24/03/2012 09:06 GMT+7

Tư vấn chuyên sâu tại Kiên Giang

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC

TTO - Sau phần tư vấn chung, các chuyên gia tư vấn đã chia thành ba nhóm để giúp HS Kiên Giang hiểu hơn về các ngành nghề, cách chọn trường phù hợp khả năng, sở thích và cách làm hồ sơ đúng.

Tư vấn chuyên sâu tại Kiên Giang

2.500 học sinh Kiên Giang dự tư vấn tuyển sinh

Dưới đây là nội dung tư vấn

7XGrRSrQ.jpgPhóng to

Thí sinh đặt câu hỏi tại khu vực tư vấn nhóm khoa học xã hội, luật, sư phạm, quân đội, công an - Ảnh: Trần Huỳnh

eYefGzgm.jpgPhóng to
HS Nguyễn Thị Cẩm Nhung, lớp 12 hóa 2 Trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt đặt câu hỏi tại khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế - Ảnh: Trần Huỳnh

* Có ba chuyên ngành xây dựng dân dựng, thủy lợi, cầu đường...thì khác và giống nhau như thế nào?

- ThS Nguyễn Vĩnh An: Khi các em thi vào trường, thì điểm trúng tuyển chung vào ngành xây dựng. Sau đó, các em sẽ đăng ký vào chuyên ngành xây dựng dân dụng, thủy lợi, cầu đường... Các em lưu ý là sử dụng điểm trúng tuyển chung cho ba ngành và sau đó nguyện vọng vào chuyên ngành.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành này như Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, Giao thông vận tải TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM...Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có ngành tương đối mới là ngành sư phạm kỹ thuật xây dựng. Sau khi tốt nghiệp em sẽ được cấp hai bằng về sư phạm và kỹ sư.

* Em đang phân vân không biết chương trình đào tạo ngành kỹ thuật xây dựng giữa Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và ĐH Bách Khoa TP.HCM?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Em có học lực khá mới nên thi vào hai ngành này vì đây là hai ngành nổi tiếng và điểm chuẩn khá cao. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM mạnh về kiến trúc còn về Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM mạnh về thi công hơn. Tuy nhiên, cơ hội việc làm cao hay không phụ thuộc vào bản thân em nữa.

* Em muốn thi vào ngành xã hội học. Không biết chương trình đào tạo những gì, ra trường có thể làm việc ở đâu? Em có thể làm báo được không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này cung cấp kiến thức về kinh tế, nông thôn, đô thị, ngôn ngữ... để tìm ra giải pháp cho các vấn đề xã hội như phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội... Rất nhiều người tốt nghiệp các ngành khác nhưng làm báo chí. Nếu học ngành này, khả năng phân tích vấn đề của em sẽ tốt hơn. Làm được không thì tôi trả lời là được, vấn đề còn lại là do kỹ năng của em.

* Nếu em trúng tuyển vào ngành đăng ký nhưng trường không mở lớp được do quá ít người trúng tuyển em phải làm thế nào?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Hiện có một số trường tuyển điểm chuẩn theo ngành, nhóm ngành, ngành hoặc chuyên ngành. Khi trúng tuyển, 3 học kỳ đầu tiên các em sẽ học chương trình giống nhau như sinh viên các chuyên ngành khác. Do đó các em không cần lo lắng.

* Ngành ngôn ngữ Anh đào tạo những gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này có nhiều chuyên ngành như thương mại, biên phiên dịch, sư phạm, văn hóa văn học. Tùy vào hướng đào tạo, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu, kỹ năng của nhóm định hướng đó bên cạnh đào tạo ngôn ngữ Anh. Xu hướng hiện nay sinh viên chọn nhiều nhất là tiếng Anh biên phiên dịch.

* Trường nào đào tạo ngành sư phạm tiếng Anh?

- ThS Nguyễn Tùng Anh - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang: Ngành này có nhiều trường đào tạo như ĐH Sư phạm TP.HCM, Sài Gòn, Cần Thơ... Nếu các em học sư phạm tiếng Anh ra có thể đi dạy hoặc làm các công tác khác liên quan. Ngoài ra, nếu theo học cử nhân tiếng Anh, các em có thể học thêm các nghiệp vụ sư phạm để đi dạy.

Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang tuyển hai ngành là sư phạm tiếng Anh và tiếng Anh thương mại du lịch.

- Thầy Ninh Thành Viên - phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang: Hiện Kiên Giang còn thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học. Nếu các em có nguyện vọng học sư phạm tiếng Anh, các em nên chọn sư phạm tiếng Anh tiểu học.

* Nhiều trường ở ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển hệ số 2 môn thi, thông tin này như thế nào?

- TS Nguyễn Kim Quang: ĐH quốc gia TP.HCM có một vài trường và một số ngành trong một số trường lấy điểm nhân hệ số. Chẳng hạn Trường ĐH Công nghệ thông tin lấy hệ số 2 môn toán và hệ số 1 môn toán, lý.

Sở dĩ như vậy vì trường muốn tuyển chọn những học sinh có thế mạnh về môn toán. Ngoài ra, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ và các ngành chuyên ngữ...Các em nên vào trang thông tin của trường để xem rõ hơn về những điều kiện này.

* Em muốn học ngành y dược nhưng sức em không thể đậu, vậy em có thể học chế độ cử tuyển ở Kiên Giang có được không?

- ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng: Tại Kiên Giang có đào tạo hệ cao đẳng điều dưỡng, hộ sinh… trong 3 năm. Em nhắm sức học của mình, nếu không đậu ĐH thì chọn con đường cao đẳng. Hệ cử tuyển tức là học theo yêu cầu địa phương. Khi các em không trúng tuyển vào hệ ngân sách nhà nước, các em có thể liên hệ với Sở y tế Kiên Giang, hỏi về chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu địa phương.

- BS chuyên khoa II Thái Viết Tặng: Trường có đào tạo 2 bậc là cao đẳng và trung cấp. Hằng năm Sở GD-ĐT Kiên Giang có phân bổ chế độ cử tuyển, bậc trung cấp. Đa số là ngành y sĩ. Đối tượng cử tuyển thường là ưu tiên người dân tộc, những địa phương khó khăn…

* Ngành công tác xã hội khi ra trường có thể làm việc ở đâu?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này trang bị kiến thức để khi tốt nghiệp có thể làm việc với nhiều đối tượng khác nhau như người già, trẻ em, người bệnh... Tốt nghiệp có thể làm việc ở các cộng đồng, sở lao động thương binh xã hội, các tổ chức phi chính phủ, bệnh viện...

* Ngành VN học chuyên ngành hướng dẫn du lịch, ngoài hướng dẫn khách có thể làm được việc gì khác?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này trang bị các kiến thức kinh tế, chính trị, xã hội của VN để các bạn làm hướng dẫn viên. Tuy nhiên, các bạn có thể làm nhiều công việc khác như chuyên viên văn hóa, Sở văn hóa thể thao du lịch...

* Em không đủ sức vào ĐH, em có nên học CĐ hay không?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Những em có học lực từ trung bình khá trở xuống nên vào CĐ. Sau khi học xong, em có thể liên thông lên ĐH và hiện nay gần như 60% học sinh ở Mỹ học theo hình thức này.

* Năm nay, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Kiên Giang tổ chức thi, như vậy có tăng cơ hội cho thí sinh?

- Thầy Hồ Minh Triết: Năm nay trường vừa tổ chức thi vừa tổ chức xét tuyển. Trường tổ chức thi vì mong muốn chọn lựa chất lượng sinh viên đầu vào để đảm bảo chất lượng đầu ra.

* Em muốn học ngành quan hệ công chúng thì có thể theo học trường nào? Ra trường có thể làm việc ở đâu?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu đúng ngành này thì em có thể học ở Trường ĐH Văn Lang. Ngành này đòi hỏi khả năng nhanh nhạy, ăn nói tốt... Tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở bộ phận marketing ở các công ty, phòng PR ở các doanh nghiệp, tham gia tổ chức sự kiện, tổ chức họp báo...

* Ngành quan hệ quốc tế đào tạo những gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này cung cấp các kiến thức về luật quốc tế, quan hệ quốc tế, kỹ năng đàm phán... để sinh viên ra trường có thể làm công tác đối ngoại. Để tốt nghiệp ngành này, sinh viên phải có TOEFL 550, IELTS 6,0. Ngành này đòi hõi kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề và đàm phán.

* Ngành khoa học môi trường, công nghệ môi trường, quản lý môi trường có gì khác nhau?

- TS Nguyễn Kim Quang: Khoa học là ngành trang bị kiến thức để bạn hiểu, nắm bắt hoạt động tương tác giữa con người với môi trường và hiểu quy luật biến đổi tự nhiên của chúng ta. Ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, là phương pháp, hệ thống... để ứng dụng và giải quyết các vấn đề về môi trường để xử lý về những sự cố.

Chẳng hạn khi chúng ta xây dựng một khu du lịch, khu dân cư thì nên quan tâm đến môi trường như thế nào. Quản lý môi trường cũng nhằm môi trường để phát triển bền vững. Các bạn có thể làm việc tại sở tài nguyên môi trường, các cơ quan, xí nghiệp đều có những nhà quản lý, khoa học, công nghệ kỹ thuật môi trường. Trong tương lai, những ngành xây dựng, kinh tế đều có đánh giá về môi trường để tránh gây thiệt hại về môi trường.

* Em muốn thi ngành tài chính ngân hàng nhưng nghe nói ngành này khó xin việc và nguy cơ thất nghiệp rất cao, vậy có nên thi không?

- TS Trần Thế Hoàng: Ngành tài chính ngân hàng là ngành hiện đang được rất nhiều trường đào tạo. Các trường đào tạo trên cơ sở đã khảo sát nhu cầu của xã hội. Thí sinh thi vào ngành này rất đông. Cơ hội việc làm của ngành này hết sức đa dạng: các ngân hàng, công ty kinh doanh, kiểm toán, bảo hiểm, đầu tư…

Chỉ sợ không đủ sức thi vào chứ không lo không có việc làm bởi nhu cầu tuyển dụng hiện nay rất lớn. Bạn hãy cân nhắc, nếu quyết tâm chọn ngành này, hãy áng chừng mức điểm của mình để chọn trường phù hợp.

* Nhu cầu việc làm của ngành kỹ thuật hiện nay như thế nào?

- Thầy Hồ Minh Triết: Quan tâm đến ngành kỹ thuật là sự lựa chọn hết sức đúng đắn. Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Kiên Giang rất cần nhân lực ở các ngành nghề như cơ khí, điện. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành điện, xây dựng không đủ đáp ứng cho doanh nghiệp. Khả năng tìm việc ở các ngành kỹ thuật rất có tương lai.

* Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật đào tạo thế mạnh về những ngành nào, em có nên học CĐ hay không?

- Thầy Hồ Minh Triết: Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Kiên Giang mạnh về cơ khí chế tạo, cơ khí ôtô, kỹ thuật xây dựng. Năm nay, trường tăng chỉ tiêu ngành xây dựng để tăng cơ hội cho các bạn. Bạn nào thấy điểm thi của mình từ 8-9 điểm thì nên vào CĐ.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Những em có học lực từ trung bình khá trở xuống nên vào CĐ. Sau khi học xong, em có thể liên thông lên ĐH và hiện nay gần như 60% học sinh ở Mỹ học theo hình thức này.

* Một ngành của Trường ĐH Luật TP.HCM có nhiều khối thi khác nhau. Cho em hỏi chương trình đào tạo của các khối có giống nhau?

- ThS Lê Văn Hiển: Việc trường tuyển nhiều khối nhằm tạo điều kiện cho thí sinh. Tuy thi nhiều khối nhưng khi vào học đều học chương trình giống nhau. Vấn đề là các bạn học như thế nào, tích lũy kiến thức thế nào để khi ra trường có thể tìm được việc làm có thu nhập cao. Các bạn cần rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, trình bày trước đám đông, ngoại ngữ, tin học...

v9MXShv4.jpgPhóng to

TS Đỗ Văn Dũng đang tư vấn cho thí sinh tại khu vực nhóm ngành khoa học kỹ thuật - Ảnh: Trần Huỳnh

30WeD9Xj.jpgPhóng to
HS Trường THPT Nguyễn Trung Trực đang tham khảo thông tin nhóm ngành kinh tế trên Cẩm nang tuyển sinh 2012 của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Trần Huỳnh

* Nếu học luật, ra trường em muốn về địa phương làm thì có thể xin việc ở đâu vì tỉnh em còn nghèo?

- ThS Lê Văn Hiển: ở địa phương nào cũng có tòa án, các sở ban ngành như sở tư pháp, phòng tư pháp, sở kế hoạch đầu tư, các văn phòng công chứng... Do đó, cơ hội việc làm không hề nhỏ. Ngoài ra các bạn có thể làm tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp.

* Em muốn thi vào Trường CĐSP Kiên Giang nhưng trường không tổ chức thi. Em có thể thi nhờ tại Trường ĐH Cần Thơ không?

- ThS Nguyễn Tùng Anh - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang: Trong hồ sơ đăng ký dự thi, tại mục số 2, em ghi Trường ĐH Cần Thơ nhưng không ghi mã ngành. Ở mục số 3 em ghi đầy đủ tên trường và mã ngành của Trường CĐSP Kiên Giang. Khi có kết quả Trường ĐH Cần Thơ sẽ chuyển kết quả để Trường CĐSP Kiên Giang xét tuyển NV1 cho em.

* Em muốn thi vào ngành công nghệ khoa học vật liệu Trường ĐH Khoa học tự nhiên, em muốn hỏi ngành này đào tạo những gì?

- TS Nguyễn Kim Quang: Ngành này đào tạo một số chuyên ngành. Bạn nào thiên về hóa học sẽ đi hướng về polymer. Bạn nào thiên về vật lý sẽ học về vật liệu từ, nano. Trường ĐH Khoa học tự nhiên chuyên sâu về hướng vi mô của vật liệu, đi sâu vào bản chất của cấu trúc. Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cũng có đào tạo ngành này nhưng sâu vào những hướng chế tạo ra những máy móc để nghiên cứu và chế tạo ra những vật liệu kể trên.

* Ngành công nghệ sinh học đầu ra như thế nào?

- TS Nguyễn Kim Quang: Ngành công nghệ sinh học là công nghệ tạo bước đột phá trong chất lượng sản phẩm trong nền tảng sinh học. Trường ĐH Khoa học tự nhiên đào tạo trên nền tảng sinh học. Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM thiên về ứng dụng nền tảng hóa học và thiết bị, máy móc, phương thức để chế tạo ra những sản phẩm sinh học.

Ngành này là công nghệ ứng dụng những kiến thức khác như hóa, sinh để đi vào ADN, biến đổi gen. Đầu ra của ngành này làm tại những nơi sản xuất thực phẩm liên quan đến sinh học, nông nghiệp, dược phẩm, y khoa, tế bào gốc, thụ tinh ống nghiệm trong y khoa, chăn nuôi, nông nghiệp... bạn định hướng vào ngành nào sẽ học sâu và làm việc chuyên sâu về hướng đó.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngành này đòi hỏi phải có trang thiết bị hiện đại, cũng ít xí nghiệp mua sắm được những thiết bị này. Do đó, những em thực sự giỏi thì mới dễ tìm việc làm về công nghệ sinh học đỉnh cao.

* Cho em hỏi ngành công nghệ thực phẩm đào tạo những gì, làm việc ở đâu?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngành này học về công nghệ chế tạo ra thức ăn, nước uống. Chẳng hạn như làm trong các nhà máy sữa, trà, cafe, những thực phẩm đông lạnh...Hiện nay, đời sống phát triển, nhu cầu về thực phẩm an toàn, thực phẩm chức năng cao nên cơ hội việc làm của ngành này rất cao. Em có thể làm việc trong những xí nghiệp, nhà máy chế biến thực phẩm, các sở ban, ngành quản lý về công nghệ thực phẩm.

- Th.S Nguyễn Vĩnh An: Trường ĐH Cần Thơ có ngành công nghệ thực phẩm và chế biến thủy sản. Việc làm ở đâu, làm gì...như thầy Dũng đã nói, các em yên tâm vì hiện nay ĐBSCL chúng ta rất thiếu nhân lực ngành này.

* Luật kinh tế và luật thương mại có khác nhau không? Tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu?

- ThS Lê Văn Hiển: Hai ngành này chỉ khác nhau về tên gọi, chương trình đào tạo như nhau. Cơ hội việc làm của người học cũng là như nhau.

* Nếu học liên thông từ CĐ luật lên ĐH thì mất mấy năm?

- ThS Lê Văn Hiển: Hiện nay hầu như các trường đào tạo ĐH Luật đều chưa đào tạo liên thông từ trung cấp lên ĐH. Ở ngành luật chỉ có bậc trung cấp và ĐH chứ không có bậc CĐ.

* Em thi vào ĐH Cảnh sát nếu không đậu em có thể dùng kết quả này để xét NV2 vào trường khác hay không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu không trúnhg tuyển ĐH Cảnh sát nhưng có điểm tử sàn trở lên sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển NV2 vào các trường ngoài quân đội, công an. Tuy nhiên khi xét tuyển NV2, số trường xét tuyển NV2 sẽ ít hơn rất nhiều so với khi các em đăng ký dự thi NV1, do đó cơ hội lựa chọn ngành nghề sẽ ít hơn rất nhiều.

* Ngành quản lý giáo dục tuyển sinh yêu cầu những tiêu chuẩn gì? Ra trường cơ hội việc làm thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này trang bị các kiến thức liên quan đến tài chính, quản lý... Tuy nhiên khi vừa tốt nghiệp, các bạn chưa thể làm công tác quản lý bởi chưa có kinh nghiệm. Khi tốt nghiệp các bạn có thể làm giáo dục viên ở các trường hay chuyên viên ở các phòng giáo dục, sở giáo dục.

* Cơ hội việc làm của ngành song ngữ Nga - Anh như thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nhu cầu tiếng Nga của xã hội rất nhiều bởi du khách Nga hiện du lịch ở VN rất nhiều. Ngành này sẽ học trong 5 năm, tốt nghiệp ngành này các bạn sẽ được cấp 2 bằng: ĐH tiếng Nga và CĐ tiếng Anh. Học tiếng Nga hơi khó nhưng nếu có năng khiếu về ngoại ngữ thì không phải là quá khó. Nếu em thấy có năng khiếu thì nên mạnh dạn thi vào ngành này.

* Em muốn hỏi chuyên sâu hơn về ngành cơ điện tử?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngành cơ điện tử là giao thoa giữa cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin. Ngành này đào tạo về thứ nhất là về robot, hướng thứ hai là cơ điện tử ô tô, cơ điện tử trong ngân hàng (máy ATM), các dây chuyền sản xuất tự động...

* Em có thể nộp đơn cùng lúc vào hai trường để dự thi hay không?

- TS Nguyễn Văn Thư: Hoàn toàn có thể được. Nhưng em nên lưu ý điều này, các trường cùng ngành em chọn sẽ thi cùng khối và cùng ngày với nhau. Do đó, em nộp hai hồ sơ nhưng cuối cùng em chỉ được thi tối đa là hai khối thi khác nhau giữa hai đợt thi. Em nên cân nhắc vì mỗi hồ sơ có lệ phí là 80.000 đồng. Nếu em nộp nhiều sẽ gây lãng phí cho em và cho trường tổ chức dự thi.

Thành phần ban tư vấn gồm có:

1. TS Lê Thị Thanh Mai - ĐH Quốc gia TP.HCM2. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM3. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM4. PGS.TS Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ5. TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM6. TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)7. TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)8. TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM9. ThS Lâm Tường Thoại - chuyên viên tư vấn Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)10. ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM11. ThS Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing12. ThS Huỳnh Trương Lệ Hồng - phó trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM13. ThS Nguyễn Minh Phương - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ14. Thầy Lê Ngọc Diệp - phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và bồi dưỡng, Sở GD-ĐT Kiên Giang15. Cô Nguyễn Thị Bích Loan - phó trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên Trường CĐ Y tế Kiên Giang16. ThS Hồ Minh Triết – hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Kiên Giang17. ThS Nguyễn Đông Hải - phó hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Kiên Giang18. ThS Nguyễn Tùng Anh - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang

BannerVincom.png

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên