Ngày 9-4, Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã tổ chức "Ngày hội tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên năm 2023" tại Quảng Bình. Tại đây, hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên đã được các lãnh đạo, các chuyên gia tư vấn và truyền cảm hứng khởi nghiệp.
Cần mạnh dạn khởi nghiệp
Tại ngày hội, nhiều sinh viên, thanh niên đã đặt những câu hỏi cho lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, như định hướng phát triển nghề nghiệp của tỉnh Quảng Bình trong tương lai gần, cần làm gì để tăng khả năng có được việc làm tốt trong bối cảnh hiện tại...
Ông Hồ An Phong - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cho hay, các bạn trẻ cần mạnh dạn khởi nghiệp, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030 để tự định hướng nghề nghiệp cho mình. Nắm bắt được định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ giúp các bạn trẻ chọn cho mình những hướng đi phù hợp.
Quảng Bình có định hướng phát triển ngành du lịch làm kinh tế mũi nhọn thì những công việc liên quan đến du lịch sẽ có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng điều quan trọng nhất là cần trang bị đủ kiến thức và kỹ năng về một lĩnh vực nhất định. Khi có đủ kiến thức và kỹ năng, khả năng có được việc làm tốt theo đó sẽ tăng lên.
Tại ngày hội, diễn giả Huỳnh Anh Bình cũng truyền cảm hứng khởi nghiệp. Theo ông, điều quan trọng nhất là các bạn trẻ phải giỏi nghề.
"Nếu chọn nghề đá bóng, bạn phải đá bóng giỏi hơn người khác. Nếu chọn nghề đầu bếp, bạn phải nấu ăn ngon hơn người khác. Nghề nào cũng vậy, chỉ cần bạn giỏi thì bạn sẽ có cơ hội khởi nghiệp thành công", diễn giả Huỳnh Anh Bình nói.
Theo anh Ngô Văn Cương - bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, đây là cơ hội để đoàn viên thanh niên trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc với các chuyên gia về khởi nghiệp; tìm hiểu các mô hình khởi nghiệp của thanh niên thông qua các sản phẩm khởi nghiệp; góp phần tạo dựng cầu nối giữa các doanh nghiệp với đoàn viên thanh niên trong tư vấn khởi nghiệp, truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp.
"Thông qua ngày hội, các doanh nghiệp, công ty tìm kiếm, tuyển dụng được lao động phù hợp với định hướng phát triển nguồn nhân lực của đơn vị. Người lao động có được nhiều cơ hội việc làm phù hợp với trình độ, năng lực của bản thân", anh Cương nói.
Ngoài việc tư vấn hướng nghiệp, ban tổ chức ngày hội cũng đã bố trí các gian hàng tư vấn giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động, giúp đoàn viên thanh niên tìm kiếm cơ hội việc làm; đồng thời tìm hiểu nhu cầu của các thị trường lao động, nhà tuyển dụng, từ đó định hướng con đường khởi nghiệp, lập nghiệp trong tương lai.
Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award
Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.
Ngoài việc được trao hỗ trợ và được vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...
Năm nay, sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận