Tờ rơi trắng xóa ở đầu đường Trường Chinh, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Nhiều người vẫn nghĩ: cho tiền người ăn xin vì nghĩ sẽ giúp họ, nhận tờ rơi (dù không cần đọc) vì tội nghiệp, vì đã giúp người đi phát. Tôi nghĩ khác...
Tôi ở TP.HCM. Hôm nay, 22-1, ra đường lại gặp những "gương mặt quen" của những đứa trẻ xin tiền ở ngã tư đường.
Và nhiều người đi đường vẫn gửi những tờ tiền vào nón, ca nhựa đang chìa ra trước mặt. Đèn đỏ 60 giây, vào buổi sáng, có 6 người cho tiền em nhỏ tôi gặp, có người rộng rãi cho tờ 5.000, 10.000 đồng.
Đi một đoạn lại gặp em nhỏ khác và một phụ nữ chân trần, nón len nâu, quần áo kiểu như nhà tu, cũng xin tiền... và ai cũng được cho tiền.
Từ lâu, tôi đã không còn bận tâm chuyện họ khổ thật hay giả vì có người cho tiền, mỗi buổi "thu hoạch" một vài trăm ngàn thì những người kia khổ sao được!
Những người già gương mặt sầu thảm, khom lưng thấp nhất có thể, những đứa bé tỉnh rụi chìa ca nhựa trước mặt từng người.
Có những người tỏ vẻ áy náy khi phải lắc đầu, từ chối, một số người ngó sang hướng khác... Nhưng cuối cùng, thể nào cũng có người cho tiền.
Có người chạy qua khỏi trụ đèn tín hiệu vẫn dừng xe, quay lại gửi tiền, 2-3 xe khác phải dừng chờ...
Việc xin và cho tiền ở ngã tư đường lâu nay ít nhiều gây phiền phức, cản trở giao thông. Có những người không xin tiền, chỉ bày bán đồ chơi trẻ em, tăm bông... ở ngã tư hoặc bày hàng dài mấy mét trên những bồn cây ngăn giữa làn xe máy và ôtô (trên xa lộ Hà Nội, TP.HCM chẳng hạn) cũng kiểu gây cản trở giao thông khi bày bán giữa đường, nhiều người dừng đậu để mua hàng.
Cảnh này rất thường gặp nhưng chưa từng thấy ai nhắc nhở, xử lý.
Cũng như chuyện phát tờ rơi ở các ngã tư lớn. Những người phát tờ rơi lật đật len lỏi giữa dòng xe đang dừng chờ đèn xanh, cố gắng phát thật nhanh, thật nhiều.
Có người đi xe lắc đầu từ chối nhận, cũng có người cố nhét tờ rơi vào rổ xe, vào phía sau xe máy. Dòng xe đi qua, kiểu gì cũng có giấy bay lả tả xuống đường.
Nơi nào có phát tờ rơi, không lâu sau nơi đó đầy rác, không ít tờ rơi bị ném xuống đất ngay sau khi nhận từ tay người phát.
Nhiều người vẫn nghĩ: cho tiền người ăn xin vì nghĩ sẽ giúp họ, nhận tờ rơi (dù không cần đọc) vì tội nghiệp người đi phát.
Tôi nghĩ khác. Hầu hết chúng ta đều không biết những người xin tiền kia là ai, hoàn cảnh thế nào.
Đôi khi tấp xe mua một món đồ chơi cho trẻ, rồi lựa chọn tới lui mất nhiều phút, hoặc cầm một gói tăm bông nhỏ xíu và đặt lại vài ngàn trong rổ, nghĩ mình mua giúp người bán hàng nhưng vô tình cản trở những người đi xe phía sau, khiến giao thông lộn xộn.
Vứt bỏ tờ rơi trên đường, bạn thành người xả rác, nhận và thả liền tờ giấy xuống đường là một hành động phản cảm.
Mỗi người một hành động, ai cũng làm vậy, mình làm theo. Kết quả là: có những ngã tư đầy rác tờ rơi, nơi khác thì người già trẻ nhỏ ăn xin thản nhiên, mỗi ngày.
Nhận một tờ rơi, cho ai đó ít tiền có thể xuất phát từ lòng tốt, nhưng lắm khi là hành động cản trở giao thông hoặc sẽ xấu xí hơn là hành động xả rác giữa đường.
Tờ rơi có thể được phát và nhận đàng hoàng hơn ở những nơi khác (siêu thị, nhà sách, trung tâm mua sắm...).
Những người lớn, trẻ nhỏ xin tiền giữa đường có thể kiếm sống bằng công việc khác, càng được cho nhiều tiền, họ càng khó từ bỏ việc đi xin tiền.
Nhận tờ rơi và dễ dãi cho tiền người lạ không phải là cách thiết thực giúp người khác. Việc làm có vẻ như tốt nhưng chưa đúng, hành động đẹp nhưng chưa đẹp.
Nghĩ về đô thị sạch, đẹp với những con người hành xử tử tế, văn minh, lắc đầu với tờ rơi (khi mình không có nhu cầu nhận) và ngưng cho tiền những người ngày nào cũng ra đường xin tiền - đó mới là việc cần làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận