

Đơn vị tài trợ:

BTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên